|
Xác pháo đỏ rực tại Nghệ An trong Tết Mậu Tý. Ảnh: TTXVN |
Tình trạng sử dụng pháo nổ đã tái diễn khá phổ biến ở nhiều nơi trong đêm giao thừa tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện tượng đó cần được báo động khẩn cấp, vì vi phạm nghiêm trọng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm đốt pháo, đã có hiệu lực rất tốt trong nhiều năm qua .
Tết Mậu Tý, tại sao nhiều tỉnh, thành, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, đã xảy ra hiện tượng đốt pháo nổ? Lý giải về hiện tượng này, nhiều người cho rằng do Trung Quốc cho phép đốt pháo, nên pháo lậu tràn vào nước ta. Nhận định đó là thực tế, nhưng điều quan trọng là công tác chống buôn lậu pháo ở các tỉnh phía Bắc còn lơi lỏng, nên pháo tuồn vào khắp các tỉnh, thành nước ta.
Hải Phòng: Ngoại thành pháo nổ đì đùng
Tiếng pháo tép nổ râm ran xen lẫn cả tiếng pháo “đùng” ở khắp nơi trước và sau thời khắc giao thừa. Thậm chí vẫn còn từng tràng tiếng pháo lớn nổ đanh lạc lõng vào khoảng 2, 3 giờ mùng 1 Tết.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các cấp chính quyền, lực lượng giữ gìn an ninh không có sự nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm nói trên. Thậm chí không ít trường hợp nổ pháo đón giao thừa ở gần đồn công an phường cũng không được xử lý khiến người sử dụng vẫn cứ thản nhiên, coi như là chuyện bình thường.
Hà Nội: Xử lý trên 150 trường hợp đốt pháo
Trong những ngày vui Tết Nguyên đán, tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội còn diễn ra tình trạng đốt pháo nổ, pháo lễ hội tràn lan. Chỉ tính trong 3 ngày Tết, Công an Hà Nội đã phát hiện, xử lý 151 trường hợp đốt pháo; thu giữ 629 quả pháo nổ; 1,4kg pháo tép; 180 quả pháo các loại, 102 pháo dây, 58 hộp pháo diêm, 8 bánh pháo quảng cáo; 1.469 cây pháo sáng, pháo bông và pháo lễ hội. Các địa bàn xử lý nhiều vi phạm là các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân, các huyện Đông Anh, Sóc Sơn.
Thanh Hóa: đốt pháo, đốt tiền triệu
Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa đang khẩn trương làm rõ trách nhiệm trong việc đêm giao thừa Tết Mậu Tý để tình trạng đốt pháo nổ nhiều hơn các năm trước. Điển hình là các huyện ven biển, các xã ven đô thị, nơi pháo nhập lậu về nhiều qua đường biển và nơi không có lực lượng công an chuyên trách chính quy kiểm soát. Các loại pháo hoa, pháo sáng nhập lậu và đốt nhiều nhất trong đêm giao thừa.
Tại huyện Hậu Lộc, trước, trong và sau giờ giao thừa pháo nổ nhiều, sáng rực cả bầu trời. Ở huyện Đông Sơn, các xã có nghề sản xuất đá ốp lát xuất khẩu, đá xây dựng do năm 2007, giá đá xuất khẩu tăng cao, thu nhập khá như Đông Hưng, Đông Tân, vùng núi Vức... nhiều gia đình đã đốt tới 10 triệu đến 20 triệu đồng tiền pháo. Ở các vùng này ngoài pháo hoa, pháo tép, các hộ dân đã chơi cả những dàn pháo đại có giá mua tới trên dưới 1 triệu đồng/dàn. Tại TP Thanh Hóa, pháo nổ cũng khá nhiều. Để tránh bị công an bắt quả tang, các nhóm thanh niên dùng xe máy đốt pháo dây, pháo chùm thả xuống đường rồi rú ga chạy trốn. Nhiều gia đình muốn đốt pháo cũng dùng “chiêu” này, cho con cháu đi xe máy từ các hướng xa nhà, khi đến đúng cửa nhà mình thì đốt pháo ném xuống đường rồi tăng tốc độ chạy trốn. Công an rất vất vả nhưng không bắt được đối tượng, không có chứng cứ để phạt. Còn ở các xã, thôn, làng vùng nông thôn hầu như không kiểm soát được việc đốt pháo bởi không có lực lượng công an chuyên nghiệp, chính quy.
Quảng Ninh, Nghệ An: Đủ loại pháo thi nhau nổ
Đêm giao thừa, Quảng Ninh vẫn đì đoàng tiếng pháo nổ. Tại khu vực trung tâm TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, Móng Cái... pháo đủ loại (pháo hoa, pháo cối, pháo đại...) vẫn nổ liên tục.
Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã thu giữ hàng chục tấn pháo lậu vượt biên giới vào nội địa (chiếm tới một nửa tổng số pháo bắt giữ trên toàn quốc), nhưng vẫn không ngăn được hết số pháo từ Trung Quốc nhập lậu vào địa bàn.
Tại Nghệ An, trong thời khắc giao thừa Tết Mậu Tý, tiếng pháo nổ phát lên từ rất nhiều ngõ phố đến các làng quê. Pháo nổ không còn là pháo tép mà là dàn pháo đại nhập lậu. Một dàn pháo đại, giá thấp nhất cũng đã gần 1 triệu đồng. Pháo nổ lác đác từ 10 giờ đêm, đến giao thừa thì râm ran và kéo dài. Pháo nổ ngoài đường khối xóm, pháo nổ trước cổng UBND phường, xã, và thị trấn.
Đắk Lắk: Nổ cả bộc phá... đón giao thừa!
Tại huyện M’Đrắc (Đắk Lắk), nhiều người dân vẫn ngang nhiên đốt pháo. Riêng trong ngày 6-2 (30 Tết), từ sáng đến chiều tối, tiếng pháo nổ liên tục, nhất là tại khu vực thị trấn M’Đrắc và Buôn Tai (xã Krông Zin).
Các loại pháo nổ và pháo hoa bán và đốt tại Đắk Lắk đều có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc. Một số người kinh doanh mua về phân phối cho các quầy hàng bán lẻ. Việc bán pháo công khai tại chợ và các quầy hàng, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý kịp thời. Đáng chú ý là ngoài tiếng pháo còn có cả những tiếng bộc phá gây tiếng nổ lớn để... đón giao thừa.
. Theo NLĐ |