Tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với mức trung bình là 42 lần. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ tiền thưởng cao nhất so với mức trung bình còn gây “sốc” hơn: 109 lần.
Tiền lương xích lại, tiền thưởng giãn ra
Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, tiền công (Bộ LĐ,TB&XH) nhận định, chênh lệch về tiền lương, tiền thưởng đang có xu hướng tăng lên giữa các nghề, loại lao động. Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh có lương và mức thưởng cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung và so với lao động giản đơn.
Cụ thể, tại Hà Nội chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với mức trung bình là 42 lần (75,2 triệu/tháng so với mức bình quân 1,8 triệu/tháng); tại thành phố Hồ Chí Minh chênh lệch giữa người có tiền thưởng cao nhất so với mức trung bình còn “sốc” hơn: 109 lần (240 triệu so với mức 2,2 triệu/người).
Cũng theo ông Huân, mức tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp có xu hướng xích lại gần nhau hơn, trong đó tiền lương của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI là tương đương nhau. Tuy nhiên, mức tiền thưởng ở các doanh nghiệp FDI vẫn cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp còn lại, bằng chứng là những người có tiền thưởng Tết cao nhất vẫn thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Ngoài việc thưởng bằng tiền, năm 2007 các doanh nghiệp còn dùng nhiều hình thức khác để thưởng cho người lao động, trong đó đặc biệt là thưởng bằng cổ phiếu hoặc cho mua cổ phiếu theo chế độ ưu đãi được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Mức tiền lương, tiền thưởng của người lao động vẫn có sự khác nhau khá lớn, phụ thuộc nhiều vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi thế ngành hàng và giá tiền công ở từng vùng. Mức tiền lương, tiền thưởng ở những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả cao, những ngành nghề có nhiều lợi thế, những vùng kinh tế trọng điểm ngày càng chênh lệch cao hơn so với mức bình quân chung và so với các doanh nghiệp khó khăn (các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có mức thưởng cao hơn khá nhiều so với các địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, chưa kể đến so với các tỉnh thành khác).
Địa ốc "rủng rỉnh" thưởng cuối năm
Các doanh nghiệp có mức thưởng bình quân thấp nhất Tết năm nay là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày. Mức thưởng của những doanh nghiệp kiểu này (dù là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 900 nghìn đồng/người.
Ở các địa phương, tiền thưởng ở các doanh nghiệp dệt may và da giày còn kém hơn rất nhiều. Chị Bùi Thị Mai (trú tại phường Bồ Xuyên, Thái Bình), là công nhân của một công ty may nằm trên địa bàn thành phố Thái Bình cho hay, công ty này chỉ thưởng Tết vỏn vẹn 150 nghìn đồng/người.
"Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng thế". Ông Trịnh Đăng Tuân - nhân viên văn phòng của Công ty Dệt may Lan Lan (liên doanh với Nhật - cũng nằm trên địa bàn Thái Bình) cho hay, mức thưởng Tết cho công nhân năm nay của công ty này cao hơn năm trước ít nhất 200 nghìn. Tùy theo năm cống hiến mà các mức thưởng cho công nhân ở đây dao động từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Có được mức thưởng này cho gần 600 công nhân ở Thái Bình thực sự là một cố gắng.
Tuy nhiên, mức này vẫn còn khá hơn các doanh nghiệp dân doanh, ngay tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ thưởng tối đa có 100 nghìn đồng/người. Phần lớn các doanh nghiệp này đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tài chính.
Một trong những lĩnh vực thưởng Tết năm nay "trội" nhất là địa ốc. Anh Vũ Chính, nhân viên của một văn phòng nhà đất tư nằm trên đường Trần Đăng Ninh (Hà Nội) cho hay, đã được thưởng gần 30 triệu. Tuy nhiên, theo anh Chính, mức thưởng này thậm chí vẫn còn chưa tương xứng với việc anh giúp văn phòng của mình giao dịch thành công hàng loạt căn hộ chung cư khu vực Dịch Vọng Hậu.
. Theo VNN
|