Thông báo Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa X
10:57', 23/1/ 2008 (GMT+7)

Tiếp tục triển khai chương trình làm việc toàn khóa nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trong các ngày từ 14 đến 22.1.2008, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)  đã  họp  Hội  nghị lần thứ sáu. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã nghe báo cáo và thảo luận các đề án: Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và  trợ  cấp ưu đãi  người có công giai đoạn 2008 - 2012; Về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; nghe và cho ý kiến về các vấn đề: Thành lập Tiểu ban tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, Tiểu ban tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; bổ sung Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược cán bộ tại Hội nghị Trung ương 8 sắp tới; bầu bổ sung ủy viên ủy ban Kiểm tra Trung ương; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2007, trọng tâm công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2008; Báo cáo kết quả những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6; Báo cáo công tác tài chính, ngân sách Đảng năm 2007.

Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công, hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là lực lượng nòng cốt trong liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua hơn 20 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng: tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đời sống của giai cấp công nhân có được cải thiện nhất định cùng với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu trầm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; địa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ, ý thức giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân không đồng đều; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân còn nhiều khó khăn, lợi ích mà một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới và sự đóng góp của chính họ.

Sự nghiệp cách mạng nước ta đòi hỏi phải xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động cao, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, có cơ cấu đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Chăm lo đào tạo nghề, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân. Coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân. Bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân gắn với tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhiều tổ chức cơ sở đảng giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở được chăm lo. Chất lượng, trình độ các mặt của đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên. Công tác kết nạp đảng viên được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn nhiều mặt yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức giải quyết nhiều vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở. Nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn. Chất lượng đội ngũ đảng viên còn nhiều hạn chế; một bộ phận không nhỏ đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống rất đáng lo ngại. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn bị buông lỏng. Công tác kết nạp đảng viên mới còn chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất.

Để xây dựng, củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta phải tập trung, dồn sức hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện mô hình tổ chức trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; chăm lo phát triển đảng viên, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, thể chế hóa và thí điểm từng bước “nhất thể hóa” một số chức danh cán bộ; tạo bằng được bước chuyển mang tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; giảm tính hình thức, đơn điệu, tăng cường sức sống mới, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên; dựa vào dân để xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Sau hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp trước đây sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư duy và đường lối đổi mới của Đảng từng bước được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hình thành và phát triển. Chế độ sở hữu và cơ cấu các thành phần kinh tế được đổi mới cơ bản từ hình thức sở hữu toàn dân và tập thể là chủ yếu sang nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đan xen hỗn hợp, cùng bình đẳng và phát triển, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, khai thác tiềm năng trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội. Chế độ phân phối nặng tính bình quân, “cào bằng” đã được đổi mới theo hướng đa dạng, công bằng, dựa trên đóng góp kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, mức đóng góp về vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh. Các loại thị trường cơ bản đã ra đời và từng bước phát triển. Quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh đã đi vào cuộc sống. Quản lý nhà nước về kinh tế từng bước được đổi mới. Việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội được coi trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Song, quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn chậm, lúng túng, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; các chính sách có liên quan đến đất đai còn nhiều bất cập; quan hệ sở hữu, phân phối trong các doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lý tốt. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên thực tế có lúc, có nơi còn bị phân biệt đối xử. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành, phát triển chậm, thiếu đồng bộ. Cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội đổi mới chậm. Nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường chưa được giải quyết tốt. Quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, chưa lường hết để có biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là trong lĩnh vực xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và trong xã hội về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về những đặc trưng định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế; phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh; hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước, tăng cường sự tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.  Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 đã tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về tiền lương và an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt trong tổng thể bảo đảm các cân đối kinh tế vĩ mô, có tác động tích cực đến quốc phòng, an ninh và cải thiện đáng kể đời sống người hưởng lương, người nghỉ hưu và người có công với cách mạng. Tuy nhiên, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tiền lương chưa bảo đảm cho người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; chưa khuyến khích, thu hút được người tài, người làm việc giỏi; chưa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và của hệ thống chính trị.

Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012 được thực hiện theo các mục tiêu và quan điểm: coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công phải gắn với việc kiềm chế tốc độ tăng giá, bảo đảm tốt hơn đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc, đối tượng chính sách xã hội nhằm đạt mục tiêu Đại hội X của Đảng đã đề ra là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận “Về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012”.

Về chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, cần thiết phải có quy mô phù hợp, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội phải đáp ứng đầy đủ các chức năng và vị thế của một thủ đô hiện đại; phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng Hà Nội, phù hợp với các điều kiện địa lý - lịch sử - văn hóa truyền thống. Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về vấn đề này, giao Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã nghe và thảo luận các nội dung khác do Bộ Chính trị trình và đã bầu bổ sung ủy viên ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy thành tựu, ưu điểm đã đạt được trong năm 2007, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết các hội nghị của Trung ương; đưa sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững bước tiến lên. Trước mắt, tổ chức đón Tết, vui Xuân Mậu Tý lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; chăm lo đời sống gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng sôi nổi, triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 ngay từ tháng đầu, quý đầu; lập thành tích chào mừng 78 năm Ngày thành lập Đảng 3-2, kỷ niệm tròn 40 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
100 người giàu nhất trên TTCK năm 2007  (22/01/2008)
WB tiếp tục “đổ” tiền vào VN  (22/01/2008)
PetroVietnam sẽ mua hai mỏ dầu ở nước ngoài  (22/01/2008)
Năm học 2008 - 2009: Thay sách lớp 12 trên toàn quốc  (22/01/2008)
Đàn voi dữ tấn công người, phá nhà  (22/01/2008)
Vietcombank sẽ niêm yết vào tháng 6  (22/01/2008)
Miền Bắc đón đợt rét đậm mới  (22/01/2008)
Bản án nghiêm khắc cho những hành vi tàn ác  (22/01/2008)
Siết chặt kỷ luật phát ngôn về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm  (22/01/2008)
Tiền lẻ đi đâu mất?  (21/01/2008)
Sẽ “chấm điểm” giáo viên phổ thông  (21/01/2008)
Khởi công tuyến đường nối Hà Tây với Hà Nội  (21/01/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Nội lực là yếu tố quyết định thành công của đất nước  (21/01/2008)
GM sắp ra mắt xe đa dụng giá rẻ tại VN  (21/01/2008)
Việt Nam tăng 3 hạng về Chỉ số tự do kinh tế  (21/01/2008)