Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký tại VN trong những năm qua đã tăng trưởng nhanh, nhưng nguồn vốn thực hiện lại thấp. Khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện ngày càng dãn ra. Đây chính là nguy cơ tăng trưởng trên “giấy” mà hoạt động thu hút ĐTNN đang phải đối mặt.
Phát biểu tại hội thảo “20 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24.1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: trong suốt 20 năm qua khu vực kinh tế có vốn ĐTNN không ngừng được mở rộng và phát triển, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tích cực vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Tính đến nay, cả nước có khoảng 9.500 dự án ĐTNN được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 98 tỷ USD. Trừ các dự án đã hết thời hạn hoạt động và giải thể trước thời hạn, hiện có 8.590 dự án có hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 83 tỷ USD.
Riêng năm 2007, thu hút ĐTNN đạt 20,3 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2006, gần bằng tổng mức ĐTNN của 5 năm 2001-2005 và chiếm tới gần 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 20 năm qua.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 61% tổng vốn đăng ký, lĩnh vực dịch vụ chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp chiếm 4,6% tổng vốn ĐTNN đăng ký.
Đến nay, ĐTNN đã trải rộng khắp 64 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm, có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Hiện có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó, các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á chiếm 69% tổng vốn đầu tư đăng ký; thuộc châu Âu chiếm 24% (riêng EU chiếm 10%); các nước châu Mỹ chiếm 5% (riêng Hoa Kỳ chiếm 3,6%). Hiện có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, vốn đăng ký trên 1 tỷ USD tại Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc vốn đạt trên 13 tỷ USD, thứ 2 là Singapore đạt 10,7 tỷ USD, thứ 3 là Đài Loan đạt 10,5 tỷ USD, thứ 4 là Nhật Bản đạt trên 9 tỷ USD.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tăng nhanh, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đóng góp quan trọng vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan lo ngại: vốn ĐTNN tăng nhanh, đặc biệt là trong năm 2006-2007, vốn thực hiện tăng qua các năm nhưng chậm nên khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện ngày càng giãn ra; ĐTNN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp còn thấp; Đầu tư từ những nước phát triển có thế mạnh về công nghệ như Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc EU tăng chậm; Việc cung cấp nguyên liệu, phụ tùng của các doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài còn chậm… Những hạn chế trên đòi hỏi, ngành kế hoạch đầu tư phải có các giải pháp tổng thể để khắc phục dần trong thời gian tới.
Trong những năm tới, nước ta phải tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm sớm thoát ra khỏi tình trạng nước đang phát triển có mức thu nhập thấp. Thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi phải phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, kể cả trong nước và nước ngoài. Việc thu hút và sử dụng có hiệu quả sử dụng nguồn vốn ĐTNN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trên, dự tính nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 5 năm 2006 – 2010 khoảng 140 tỷ USD. Bên cạnh việc huy động vốn trong nước ở mức tương đối cao, nguồn vốn huy động từ bên ngoài ước khoảng 48,8 tỷ USD, trong đó riêng vốn ĐTNN phải ít nhất 24 – 25 tỷ USD.
Thứ trưởng Trương Văn Đoan cho biết, để triển khai việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn ĐTNN trong thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo phải thực hiện đồng bộ 5 giải pháp. Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước; theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Thứ hai, tiếp tục cải tiến mạnh hơn nữa các thủ tục hành chính theo cơ chế một “cửa”. Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình cấp phép, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư... Thứ ba, tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Thứ tư, coi trọng và tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Thứ năm, tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển và quy hoạch phát triển ngành, địa phương…
. Theo HNM
|