VN cho phép nuôi rộng rãi tôm chân trắng
15:26', 31/1/ 2008 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa đồng ý cho phép các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL nuôi tôm chân trắng theo hình thức thâm canh, nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo tiêu chuẩn 28 mà Bộ vừa ban hành. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận vẫn được nuôi tôm chân trắng theo nhu cầu của nhà đầu tư và nằm trong vùng quy hoạch của địa phương.

Chủ trương này của Bộ NN-PTNT được cụ thể hoá tại Chỉ thị 228 về việc phát triển nuôi tôm chân trắng, do Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng ký ngày 25.1. Theo đó, trại sản xuất tôm giống tại các tỉnh thuộc ĐBSCL phải nằm trong vùng sản xuất giống tập trung đã được Bộ quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, có công suất 500 triệu tôm PL15 trở lên.

Riêng đối với trại giống tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có thêm yêu cầu là phải nằm trong vùng đã được địa phương quy hoạch, nhưng công suất giảm một nửa so với trại tôm ở ĐBSCL (tối thiểu 250 triệu tôm PL15/năm).

Việc nuôi tôm phải được thực hiện nghiêm theo tiêu chuẩn 28 TCN 191: 2004 vùng nuôi tôm; điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2004/QĐ-BTS, ngày 14.1.2004, của Bộ Thủy sản trước đây.

Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, các ban ngành địa phương quản lý, hướng dẫn phát triển nuôi tôm chân trắng theo kế hoạch, quy hoạch. Đồng thời, cần kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp nuôi tôm chân trắng không đúng quy định, sản xuất lưu hành tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng để tôm chân trắng thoát ra các vùng nước xung quanh, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh vùng nuôi.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng yêu cầu Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản sớm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống, trại sản xuất giống, tiêu chuẩn về tôm bố mẹ, tiêu chuẩn tôm chân trắng thâm canh.

Cục HTX và Phát triển nông thôn phối hợp với Vụ Nuôi trồng Thủy sản chỉ đạo địa phương nghiên cứu tổ chức sản xuất để các DN chế biến xuất khẩu tham gia nuôi tôm chân trắng, xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác, cộng đồng, khuyến khích đầu tư, tạo mối liên kết 4 nhà (khoa học - sản xuất - đầu tư - doanh nghiệp) để phát triển tôm chân trắng tạo nguồn nguyên liệu an toàn trên cả nước.

Đa dạng hoá song không phát triển ồ ạt

Tôm chân trắng đang nuôi ở nước ta là đối tượng nhập nội, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Tôm phát triển tốt, cho năng suất cao, giá thành thấp, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu.

Song, việc nuôi tôm chân trắng hiện chỉ hạn chế ở một số tỉnh, thành nhất định. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu sản xuất giống và nuôi khảo nghiệm tôm chân trắng, nhìn chung quản lý và phát triển đúng hướng, cơ bản đảm bảo an toàn sinh học, trình độ kỹ thuật nhiều nơi được cải thiện.

Tôm chân trắng đã và đang nuôi phát triển theo chiều hướng tốt trên vùng đất thịt, đất cát từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Sản lượng tôm chân trắng chiếm 5-7% sản lượng tôm nuôi trên phạm vi cả nước. Nhiều cơ sở nuôi đạt năng suất cao, từ 12-14 tấn/ha, hiệu quả kinh tế khá, thị trường thế giới có nhu cầu lớn.

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tại các tỉnh ĐBSCL, việc nuôi tôm sú cũng bị “đe dọa” do phải cạnh tranh gay gắt với tôm chân trắng. Giá thành nuôi 1kg tôm chân trắng nguyên liệu chỉ gần 30.000 đồng, trong khi nuôi 1kg tôm sú tốn 65.000-75.000 đồng, nếu bán ở mức đó thì người nuôi thường bị lỗ. Thị phần mặt hàng tôm sú chế biến giảm mạnh do ảnh hưởng của việc tăng sản lượng xuất khẩu tôm chân trắng từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan.

Trong khi đó, người tiêu dùng thế giới có xu hướng chuyển qua ăn tôm chân trắng do giá loại tôm này đang rẻ hơn tôm sú Việt Nam từ 30-50%. Giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau đang ở mức 160.000 đồng/kg loại 20 con; 104.000 đồng/kg loại 30 con. Đây là một thực trạng đáng lo ngại: tôm sú khó cạnh tranh, trong khi đó tôm chân trắng chiếm khoảng gần 70% tổng sản lượng tôm toàn cầu.

Do vậy, mặc dù cho phép đa dạng hoá đối tượng nuôi, Bộ NN-PTNT khuyến cáo trong những năm tới tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực tại ĐBSCL. Chủ trương của Bộ là cho phép nuôi tôm chân trắng để đa dạng hoá đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập, tận dụng tiềm năng diện tích đủ điều kiện nuôi. Song, cần tránh tình trạng nuôi ồ ạt không đủ điều kiện dẫn đến rủi ro đáng tiếc xảy ra.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Địa phương được chủ động chính sách xe 3; 4 bánh  (31/01/2008)
Kiểm soát lạm phát, giảm nhập siêu, tổ chức Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm  (31/01/2008)
Việt Nam tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế  (31/01/2008)
Thủ tướng công bố danh mục phân loại cảng biển Việt Nam  (31/01/2008)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ thân mật kiều bào có công  (31/01/2008)
Chứng khoán tăng như vũ bão  (30/01/2008)
Giảm giá bán lẻ xăng dầu: thời cơ đã đến?   (30/01/2008)
Từ 1.2.2008 Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng các lãi suất chủ chốt  (30/01/2008)
Thủ tướng yêu cầu tăng cường an toàn giao thông dịp Tết  (30/01/2008)
Nhà nước cần xem lại chính sách tiền lương và môi trường làm việc  (30/01/2008)
Kinh tế tháng 1 tiếp tục tăng trưởng nhiều mặt  (30/01/2008)
Gặp mặt đón xuân với cộng đồng quốc tế tại VN  (30/01/2008)
Gần 10.000 người sẽ dự lễ kỷ niệm 40 năm Xuân Mậu Thân  (30/01/2008)
Vinamotor đầu tư hơn 200 triệu USD ra nước ngoài  (29/01/2008)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng gần 2,4%  (29/01/2008)