Kiểm toán niên độ ngân sách: 9.100 tỷ đồng “có vấn đề”
15:10', 27/1/ 2008 (GMT+7)

Đụng đâu, sai đó, lạm chi tràn lan, thất thu lớn, ngân sách “chảy máu”... là những mẫu số chung trong kết quả kiểm toán niên độ ngân sách Nhà nước năm 2005. Thực tế này không có nhiều thay đổi theo kết quả kiểm toán trong năm 2007 đối với niên độ ngân sách Nhà nước năm 2006 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố sơ bộ.

Vẫn đụng đâu, sai đó

Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã phát hiện, kiến nghị xử lí tổng số tiền lên tới 9.100,6 tỷ đồng. Đây mới là kết quả nhận được từ việc thực hiện 56/114 cuộc kiểm toán trong năm 2007 của đơn vị này theo kế hoạch kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006. Chưa thực hiện được 50% khối lượng công việc, hàng loạt sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện, cụ thể: Tăng thu vào ngân sách Nhà nước 1.492,2 tỷ đồng, giảm chi 741 tỷ đồng; đưa vào quản lí ngân sách Nhà nước bằng ghi thu, ghi chi 2.863,5 tỷ đồng; các sai phạm khác lên tới 3.246,2 tỷ đồng; bổ sung kinh phí hoạt động 5,9 tỷ đồng; nợ đọng ngân sách tăng 208,4 tỷ đồng... Trong số này, theo cơ quan chức năng, 1.492,2 tỷ đồng trong kiến nghị tăng thu cho ngân sách Nhà nước là đáng lưu tâm nhất vì đây chủ yếu là các khoản thuế bị... sót, cần phải truy thu ngay. Điều đáng nói là các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị không “phàn nàn” gì về kết quả. Trên thực tế, tỉ lệ tăng thu vào ngân sách Nhà nước mà cơ quan Kiểm toán Nhà nước đề nghị đã được thực hiện tới 98%. Tuy nhiên, vấn đề cũng đáng quan tâm ở đây là trong 9.100,6 tỷ đồng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện, có một tỉ lệ nhỏ thuộc loại được thu chi phù hợp thực tế song sai qui định vì nhiều qui định đã lạc hậu.

Có một nhận định chung khác, theo giới kiểm toán độc lập, là phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt khu vực ngoài quốc doanh hay khối Nhà nước, rất ngại... đụng kiểm toán. TS Nguyễn Thanh Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu- Đào tạo Kinh tế, tài chính đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tập quán kiểm toán định kì, cũng như... không thích kiểm toán. Cứ sai phạm với mức độ và qui mô như ở trên thì ngại cũng phải!

Yêu cầu: Rút ngắn thời gian kiểm toán - Thách thức: Thiếu người

Thông thường, kết quả kiểm toán phải rất lâu sau khi kết thúc năm tài chính mới được công bố. Cụ thể, đầu quí 3 năm 2007 mới có kết quả kiểm toán trong năm 2006 về niên độ ngân sách Nhà nước năm 2005. Và bây giờ, đầu quí 1 năm 2008 mới công bố chưa được 50% tiến độ kiểm toán trong năm 2007 đối với niên độ ngân sách Nhà nước năm 2006. Nếu không có gì thay đổi, đầu quí 2 năm nay, Kiểm toán Nhà nước mới hoàn thành kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006. Sự chậm trễ này dẫn tới việc Quốc hội cũng như toàn dân thiếu căn cứ cần thiết để chất vấn, thảo luận về công tác thu chi, quản lí ngân sách Nhà nước kịp thời. Nguyên nhân chính là theo qui định, thời gian phát hành báo cáo kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước được “đủng đỉnh” 18 tháng sau khi năm tài chính kết thúc. Ngoài ra, tiến độ kiểm toán của từng bộ phận kiểm toán cũng chậm. Năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đặt chỉ tiêu đưa ra kết quả sau khi kết thúc kiểm toán mỗi đơn vị là 60 ngày để không ảnh hưởng tới tiến độ chung của ngành. Yêu cầu này là cần thiết vì phát hiện, xử lí sai phạm liên quan đến quản lí ngân sách Nhà nước gấp như chữa cháy, sớm chừng nào hay chừng ấy...

Tuy nhiên, yêu cầu này lại đặt Kiểm toán Nhà nước vào thế khó. Tại buổi tổng kết năm 2007, Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho biết chỉ trong năm này, đơn vị đã liên tục bị “chảy máu chất xám”. Hơn 20 cán bộ, lãnh đạo cấp phòng hoặc trong tầm qui hoạch lên cấp vụ đã dứt áo ra đi theo tiếng gọi của các Cty chứng khoán, các Quĩ có đồng lương hấp dẫn gấp bội. Đây là những cán bộ được đào tạo bài bản, có kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm tốt. Tại thời điểm này, Kiểm toán Nhà nước đang thiếu trầm trọng nhân sự cấp cao. Cụ thể, để đáp ứng nhân sự, đặc biệt là bốn kiểm toán khu vực mới mở tại Yên Bái, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Tây Ninh, Kiểm toán Nhà nước đã rất chật vật mới tuyển được 114 nhân viên. Đấy là chưa kể sự bùng nổ của thị trường chứng khoán cũng khiến thiếu hụt nhân sự trở nên trầm trọng. Ông Vương Đình Huệ thông tin thêm là nhiều bộ phận, kiểm toán viên phải làm việc... vượt công suất.

. Theo HNM

Kết quả kiểm toán ngân sách năm 2005

 * Số tiền thu chi sai nguyên tắc, phải xử lí lên tới 7.622,5 tỷ đồng, trong đó 1.399,5 tỷ đồng đã được các bộ, ngành, địa phương vung tay quá trán. Riêng tại nhóm doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chức năng đã phát hiện và tăng thu 1.280,2 tỷ đồng, bao gồm 92 tỷ đồng thuế VAT, 342,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nợ đọng thuế tính đến hết ngày 31- 12- 2005, lên tới 4.659 tỷ đồng.

* Cơ quan  kiểm toán cũng đã kiến nghị giảm chi, thu hồi về ngân sách Nhà nước 661,8 tỷ đồng do các khoản chi vượt dự toán, tùy tiện. Đặc biệt, riêng chi quản lí hành chính  vượt dự toán 42%, khoảng 5.500 tỷ đồng.

* 22/32 địa phương sử dụng ngân sách sai qui định dẫn tới các khoản “tài chính xấu” là 1.518 tỷ đồng. 17/32 tỉnh sử dụng các khoản vượt thu sai mục đích 733 tỷ đồng.

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông qua hai Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (sửa đổi) và Công nghiệp quốc phòng  (27/01/2008)
Khởi công xây dựng tượng đài Thánh Gióng tại Sóc Sơn, Hà Nội  (27/01/2008)
Xây dựng kế hoạch chi tiết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giảm nghèo  (27/01/2008)
Tạm giữ người đốt pháo ngay trong dịp Tết  (25/01/2008)
Cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm  (25/01/2008)
“Cứu” chứng khoán - Hãy vực niềm tin nhà đầu tư  (25/01/2008)
Đối mặt với nguy cơ tăng trưởng trên “giấy”  (25/01/2008)
Chủ tịch nước: Giữ từng tấc đất lẫn hòa bình để phát triển  (25/01/2008)
Việt Nam phản đối hành động vi phạm chủ quyền biển đảo  (25/01/2008)
Cơ quan hành chính Nhà nước làm việc vào thứ Bảy  (24/01/2008)
Thành lập 3 Trung tâm đào tạo tiền tiến sĩ  (24/01/2008)
Doanh nghiệp đầu tiên thuê được tổng giám đốc  (24/01/2008)
13.150 người chết vì tai nạn giao thông năm 2007  (24/01/2008)
Hoãn bán cổ phần để xác định lại giá trị doanh nghiệp  (24/01/2008)
"Biết tin mình là người giàu, tôi tắt ngay di động"  (24/01/2008)