|
Múa lân đón mừng năm mới ở TPHCM. Ảnh: TTXVN |
Hội An trời se lạnh, không mưa, lượng người đi chơi xuân đổ về trung tâm TP đông đúc. Các di tích cổ mở cửa đón khách trong những ngày Tết nên thu hút khá đông khách đến tham quan. Hơn 3.000 du khách, trong đó 80% là du khách nước ngoài đã lưu lại Hội An để đón Tết cổ truyền Việt Nam .
Hà Nội: Lạnh và đi chùa
Suốt ba ngày Tết, Hà Nội vẫn đang trong đợt lạnh nhất trong năm nên các công viên, những khu vui chơi dành cho trẻ em trở nên vắng vẻ lạ thường. Sáng mùng ba, Công viên Thủ Lệ, vốn đông nghẹt khách vào những dịp lễ Tết, chỉ có vài ba khách đến gửi xe. Những chú vịt dập dềnh trên mặt hồ Thủ Lệ đã chịu số phận “ngủ đông” suốt từ năm cũ đến giờ!
Ngược lại các đền chùa, những nơi thờ cúng linh thiêng của Hà Nội đông nghẹt khách đến cúng lễ đầu năm. Chùa Hà, một trong những ngôi chùa thiêng nổi tiếng nằm trên quận Cầu Giấy, lúc nào cũng nghi ngút khói hương, đông đến mức đồ lễ của khách phải xếp chồng lên nhau và khó khăn lắm mới tìm được một chỗ đặt đồ lễ. Phủ Tây Hồ, nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, cũng đông không kém. Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm cũng là những địa điểm văn hóa được rất nhiều người Hà Nội đến cúng lễ trong những ngày đầu năm. Đặc biệt, trong ngày mùng 2 tết, Văn Miếu còn cuốn hút du khách bởi hội thi cờ người, cờ tướng, viết thư pháp và múa rối nước.
Theo các hãng lữ hành tại Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán 2008, nhiều người dân Hà Nội chọn đi du lịch như hình thức du xuân. Các tour nội địa và đi du lịch nước ngoài đều kín chỗ dù giá tăng từ 40% đến 50%. Với những hộ có thu nhập cao, hình thức du xuân phổ biến là chọn các tour du lịch đi nước ngoài như Hồng Kông - Macau, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc...
Theo dự báo của các hãng lữ hành, lượng khách đi du lịch nội địa tăng mạnh, tập trung chủ yếu là tầng lớp “bình dân” thành thị, tăng tới 50%.
Đà Nẵng: Ấm cúng và yên bình
Công viên 29-3 trở thành trung tâm đón Tết của Đà Nẵng. Theo Ban Quản lý Công viên 29-3, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết hằng năm, hội hoa xuân tổ chức tại công viên đón 400.000 lượt khách đến vui chơi. Nhưng năm nay, công viên không bán vé vào cổng nên dự kiến lượng khách có thể tăng gấp rưỡi, với nhiều trò chơi mới lạ. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác như trưng bày 1.000 tác phẩm dự thi nghệ thuật hoa viên, múa rối nước, bài chòi, rước trạng, hội làng, đêm thơ nhạc, triển lãm gốm Chăm, ca Huế, đêm thơ nhạc.
Hội An: Khách nước ngoài cùng đón Tết
Hội An trời se lạnh, không mưa, lượng người đi chơi xuân đổ về trung tâm TP đông đúc. Các di tích cổ mở cửa đón khách trong những ngày Tết nên thu hút khá đông khách đến tham quan. Hơn 3.000 du khách, trong đó 80% là du khách nước ngoài đã lưu lại Hội An để đón Tết cổ truyền Việt Nam.
Lễ hội Cầu Bông - nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, thị xã Hội An từ lâu nổi tiếng với nghề trồng rau, đã diễn ra thật ấn tượng. Năm nào làng rau phát đạt thì lễ Cầu Bông được tổ chức quy mô. Ngoài phần lễ còn có nhiều hoạt động hội hè, vui chơi để bà con giải trí và chuẩn bị bước vào năm mới với hy vọng nhiều tài lộc.
Nghệ An: Đầu xuân, viếng Bác
Những ngày đầu Xuân, tuy trời lạnh, có mưa phùn nhưng trên các nẻo đường về Kim Liên (huyện Nam Đàn - Nghệ An) quê Bác, người xe vẫn tấp nập. Đến đây không chỉ có người dân Nghệ An mà còn có rất nhiều người ở các địa phương khác. Ai cũng muốn tìm đến Làng Sen, vào khu di tích Kim Liên để tự tay mình thắp lên bàn thờ Bác nén hương thơm thành kính.
Ban quản lý khu di tích Kim Liên cho biết: Hằng năm, vào dịp đầu Xuân, lượng khách đến viếng thăm tăng hơn rất nhiều so với ngày thường. Để tổ chức đón tiếp lượng khách rất đông đến viếng thăm, Ban Quản lý khu di tích lên kế hoạch tiếp đón chu đáo, đồng thời bố trí 8 hướng dẫn viên có trình độ, kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn khách tham quan và mở cửa thông tầm từ sáng đến tối. Trên bàn thờ Bác, Ban Quản lý khu di tích dâng hương hoa, bánh chưng đúng với phong tục cổ truyền Tết của người dân xứ Nghệ.
Cần thơ: Ăn bánh tét, xem pháo hoa
Đêm giao thừa, hàng chục ngàn người dân ở nội ô TP Cần Thơ và các địa phương lân cận nô nức tập trung tại Bến Ninh Kiều, Công viên nước Cần Thơ và khu đô thị mới Phú An để mong chứng kiến lễ hội bắn pháo hoa. Cũng trong đêm giao thừa, tại sân khấu Công viên nước Cần Thơ, một lễ hội sân khấu hóa phong tục tập quán ngày Tết của người dân miền sông nước Cửu Long cũng được tái hiện tại đây. Đặc biệt, lễ hội rước 2 đòn bánh tét nặng 1.000 kg từ nhà lồng chợ cổ Cần Thơ về sân khấu công viên nước để cắt ra từng phần nhỏ cho người dân tham gia thưởng thức.
Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, tại các tỉnh, thành như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và TP Cần Thơ đã diễn ra nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ và thể thao đặc sắc để phục vụ nhân dân. Đặc biệt tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), ngay mùng 1 Tết đã diễn ra lễ đua ghe ngo hấp dẫn và hào hứng. Vì thời tiết Tết năm nay ở miền Tây tương đối nóng, nên các điểm du lịch luôn chật kín du khách.
Bình Dương: Chùa Bà mở cửa từ mùng 1 Tết
Sau đêm giao thừa, Chùa Bà ở thị xã Thủ Dầu Một đã đón hàng ngàn khách hành hương đến viếng cầu may, xin lộc đầu năm. Sáng mùng 1 Tết, thị xã Thủ Dầu Một đón Xuân mới Mậu Tý thật tưng bừng, người người hành hương, buôn bán tấp nập. Nét đặc sắc của lễ hội chùa Bà là diễn ra trong vòng 15 ngày từ ngày mùng 1 Tết đến rằm tháng giêng với nhiều lễ hội như múa lân sư rồng, lễ rước kiệu Bà và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống... Khách hành hương đa số là người TPHCM và các tỉnh phụ cận.
Phú Yên: Hái lộc không... thương tiếc!
Sau phút giao thừa, rất đông người đến các chùa Bửu Tịnh, Hồ Sơn, Bửu Lâm... để hái lộc đầu năm. Đây là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống của người dân Phú Yên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa ý thức được nét văn hóa trong hái lộc đầu Xuân. Họ đã vô tư ngắt, bẻ các cành cây. Một cây cau cảnh tại chùa Bửu Tịnh đã bị nhiều người đến ngắt lá không thương tiếc, thậm chí có người còn kéo bật cả gốc cây cau lên khỏi chậu. Từ 4 giờ sáng mùng 1 Tết vẫn có rất nhiều người đi tập thể dục nhưng khi đi về trên tay đều cầm những nhánh cây, cành cây xanh vốn đã được trồng ở trên các trục đường Nguyễn Huệ, Hùng Hưng và Quảng trường 1/4.
. Theo NLĐ |