Hôm nay khai hội chùa Hương
15:26', 12/2/ 2008 (GMT+7)

Du khách trẩy hội chùa Hương

Chùa Hương khai hội mùng 6 tết Mậu Tý và kéo dài đến cuối tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, mùng 5 Tết đường vào chùa Hương, hàng chục xe ô tô lớn nhỏ, nối đuôi nhau vào cổng, làm tắc cả quãng đường dài hàng chục km, báo hiệu một mùa lễ hội tấp nập…

Có phần khởi sắc

Đường vào suối Yến năm nay có thêm một điều mới, tức là khoảng 500 mét lại có một biển báo, nhắc nhở du khách cùng bảo vệ môi trường. Một con đò đi vớt rác dọc suối Yến, góp phần làm đẹp thêm cho dòng nước. Những thùng rác được làm bằng gốc cây, tạo dáng khá ấn tượng.

Điều mới lạ khác mà chúng tôi gặp là hình ảnh đội vệ sinh quét rác. Chị N.T.H., một trong số 12 công nhân của đội vệ sinh, cho biết, đội của chị sẽ thay nhau quét rác và làm vệ sinh tại chùa Hương trong 3 tháng lễ hội. ''Mỗi tháng, tôi được hơn 300.000 đồng tiền lương, chưa kể làm tốt sẽ được thưởng''.

Bến đò chờ du khách

Ông Lê Văn Sang - Trưởng ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cho biết, để chuẩn bị cho mùa lễ hội Chùa Hương xuân Mậu Tý, Ban tổ chức đã quy hoạch lại các điểm dịch vụ, hàng quán, bảo đảm không gian thoáng đãng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trẩy hội. Các nhà hàng, quán ăn không được phép bán thịt thú rừng và phải cam kết bảo đảm vệ sinh.

Theo dự đoán của Ban tổ chức, năm nay, lượng khách chùa Hương sẽ rất đông, vì vậy, khi vào chính hội, các lái đò sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp khách đi đò. Điều này hạn chế được tình trạng khách phải chờ đợi như những năm trước.

Ban tổ chức cho biết, tuyến đường lên động chính đã được mở rộng thêm, những đoạn đường cao, nguy hiểm được đổ bê tông có lan can bảo vệ để tránh tình trạng tắc đường kéo dài như những năm trước.

Tuy nhiên, tình trạng bán hàng tràn lan, bám dọc suốt hai bên đường lên động Hương Tích, đặc biệt là cả ngoài cổng và trong động, đã làm cửa động đã nhỏ nay càng nhỏ hơn. Cổng động thì nhỏ, người lại đông, hàng quán hai bên bày biện làm chật thêm, khiến mọi người chen lấn, xô đẩy nhau, thậm chí, còn xảy ra ẩu đả.

Mồng 5 Tết mà tại cổng động Hương Tích đã tắc đường 2-3 giờ đồng hồ. Chúng tôi vất vả lắm mới chen ra, chen vào được, và thương bà cụ năm nay 86 tuổi, trèo mãi mới lên tới nơi, nhưng không thể vào được động.

Động Hương Tích chật kín du khách

Thắng cảnh Hương Sơn tấp nập, tưng bừng từ trung tuần tháng Giêng đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch. Mùng 6 tháng Giêng là ngày khai hội nhưng đỉnh cao thì từ ngày Rằm tháng Giêng đến 18 tháng 2 Âm lịch. Trong tâm thức người Việt, Hương Sơn là cõi Phật. Khách trẩy hội có nhiều mục đích khác nhau, nhưng phần lớn là thưởng ngoạn vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên và qua không gian chùa để hướng tới những ước nguyện cao đẹp của con người.

Để chuẩn bị phục vụ đón du khách trẩy hội Chùa Hương năm nay, UBND tỉnh Hà Tây cùng các cấp chính quyền đã quan tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm tỉnh đã chi khoảng 9,4 tỷ đồng xây dựng các dự án như: Dự án nâng cấp đoạn đường bộ từ ga cáp treo số 1 đi vào dài 435m, tổng mức đầu tư 880 triệu đồng; dự án nâng cấp đoạn đường bộ từ ga cáp treo số 3 đi vào dài 474m với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng; nâng cấp cổng Hội Xá tổng mức đầu tư 522 triệu đồng; nạo vét mở rộng suối Yến tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng; nâng cấp đường bộ lên chùa Tiên Sơn tổng mức đầu tư 550 triệu đồng.

Ngoài ra, còn các hạng mục công trình cũng được tỉnh Hà Tây, Ban Tổ chức quan tâm đầu tư như trạm, chốt bảo vệ an ninh trật tự, mở rộng bến đền Trình Ngũ Nhạc, các công trình vệ sinh công cộng, nâng cấp, tu sửa các hạngmục công trình khác…

Lễ hội Chùa Hương năm nay, công tác an ninh trật tự được đặc biệt quan tâm. Ban Tổ chức lễ hội đã tiến hành giải toả hành lang vi phạm an toàn giao thông, lập kế hoạch cam kết với các chủ phương tiện không đủ điều kiện lưu hành chở khách trong khu vực tổ chức lễ hội, xây dựng phương án phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội, kiểm tra các nhà hàng khách sạn, các hộ kinh doanh những mặt hàng có điều kiện cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật và địa phương.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Tây, UBND huyện Mỹ Đức giao cho UBND xã Hương Sơn chủ trì xây dựng dự án, phối hợp với Ban quản lý Khu di tích -Thắng cảnh Hương Sơn tổ chức đăng ký các loại phương tiện tham gia vận chuyển khách trên dòng suối Yến đều phải đánh biển số và quy định trọng tải tối đa cho từng phương tiện, lái đò phải đeo phù hiệu khi tham gia vận chuyển du khách.

Có còn tình trạng “chặt chém” khách?

Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, tình trạng chặt chém, bắt chẹt du khách, cò mồi, trộm cắp, cướp giật, đánh bạc… tại khu vực lễ hội Chùa Hương thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng thu phí đò quá quy định, tình trạng chen lấn, xô đẩy, vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, tình trạng quá tải tại các bến đò, nhiều chủ đò còn đi 2 -3 vòng để bắt khách… vẫn xảy ra như cơm bữa tại lễ hội. Không những thế, ngay từ khi vào cổng, những người lái đò đã tranh nhau chào mời khách, dẫn đến tình trạng cãi cọ, to tiếng.

Khi xe chúng tôi đi đến địa phận huyện Mỹ Đức, một số thanh niên địa phương đã bám theo để ''gạ gẫm'' dịch vụ đi đò, trốn vé... Một chị lái đò bám theo chúng tôi suốt 10 km cuối cùng trước khi đến chùa Hương, nài nỉ: ''Các anh chị để chúng em mua vé và chở đò nhá! Anh chị làm ơn đừng mua vé nhà nước, chỉ cần mua 2 vé thôi (đoàn của chúng tôi gồm 4 người), còn cứ để chúng em lo cho''.

Rồi tình trạng đầu tư dàn trải, không có thời gian, quy hoạch tổng thể khu du lịch Chùa Hương thiếu bài bản, xây dở dang rồi thiếu kinh phí thì để đó, khiến chùa Hương nham nhở… Năm tỉnh Hà Tây nào cũng trích kinh phí đầu tư gây tốn kém, lãng phí, thất thoát không ít tiền của Nhà nước...

Ông Lê Văn Sang - Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương lý giải:"Hiện nay, chúng tôi có 3.600 đò thuyền các loại, Ban tổ chức đã tập huấn cho hơn 500 hộ dân nghiệp vụ du lịch tham gia phục vụ du khách, chắc sẽ chuyên nghiệp hơn. Rồi việc quy hoạch tổng thể chúng tôi có cả khu du lịch Quan Sơn ngay bên cạnh…

Trong quá trình đầu tư và sử dụng thì hỏng chỗ nào thì huỵên, tỉnh sửa chỗ đó, việc đầu tư dàn trải còn thiếu kinh phí, nên chúng tôi làm dần theo từng hạng mục công trình theo từng giai đoạn. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, nạn cướp giật, trộm cắp… thì Ban tổ chức sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra thường xuyên trong khu vực lễ hội, nếu phát hiện trường hợp nào sẽ xử lý…” .

Theo Ban Tổ chức lễ hội thì trong năm 2007, chùa Hương đã đón trên 1 triệu du khách hành hương, tăng ni, phật tử tới tham quan, lễ phật.

. Theo VTC

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây  (12/02/2008)
Tết quê  (12/02/2008)
Hàng chục nghìn người ồ ạt đổ về thành phố  (12/02/2008)
Giá thực phẩm ở Hà Nội tăng vọt, TP HCM - hạ nhiệt  (12/02/2008)
Hàng chục nghìn người cùng thưởng thức bánh tét khổng lồ  (11/02/2008)
''Sốt'' giá hàng hóa trên toàn quốc  (11/02/2008)
Vé xe tăng 60%  (11/02/2008)
Hà Nội kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (11/02/2008)
Tai nạn giao thông ngày Tết: Báo động đỏ  (10/02/2008)
Thu hút vốn FDI năm 2008 bắt đầu đi vào chất  (10/02/2008)
Đốt pháo tái diễn tại nhiều tỉnh  (10/02/2008)
Tết trên mọi miền đất nước  (10/02/2008)
Thành phố Hồ Chí Minh khai hội Tết Mậu Tý  (06/02/2008)
Đất nước ta sẽ hội nhập thành công  (06/02/2008)
Khách quốc tế đổ xô đến Việt Nam ăn Tết   (05/02/2008)