Thị trường vốn và tài chính Việt Nam: Nhiều tiềm năng
9:45', 29/1/ 2008 (GMT+7)

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây sụt giảm xuống gần 750 điểm. Theo đánh giá của các nhà quan sát, thị trường sẽ lại lên trong thời gian tới, có thể là sau Tết.

Trong những ngày vừa qua, nền kinh tế thế giới chứng kiến những biến động của hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới do ảnh hưởng của sự suy thoái nền kinh tế Mỹ. Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào với sự biến động này, và tương lai của thị trường vốn và tài chính của Việt Nam sẽ ra sao trong năm 2008, là những vấn đề được các chuyên gia quan tâm trong Hội thảo về Thị trường Vốn và Tài chính Việt Nam 2008 tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày vừa qua ngoài những nguyên nhân nội tại thì một phần cũng là do những bất ổn của thị trường tài chính quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, trước đây sự lên xuống của thị trường chứng khoán thế giới ít tác động đến thị trường chứng khoán trong nước, nhưng bắt đầu từ năm 2007 sự tác động này đã ngày càng rõ nét. Đặc biệt trong những ngày gần đây, khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm 5 – 6%, thị trường Việt Nam cũng sụt giảm đáng kể. Sự suy thoái của kinh tế Mỹ, cùng với sự bán tháo cổ phiếu trên nhiều thị trường chứng khoán thế giới đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại về việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Về vấn đề này, ông Lê Hải Trà, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc có bán cổ phiếu ở thị trường Việt Nam hay không họ còn sẽ cân nhắc đến tiềm năng của thị trường và sự cần thiết hơn khi rút vốn. Những nhà đầu tư lớn là những người có tổ chức có kinh nghiệm. Họ nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu và không bao giờ họ lại rút vốn một cách đồng loạt và bất ngờ”.

Đánh giá về diễn biến thị trường chứng khoán trong nước trong những ngày vừa qua, ông Luis Nguyen, Giám đốc Quỹ Đầu tư Anpha Capital cho rằng với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam vào thế giới thì đây là điều tất yếu. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng cần phải chuẩn bị tốt để có thể thích ứng dần với các tác động từ bên ngoài. Sự suy giảm của thị trường chứng khoán tại thời điểm này đáng để cho các nhà hoạch định chính sách, và các nhà đầu tư rút ra bài học. Ông Luis Nguyen cho biết: Tháng 4.2000, khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm, có nơi sụt giảm tới 80, 90%. Nhiều nhà đầu tư rất khủng hoảng, ngay cả nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam hiện nay mức chứng khoán mới sụt giảm xuống gần 750 điểm. Các nhà đầu tư chưa thấy mức sụt giảm như thế bao giờ, nên việc xảy ra tâm lý lo sợ là điều tất yếu. Theo đánh giá của chúng tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lên trong thời gian tới, có thể là sau Tết”.   

Còn theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, trong thời gian sắp tới các luồng vốn đầu tư vẫn sẽ vào Việt Nam. Sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam là do có tới 25% số doanh nghiệp nhà nước, là các doanh nghiệp tập đoàn lớn chưa cổ phần hóa. Bên cạnh đó hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang rất cần vốn để mở rộng qui mô phát triển, đồng thời thực hiện các chiến lược sản xuất kinh doanh… Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu ở Việt Nam nói: “Việt Nam là một trong 5 thị trường hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài…Không có nhiều nước trên thế giới có sự ổn định chính trị, có tốc độ tăng trưởng cao, có dân số trẻ…như Việt Nam”.

Năm 2008 này, các dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Vấn đề quan trọng hiện nay đặt ra là sẽ nâng cao năng lực cho thị trường vốn, thị trường tài chính của chúng ta như thế nào. Ví dụ như xây dựng hệ thống tài chính, kế toán theo các chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện và bổ sung các hệ thống pháp lý để nâng cao tính thanh khoản, minh bạch cho thị trường chứng khoán…. Đánh giá về thị trường vốn của nước ta trong năm 2008, ông Brad Levitt, Trưởng Ban Thị trường Vốn Toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered cho biết: Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn mở đầu phát triển. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng và sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhiều tập đoàn và ngân hàng trên thế giới. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang thành công trong việc định hướng để thị trường phát triển dài hạn.

Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần phải nâng cao năng lực quản lý và điều hành, chuẩn bị tốt mọi mặt để tiếp nhận những luồng vốn này một cách bền vững hiệu quả.

. Theo VOV News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không bao cấp giá bán than cho ngành xi măng, phân bón và giấy  (28/01/2008)
Chuẩn bị sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT  (28/01/2008)
Xây dựng 3 nhà máy đóng tàu tại vùng Đông Bắc  (28/01/2008)
Cơn lốc tăng giá hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán  (28/01/2008)
Đưa Phú Quốc trở thành đảo du lịch sinh thái chất lượng cao  (28/01/2008)
Chính phủ sẽ có Cổng thông tin điện tử  (28/01/2008)
Tặng Bằng khen cho kiều bào có thành tích xuất sắc  (28/01/2008)
Kiểm toán niên độ ngân sách: 9.100 tỷ đồng “có vấn đề”  (27/01/2008)
Thông qua hai Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (sửa đổi) và Công nghiệp quốc phòng  (27/01/2008)
Khởi công xây dựng tượng đài Thánh Gióng tại Sóc Sơn, Hà Nội  (27/01/2008)
Xây dựng kế hoạch chi tiết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giảm nghèo  (27/01/2008)
Tạm giữ người đốt pháo ngay trong dịp Tết  (25/01/2008)
Cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm  (25/01/2008)
“Cứu” chứng khoán - Hãy vực niềm tin nhà đầu tư  (25/01/2008)
Đối mặt với nguy cơ tăng trưởng trên “giấy”  (25/01/2008)