|
Năm 2008 vẫn còn nhiều yếu tố cho thấy thị trường tuy sẽ tăng trưởng nhưng vẫn còn khó khăn, không ổn định. |
Trái ngược với diễn biến trong các phiên giao dịch giáp Tết Nguyên Đán, trong những ngày mở đầu năm mới chứng khoán ồ ạt giảm giá rất mạnh.
Chứng khoán biến động thất thường
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (13.2), chỉ số VN-Index của TTCK tập trung của Việt Nam giảm mạnh 23,37 điểm (tương đương giảm 2,77%) xuống 817,86 điểm. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới Mậu Tý, chỉ số này đã mất 18,39 điểm.
Khối lượng giao dịch cũng đứng ở mức thấp là 7,4 triệu đơn vị (gần 567 tỷ đồng), thấp hơn khoảng 30-40% so với 3 phiên giáp Tết.
Diễn biến lên xuống bất thường của TTCK Việt Nam được cho là xuất phát từ tâm lý không yên tâm về mặt dài hạn của hầu hết các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá thị trường hiện nay rất nhạy cảm và không thể đưa ra được một dự đoán nào về xu hướng thị trường.
Sau một chuỗi ngày giảm thê thảm từ tháng 10.2007, thị trường đã có dấu hiệu ấm trở lại vào dịp giáp Tết Nguyên Đán (cuối tháng 1.2008) với 6 phiên tăng liên tục nhờ vào kết quả kinh doanh khá tốt của hầu hết các doanh nghiệp.
Cụ thể, trong hơn 1 tuần, thị trường tăng 6 phiên liên tục, đưa chỉ số vượt lên gần 100 điểm, để đạt đến 859,62 điểm vào phiên cuối cùng trong năm cũ. Tổng khối lượng giao dịch 15 triệu đơn vị, trị giá 1.274 tỷ đồng là một con số rất lâu rồi thị trường không đạt được. Tiềm ẩn nhiều yếu tố kéo thị trường đi xuống
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, TTCK của Việt Nam hiện còn đang đối mặt với nhiều yếu tố tiềm ẩn có khả năng kéo thị trường đi xuống.
Trước hết vẫn là yếu tố mất cân bằng cung-cầu. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, lượng chứng khoán được đưa ra bán đấu giá lần đầu (IPO), phát hành thêm và được đưa vào giao dịch trên 2 sàn rất lớn, gấp nhiều lần so với năm 2006. Một loạt IPO đã hút một lượng vốn khổng lồ từ túi tiền của người dân như Đạm Phú Mỹ, PVFC, Vietcombank… Và sắp tới đây, theo kế hoạch, sẽ còn một loạt đơn vị lớn nữa tiến hành IPO mà gần nhất là Habeco.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực đang đối mặt với giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao mà theo đó là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về mặt kết quả kinh doanh.
Lạm phát của Việt Nam đứng ở mức rất cao trong năm 2007 và dự kiến sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong năm 2008. Riêng trong tháng 1.2008, lạm phát đứng ở mức 2,38% và theo các số liệu thống kê hàng năm cho thấy, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 2 (tháng có Tết Nguyên đán) đều tăng cao hơn tốc độ tăng của tháng 1, thậm chí có năm còn tăng cao gấp đôi, gấp ba tốc độ tăng của tháng 1. Do vậy, theo một số dự đoán, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 2 năm nay sẽ không dưới 2,5%, có thể trên 3%.
Đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng của TTCK bởi việc kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Hơn nữa, mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay cắt giảm 0,5% lãi suất đồng USD, sẽ là một diễn biến mới. Nếu lãi suất đồng USD lại ở một mức quá thấp, có khả năng sẽ xảy ra tình trạng lạm phát đồng USD.
Và như vậy, Việt Nam lại sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa USD trong thời gian tới, tức lại phải tiếp tục đối mặt với khả năng lạm phát. Mà chống lạm phát thì lại phải chấp nhận khó cứu TTCK bởi đồng tiền nội tệ bị giới hạn lưu thông.
Một yếu tố cũng đã và có thể sẽ góp phần kéo chứng khoán đi xuống là sự nóng lên rất mạnh của thị trường bất động sản và giá vàng. Đây là 2 lựa chọn hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong vài tháng qua.
Doanh nghiệp vẫn đang hoạt động rất tốt
Tuy nhiên, giá cổ phiếu trên cả 2 sàn chứng khoán tập trung của Việt Nam đều đã giảm rất nhiều trước đó, hiện chỉ còn bằng với mức đầu năm 2007. Hơn nữa, các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn này đều là doanh nghiệp tốt với tăng trưởng lợi nhuận năm 2007 đạt vài chục tới vài trăm phần trăm. Các doanh nghiệp này vẫn vượt được qua nhiều khó khăn trong năm qua và có kết quả kinh doanh tốt. Đây là yếu tố các nhà đầu tư dài hạn cần tính tới để có thể mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ.
Trở lại diễn biến giao dịch sáng nay (13.2), trong tổng số 145 cổ phiếu và 3 chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn, chỉ có 6 mã tăng giá, 5 mã giữ giá tham chiếu, còn lại là 137 mã giảm. 3 chứng chỉ quỹ đều giảm giá trong đó có MAFPF1 giảm sàn 400 đồng, 2 chứng chỉ quỹ khác là PRUBF1 và VFMVF1 giảm tương ứng 300 đồng và 600 đồng.
Trong số các mã giảm giá có 48 mã giảm sàn và cũng không ít các cổ phiếu đáng chú ý như SAM, NAV, ALP, SAV, DHG, BMC...
Top 10 cổ phiếu lớn trên thị trường toàn bộ đều giảm giá, trong đó có 1 mã giảm sàn.
Cụ thể, mã giảm sàn là FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT giảm 9.000 đồng xuống còn 184.000 đồng/cổ phiếu, với 86.080 cổ phiếu được khớp lệnh.
Có 4 cổ phiếu cùng nhau giảm 4.000 đồng là ITA của CTCP KCN Tân Tạo xuống 120.000 đồng/cổ phiếu, PVD của CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí xuống 140.000 đồng/cổ phiếu, VNM của Vinamilk xuống 136.000 đồng/cổ phiếu và SSI của Chứng khoán Sài Gòn xuống 133.000 đồng/cổ phiếu.
3 cổ phiếu giảm 1.000 đồng là DPM của Đạm Phú Mỹ xuống 66.000 đồng/cổ phiếu, STB của Sacombank xuống 61.500 đồng/cổ phiếu và VIC của Vincom xuống 104.000 đồng/cổ phiếu.
2 cổ phiếu còn lại là SJS của Sudico và HPG của Hoà Phát cũng chung cảnh khi giảm lần lượt là 5.000 đồng và 3.000 đồng xuống tương ứng là 236.000 đồng/cổ phiếu và 97.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó cũng có những ngôi sao le lói tăng giá như TPC của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng là mã duy nhất tăng trần 2.000 đồng lên 51.000 đồng/cổ phiếu. Các mã khác tăng giá là TNA, TMS, IMP, HTV và ACL.
Về khối lượng giao dịch, phiên này STB đã lấy lại vị trí đầu với 593.670 cổ phiếu, tiếp đến là DPM với 440.690 cổ phiếu, PVT với 254.650 cổ phiếu, VNM với 144.590 cổ phiếu, SSI với 197.720 cổ phiếu. Các mã có khối lượng khớp lệnh trên 100.000 đơn vị còn có VSC, VSH, PET, HAP...
. Theo VNN |