|
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng |
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trả lời, Chính phủ sẽ sớm đưa ra các biện pháp cụ thể hơn nhằm điều hành giá cả ở mức tốt nhất, tuy nhiên cần thời gian để nghiên cứu và theo dõi diễn biến của thị trường, “không thể nói một cách rõ ràng ngay lúc này được”.
- Nhiều ý kiến cho rằng, giá cả tăng không phải do giá đầu vào tăng như chúng ta vẫn thường nói, mà nguyên nhân bắt nguồn do nạn đầu cơ diễn ra trên diện rộng, Phó thủ tướng bình luận gì về vấn đề này?
- Câu chuyện đầu cơ là việc “ắt có” trong kinh doanh. Nhưng tôi chỉ lưu ý rằng, việc chống đầu cơ lại là một chuyện hết sức khó khăn. Trong thời gian qua, một số thương nhân đã dự đoán khá tốt nhu cầu hàng hóa của thị trường, nên họ đã có sự tích trữ nguồn hàng để “bung” ra tại thời điểm có nhu cầu cao và làm giá.
Tuy vậy, chúng ta cũng rất khó mà xử lý những hành vi nêu trên vì đó được xem là một việc bình thường của hoạt động kinh doanh, có chăng chúng ta làm cách nào để hạn chế đến mức thấp nhất mà thôi.
Về phía Chính phủ cũng sẽ phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo làm sao luôn có được hàng hóa dự trữ nhiều hơn để có thể cung cấp ra thị trường ngay khi cần thiết nhất, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
- Đã có rất nhiều biện pháp điều hành giá cả được Chính phủ đưa ra trong thời gian qua, nhưng xem ra kết quả đưa về không được như ý, giá cả vẫn tiếp tục theo xu hướng “tăng dần đều”, phải chăng các chính sách đưa ra quá chung chung, thưa ông?
- Về chính sách, trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp hành chính tích cực như giảm thuế nhập khẩu, kiểm tra, giám sát việc giảm giá của một số doanh nghiệp, tăng lương….Đồng thời Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất sát sao công tác kiềm chế tăng giá và thực tế là chúng ta đã có một cái Tết trọn vẹn, vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.
Bên cạnh đó còn có một thực tế khác mà chúng ta phải chấp nhận đó là nền kinh tế của Việt Nam đã và đang đi theo xu hướng kinh tế thị trường chung của thế giới, bởi chúng ta đã thực sự hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Vì vậy, mọi vấn đề của kinh tế thế giới đều tác động đến nền kinh tế Việt Nam và ngược lại.
Do vậy, quy luật chung khi giá cả thế giới tăng cao, thì tại Việt Nam cũng vậy. Giả dụ, mặt bằng giá thế giới đã tăng cao mà giá nông sản của ta vẫn thấp thì nông dân còn khó khăn hơn nữa.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để việc bình ổn giá có hiệu quả hơn, Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kinh tế song song với các biện pháp hành chính như đã áp dụng.
Còn các giải pháp cụ thể đến đâu thì hiện nay Chính phủ cùng với các bộ, ngành đang bàn bạc để có thể đưa ra trong thời gian sớm nhất sớm nhất. Nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo, giá cả trong thời gian tới là sẽ diễn biến hết sức khó lường, trong đó không loại trừ khả năng có thể cao hơn hiện tại.
Có hay không một mặt bằng giá mới?
- Theo Phó thủ tướng có hay không việc hình thành một mặt bằng giá mới trong thời gian tới đây?
- Hiện tại, không thể nói tuyệt đối giá cả sẽ không tăng trong thời gian tới. Song, đứng trên quan điểm của Chính phủ, tôi có thể khẳng định, Chính phủ cũng sẽ cố gắng bảo đảm kiểm soát tối đa trong khả năng có thể những mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu của nhân dân.
Việc giá tiêu dùng tăng cao sau mỗi dịp tết là điều không ai muốn. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, tết Nguyên đán cũng thường là thời điểm giao thoa của một năm, một thời kỳ phát triển của cả nền kinh tế.
Theo xu hướng chung của thế giới thì giá cả có thể sẽ nhích lên trong trong thời gian tới. Còn đối với Việt Nam thì có hay không mặt bằng giá mới trong thời gian sắp tới thì chúng ta cũng chưa nên vội nói tới, tránh tâm lý ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng. Cần phải suy xét, nghiên cứu, tính toán sau khi theo dõi diễn biến giá cả thị trường. Bình tĩnh để suy xét là điều cần nhất lúc này.
Điều quan trọng là Chính phủ sẽ theo sát để xem xét và từ đó có biện pháp điều chỉnh làm sao cho phù hợp. Còn theo quan điểm của cá nhân tôi thì một khi “nước lên thì thuyền cũng phải lên theo thôi”.
- Xin cám ơn Phó Thủ tướng!
. Theo VTC News |