Lãi suất tiền đồng liên tục tăng vọt trong những ngày qua, trong khi đó lãi suất đồng USD lại giảm mạnh và dự báo còn giảm. Diễn biến trái chiều trên thị trường tiền tệ đang khiến các chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều dự báo không mong đợi.
|
Các ngân hàng thương mại đang đua nhau tăng lãi suất. (Ảnh: DV)
|
NHTM bước vào cuộc đua tăng lãi suất khốc liệt nhất
Trong những ngày gần đây hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) công bố tăng lãi suất huy động vốn Đồng Việt Nam với mức lãi suất tăng khá, tăng thêm từ 0,12% - 0,48%/năm so với trước đó.
Mức tăng lớn nhất vẫn thuộc về các ngân hàng thương mại cổ phần, kể cả các NHTM cổ phần quy mô còn khiêm tốn mới chuyển từ nông thôn lên đô thị, như SHB, An Bình,… đến các NHTM hạng trung bình khá như: SeABank, VPBank, Phương Nam, Phương Đông, NHTM CP Sài Gòn… và ngay cả những NHTM cổ phần có thương hiệu khá hay quy mô lớn, như: Eximbank, Techcombank, Đông Á, ACB,… Từ ngày 18.2.2008, Eximbank thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn nhất, với mức tăng thêm tới 0,84%/năm so với mức lãi suất trước đó, kỳ hạn 6 tháng lên tới 9,0%/năm.
Thực ra cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn nội tệ - Đồng Việt Nam (VND) diễn ra từ đầu tháng 1.2008 và đợt thứ hai diễn ra từ đầu tháng 2.2008, tức gần 2 tuần trước Tết nguyên đán Mậu Tý, nhưng rộ lên, lan rộng ở hầu hết các NHTM và thực sự nóng lên kể từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay.
Hiện nay lãi suất huy động vốn VND tăng cao nhất của một số NHTM cổ phần lên tới 0,85%/tháng hay 10,20%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, lên tới 0,80%/tháng, hay 9,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng,… Lãi suất huy động vốn VND kỳ hạn 12 tháng của NHTM CP Sài Gòn lên tới 9,72%/năm, tương đương 0,81%/tháng; của Techcombank lên tới 9,6%/năm. Thậm chí lãi suất huy động của nhiều Quỹ tín dụng nhân dân kỳ hạn 12 tháng lên tới 0,90%/tháng, hay 10,80%/năm.
Một số NHTM bên cạnh việc tăng lãi suất còn đưa ra một số hình thức huy động vốn hấp dẫn khác, như: quay số dự thưởng với trị giá các giải thưởng bằng hiện vật lên tới hàng tỷ đồng, triển khai hình thức gửi tiền với lãi suất linh hoạt, khách hàng được rút tiền bất kỳ lúc nào có nhu cầu nhưng được hưởng lãi suất có kỳ hạn, lãi suất lũy tiến theo số tiền gửi…
Đặc biệt đánh vào tâm lý khách hàng trong điều kiện chỉ số giá tăng cao, từ ngày 18.2.2008, có ngân hàng còn đưa ra hình thức huy động vốn VND: “Lãi suất bù lạm phát”. Ngoài lãi suất thông thường, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng này cam kết bù một phần hoặc toàn bộ chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát thực tế, nhằm đảm bảo cho khách hàng gửi tiền được hưởng lãi suất không bị thiệt khi lạm phát tăng cao.
Và đâu là nguyên nhân
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cuộc cạnh tranh tăng lãi suất huy động vốn VND nói trên? Hiển nhiên là do tình trạng thị trường tiền tệ nóng lên, vốn VND khan hiếm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hầu như chỉ có người vay mà không có người cho vay. Chỉ có một số thời điểm nóng nhất Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu hơn 10.000 tỷ đồng - 17.000 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay qua đêm một số thời điểm lên tới 20%/năm, thậm chí tới 30%/năm. Ngày 15.2.2008, trên 10 NHTM tham gia đấu thầu lãi suất khoản vay kỳ hạn 1-2 tuần từ NHNN với lãi suất trúng thầu lên tới 30%/năm, tăng cao so với mức 25%/năm ngày trước đó.
Trước Tết Nguyên đán Mậu Tý, thời điểm cuối tháng 1.2008, lãi suất thị trường liên ngân hàng đã lên tới 27%/năm. Một mức lãi suất chính bản thân các NHTM cũng không ngờ tới và lúc bí quá buộc lòng “bấm bụng“ phải vay vì không còn cách nào khác!
Lãi suất sẽ còn tăng do cung tiền Đồng giảm?
Dự báo trong thời gian tới lãi suất thị trường liên ngân hàng tiếp tục nóng lên và ở mức cao. Còn nguyên nhân tiếp theo đó là cầu vốn tiền Đồng Việt Nam tăng cao, trong khi đó cung hạn chế bởi các lý do sau đây:
Một là Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN với lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 364 ngày nhằm mục tiêu thu hút bớt tiền từ lưu thông về, kiềm chế lạm phát. Hình thức phát hành là bắt buộc phải mua đối với các Tổ chức tín dụng (TCTD) theo mức phân bổ cụ thể.
Theo đó có tới 41 TCTD đô thị phải mua loại tín phiếu nói trên, nhưng lại không được sử dụng để giao dịch tái cấp vốn. NH nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân và các TCTD có số vốn huy động VND đến 31.1.2008 từ 1.000 tỷ đồng trở xuống không phải mua tín phiếu NHNN đợt này. Thời điểm phát hành là ngày 17.3.2008. Do đó để chủ động có đủ vốn mua tín phiếu NHNN bắt buộc vào thời điểm đó thì ngay từ bây giờ các NHTM phải “chạy đôn, chạy đáo” huy động vốn trên thị trường, bởi vì hơn 20.000 tỷ đồng đâu có phải ít!
Hai là, kể từ ngày 1.2.2008 các TCTD phải thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới, theo hướng mở rộng phạm vi tiền gửi phải nộp dự trữ bắt buộc và tăng thêm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với mức trước đó.
Theo đó Thống đốc NHNN quyết định mở rộng thêm phạm vi phải thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi trên 24 tháng, thay vì chỉ có tới 24 tháng như trước đây. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi VND không kỳ hạn đến dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%, tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 4% lên 5%; tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn đến có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%, tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 4% lên 5%. Như vậy từ tháng 2.2008, các NHTM phải bỏ ra thêm ít nhất là gần 10.000 tỷ đồng để nộp dự trữ bắt buộc cho NHNN.
Ba là, Thống đốc NHNN quyết định tăng một số loại lãi suất chủ đạo, thực hiện từ tháng 2.2008. Theo đó, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm. Các mức lãi suất trước đó được thực hiện từ tháng 12.2005, tức là ổn định trong hơn 2 năm đến nay mới điều chỉnh tăng trước áp lực gia tăng lạm phát. Đồng thời các mức lãi suất đó thực tế ít tác động đến lãi suất của các NHTM, nhưng về điều hành NHNN phát đi tín hiệu tăng lãi trên thị trường tiền tệ, tạo áp lực về tâm lý tăng lãi suất trên thị trường.
Bốn là, cơ cấu vốn huy động Đồng Việt Nam của các NHTM có sự thay đổi theo hướng tiền gửi ngắn hạn và tiền gửi không kỳ hạn tăng lên nhanh hơn tiền gửi trung và dài hạn. Đây là loại tiền gửi không những có tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao tới 11%, mà tỷ lệ sử dụng thấp do khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào. Trong số đó có những khoản tiền gửi lớn của khách hàng chờ mua chứng khoán, chờ mua bất động sản của cá nhân, quỹ thặng dư vốn của doanh nghiệp, vốn tạm thời nhàn rỗi của chủ dự án đầu tư khu chung cư và căn hộ liền kề khách hàng đã nộp nhưng chưa giải ngân,… Những khoản tiền này khách hàng thường rút ra đột xuất với mức độ lớn, nên NHTM phải để tỷ lệ vốn khả dụng cao hơn.
Năm là, sau Tết Nguyên đán Mậu Tý, nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình và cá nhân, nhu cầu giải ngân các hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp tăng lên, nên các NHTM cần số vốn lớn hơn.
Sáu là nhu cầu VND để mua ngoại tệ của khách hàng. Để có vốn mua ngoại tệ, các NHTM buộc phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường.
Bảy là, một phần vốn trong dân được chuyển sang đầu tư vào vàng do chỉ số giá tăng cao, tâm lý một bộ phận người dân cho rằng lãi suất tiền gửi ngân hàng “ âm” vì chỉ số tăng giá năm 2007 là 12,6%, tháng 1.2008 là 2,8%, cao hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó giá vàng thị trường quốc tế và thị trường trong nước thời gian qua liên tục tăng cao. Giá vàng hiện nay đã tăng gần 40% so với đầu năm 2007. Bên cạnh đó một lượng vốn đáng kể khác được tiếp tục đầu tư vào bất động sản do thị trường này đang tiếp tục nóng và dự báo sẽ tiếp tục nóng từ nay đến hết năm 2008.
Trong khi vốn Đồng Việt Nam nóng lên thì vốn ngoại tệ lại có xu hướng diễn biến trái chiều. Lãi suất huy động vốn USD đứng nguyên và có xu hướng giảm, do lãi suất chủ đạo đồng USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm 2008 đến nay 2 lần được cắt giảm từ mức 4,25%/năm xuống còn 3,0%/năm và được dự báo sẽ tiếp tục được giảm hơn nữa. Tỷ giá VND/USD tiếp tục giảm mạnh. Đến cuối tuần trước, ngày 15.2.2008 tỷ giá bán ra của các NHTM giảm xuống còn 15.959 VND/USD, giảm mạnh so với mức 15.995 VND/USD thời điểm cách đây 1 tháng; tỷ giá bán USD bằng tỷ giá mua của NHTM. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng xuống dưới mức 15.995 VND/USD.
Dự báo những tác động của việc lãi suất tiền đồng tăng cao
Vậy lãi suất huy động vốn VND tăng cao sẽ tác động như thế nào! Có những ảnh hướng lớn sau đây:
Một là làm tăng lãi suất cho vay vốn trên thị trường, tức là làm tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp và người kinh doanh, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ, tác động tăng giá trên thị trường xã hội, đi ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát của việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Hai là lãi suất đầu vào của NHTM, tức lãi suất huy động vốn tăng cao, cộng với chi phí cao do tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng mạnh, chi phí bù lỗ cho việc mua tín phiếu NHNN, nhưng lãi suất cho vay tăng chậm, khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất đầu vào thu hẹp. Bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng dư nợ chậm hơn tốc độ tăng huy động vốn. Cả hai nhân tố đó làm cho lợi nhuận của NHTM ngày càng thấp, làm ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, uy tín của NHTM.
Ba là việc vay vốn của doanh nghiệp, của khách hàng khó khăn hơn. Một mặt tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh trong quan hệ tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng, tức là NHTM buộc phải lựa chọn dự án, lựa chọn khách hàng, việc cho vay vốn khắt khe hơn. Mặt khác nhiều dự án bị từ chối vay vốn, hoặc doanh nghiệp không dám vay, không dám triển khai dự án, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra mục tiêu 9% trong năm 2008, cao hơn mức 8,44% của năm 2007. Bởi vì hiện nay vốn đầu tư của nền kinh tế, vốn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Mà hiệu quả của vốn đầu tư có độ trễ, ít nhất là 6 tháng. Tức là việc hạn chế đầu tư vốn tín dụng ngân hàng hiện nay sẽ có tác động làm chậm tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009.
Bốn là, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng từ lưu thông về không thể kiềm chế được tốc độ tăng giá rau, thực phẩm, giá cà phê, sắt thép, giá bất động sản… hiện nay. Bởi vì giá các mặt hàng đó tăng là do rét đậm kéo dài, do nhu cầu sau Tết nguyên đán tăng cao, do giá thị trường thế giới tăng, do cung cầu…
Bởi vậy cho dù NHNN có tăng cao hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tăng các loại lãi suất chủ đạo, phát hành thêm hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu NHNN có tính chất bắt buộc,… thì giá các nhóm mặt hàng đó vẫn diễn biến theo các nhân tố hiện hữu của nó. Bởi vì đó là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống còn người.
Bên cạnh đó việc phát hành trên 20.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN về để “giam trong kho”, nhưng mỗi tháng NHNN phải trả 130 tỷ đồng cho các TCTD. Bên cạnh đó việc thu khoảng gần 100.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc cũng để “giam kho”, mỗi tháng NHNN cũng phải trả lãi cho các TCTD gần 100 tỷ đồng. Chi phí kiềm chế lạm phát đó không đạt hiệu quả mà còn làm suy yếu đi năng lực tài chính của NHNN với tư cách một cơ quan của Chính phủ có nghiệp vụ sinh lời.
Bên cạnh đó diễn biến giảm tỷ giá VND/USD và tình trạng cung USD tăng mạnh,…nếu tiếp tục diễn ra với mức độ lớn thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu, đến thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài,…
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ nói trên rõ ràng là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang bị tạm thời “ hy sinh” cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng chỉ số giá tiêu dùng, diễn biến của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán thì vẫn dường như không thấy có liên hệ gì đến thắt chặt tiền tệ. Đây là mâu thuẫn trong điều hành cần được phân tích để có điều chỉnh phù hợp trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
. Theo VNN |