Sẽ “chấm điểm” giáo viên phổ thông
15:32', 21/1/ 2008 (GMT+7)

Giáo viên THPT sẽ được đánh giá, cho điểm qua các tiêu chuẩn, tiêu chí thay vì xếp loại từ giỏi xuống yếu theo cảm tính như hiện nay. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT sẽ được thực hiện từ năm học 2008-2009.

Chấm điểm từ 4 xuống 1

Với 8 tiêu chuẩn được cụ thể hóa thành 25 tiêu chí, phẩm chất và năng lực của giáo viên THPT sẽ được đánh giá và chấm điểm theo thang các mức từ 4 điểm (tương đương mức giỏi) xuống 1 điểm (tương đương mức yếu). Tiêu chuẩn đầu tiên của người giáo viên được đánh giá là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Trong tiêu chuẩn này, các tiêu chí cụ thể được phân theo: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với HS, với đồng nghiệp và lối sống, tác phong.

Các tiêu chuẩn còn lại tập trung vào việc đánh giá năng lực của giáo viên thông qua các việc tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; xây dựng kế hoạch giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; năng lực hoạt động xã hội và năng lực phát triển nghề nghiệp.

Thông qua các tiêu chuẩn, tiêu chí, hàng năm tất cả giáo viên THPT đều được đánh giá xếp loại một lần chính thức vào cuối năm học. Có 3 loại phiếu giúp cho sự đánh giá, xếp loại của giáo viên là phiếu giáo viên tự đánh giá, phiếu xếp loại giáo viên của tổ chuyên môn và phiếu xếp loại giáo viên của hiệu trưởng.

Giáo viên tự đánh giá được căn cứ vào bản tự kiểm điểm cuối mỗi học kỳ đã được tổ chuyên môn góp ý, tự đánh giá mức độ đạt được ở từng tiêu chí theo thang các mức. Ý kiến đánh giá của tổ chuyên môn chỉ có giá trị khi được sự nhất trí của hơn 1/2 số tổ viên.

Hiệu trưởng đánh giá giáo viên sau khi xem xét kết quả tự đánh giá và kết quả của tổ chuyên môn. Nếu cần thiết, hiệu trưởng có thể tham khảo thông tin từ HS, phụ huynh HS, yêu cầu giáo viên tự cung cấp thêm minh chứng hoặc trực tiếp trao đổi thêm với đương sự. Sau đó, kết quả đánh giá của mỗi giáo viên sẽ được công bố công khai trước hội đồng nhà trường.

"Chuẩn" còn thiếu hạn chế của giáo viên

Ông Đinh Sỹ Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, những tiêu chuẩn và tiêu chí này còn mang nặng tính định tính, ít tính định lượng. Một số tiêu chí có thể nhập lại cho ngắn hơn khi nội dung gần giống nhau. Ví dụ, tiêu chuẩn 1 có phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống nên nhập vào đạo đức nghề nghiệp; hay ứng xử HS, đồng nghiệp nhập thành ứng xử sư phạm.

Nhưng GS Trần Xuân Nhĩ nhận xét, một người thầy giáo, phẩm chất đạo đức rất quan trọng nên để nhiều tiêu chí hơn. Cái khó là định lượng ra 1 tiêu chí phân biệt được 4 cấp độ (giỏi, khá, trung bình, yếu) để có cơ sở xếp loại.

Đóng góp thêm một nội dung cảm thấy còn thiếu trong bộ "chuẩn" này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng ý kiến: "Nên đưa những vấn đề hạn chế của giáo viên, do đặc thù nghề nghiệp nên hay tản mạn và tùy tiện. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp không được các nhà giáo quan tâm đầy đủ, ý thức thường trực không có. Trong khi các nước khác, đạo đức nghề nghiệp (nghề y, nghề giáo) được đẩy lên rất cao".

Ông Lâm cho rằng, phải nêu cao tính tự chịu trách nhiệm của mỗi người thầy. Trong phần đối xử với đồng nghiệp không nên dùng đoàn kết chung chung mà phải nhấn mạnh là tinh thần hợp tác, học hỏi.

Muốn nâng cao vai trò người làm giáo dục, đặc biệt là những giáo viên chủ nhiệm, người có vai trò thành bại của nhà trường, cần cho họ thấy rõ quyền và lợi ích khi đảm nhận trọng trách. Do đó, chuẩn phải đề cao được yếu tố này. Công tác chủ nhiệm hiện nay là phải làm chứ không phải được làm. Được làm là phải đủ trình độ, năng lực..., ông Lâm ý kiến tiếp.

Đứng trên góc độ của người đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Văn Khải, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng có nhận xét như ông Lâm, trong các chương trình đào tạo giáo viên, yếu tố nghề nghiệp chưa được coi trọng. Ông Khải cho rằng: "Lâu nay giáo viên chưa làm hết chức năng của mình do chúng ta chưa có chuẩn. Do đó, cần có chuẩn để giáo viên định hướng rõ ràng, để căn cứ vào đó nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn".

Đối với các trường sư phạm, chuẩn cần thiết để các trường tự đánh giá chất lượng đào tạo của mình mà hiện nay chưa có đánh giá. Tuy nhiên, ông Khải cũng đề xuất, các mức, các minh chứng trong tiêu chí nên cụ thể hơn.

Với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời chọn lọc kinh nghiệm soạn thảo Chuẩn giáo viên tiểu học, hy vọng chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT sẽ được bàn hành đúng kế hoạch. Thông qua các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, xếp loại, các giáo viên sẽ biết mình đang đứng ở đâu, từ đó có cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi công tuyến đường nối Hà Tây với Hà Nội  (21/01/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Nội lực là yếu tố quyết định thành công của đất nước  (21/01/2008)
GM sắp ra mắt xe đa dụng giá rẻ tại VN  (21/01/2008)
Việt Nam tăng 3 hạng về Chỉ số tự do kinh tế  (21/01/2008)
Phê duyệt thành lập tổ chức luật sư toàn quốc  (20/01/2008)
Năm công trình đoạt giải nhất VIFOTEC 2007  (20/01/2008)
Bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết  (20/01/2008)
Phát hiện mỏ dầu mới tại cấu tạo Hải Sư Đen  (18/01/2008)
Phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ vào Quý I.2008  (18/01/2008)
Chăn nuôi sẽ chiếm hơn 40% sản lượng nông nghiệp  (18/01/2008)
Cứ ba trẻ em Việt Nam thì có một bị thấp còi  (18/01/2008)
Hà Nội: Hoa Tết đua giá với hàng tiêu dùng  (18/01/2008)
ABBANK tung ra thị trường thẻ thanh toán đa năng YOUcard  (18/01/2008)
16.000 tỷ đồng quy hoạch mạng lưới chợ  (18/01/2008)
Tổng kiểm tra các cơ sở mầm non  (18/01/2008)