Ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một điểm yếu lộ rõ nhất là thiếu nguồn nhân lực, cả lao động chất lượng cao và lao động phổ thông.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số lượng lớn nguồn lao động được kinh qua đào tạo, có tay nghề và kinh nghiệm làm việc thực tế thì lại đang không có công ăn việc làm.
Chỉ tính riêng trong năm 2007 vừa qua, trên cả nước đã có hơn 54.000 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số lên 300.000 doanh nghiệp dân doanh. Nếu tính trung bình mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa này cần 5 nhân sự cao cấp trong ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp và 50 lao động phổ thông làm việc trong các nhà máy, phân xưởng sản xuất thì cần tới 1,5 triệu nhân sự cao cấp và 15 triệu lao động phổ thông. Đó là chưa kể sau một năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã thu hút được hơn 20,3 tỷ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tương đương với hàng trăm doanh nghiệp, dự án đã và đang có nhu cầu về nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Phó TGĐ Công ty TNHH Đầu tư XD Thương mại Sài Gòn - là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận xét: Chính sách thu hút đầu tư ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là hệ thống pháp luật và công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu và yếu về nguồn nhân lực để thực thi những chính sách cải cách đó. Đó là chưa kể đến việc cần phải có nguồn nhân lực để phục vụ cho rất nhiều dự án mà Việt Nam đã và đang thu hút.
Xác định nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực, vì thế mà hiện nay có rất nhiều trường Đại học, trường nghề được mở ra. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều vấn đề lo ngại nảy sinh xung quanh việc dạy và học. Bởi, nguồn nhân lực chất lượng cao phải được đào tạo trong môi trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp có chất lượng giáo dục tương đương. Thực tế, không ít trường được đào tạo theo giáo trình, giảng viên của nước ngoài,… nhưng chất lượng sinh viên lại không đồng đều. Rồi, việc không ít trường nghề cũng chưa theo kịp nhu cầu của thị trường mà vẫn đi theo lối mòn - đào tạo những chuyên môn mà trường có sẵn - dẫn đến việc lao động có tay nghề nhưng vừa thiếu lại vừa thừa, không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Để “tự lo” cho mình, hầu hết các nhà doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp thường tổ chức thi tuyển lao động phổ thông có đủ sức khỏe nhưng chưa có tay nghề, sau đó tự đào tạo theo kiểu “vừa học, vừa làm”. Thế nhưng, trong điều kiện thiếu thốn, cạnh tranh nguồn nhân lực hiện nay, thì cái lo nhất của các doanh nghiệp cũng là ở chỗ mất công sức đào tạo được lao động có tay nghề thuần thục, họ lại bỏ sang doanh nghiệp khác với mức lương cao hơn. Vì thế, để tự “cứu mình”, các doanh nghiệp luôn phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: ưu đãi công nhân và tìm hiểu đối thủ cạnh tranh nguồn nhân lực sắp đầu tư vào khu công nghiệp lân cận.
Ông Khưu Kim Đặng - Phó TGĐ Chi nhánh Công ty TNHH Dây và cáp điện TAYA Việt Nam, cho biết: “Khó nhất về nguồn nhân lực của DN như chúng tôi là phải tự đào tạo nguồn lao động có tay nghề để họ có thể làm việc được trên dây chuyền công nghệ hiện đại mà chúng tôi đầu tư. Thế nhưng, khi đào tạo nghề cho họ thuần thục, thì không ít những doanh nghiệp khác đầu tư sau lại đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn để thu hút họ, trong khi chúng tôi chưa thu được gì sau đào tạo. Lúc đầu TAYA cũng bị mất một số công nhân, nhưng giờ đây đã không còn chuyện đó, bởi công nhân đến với TAYA họ không chỉ được hưởng những quyền lợi về lao động mà họ thực sự được tôn trọng”.
Có một thực tế là, mỗi năm nước ta có khoảng 80 – 85.000 lao động được xuất khẩu đi làm việc ở nước ngoài. Về vai trò của xuất khẩu lao động (XKLĐ) đối với nền kinh tế nước ta hiện nay, ông Vũ Công Bình - TGĐ Công ty CP Lao động nước ngoài (LOD) cho rằng, hội nhập vào WTO, Việt Nam sẽ mở rộng cửa, như vậy rất nhiều nhà đầu tư, làn sóng thương mại, rồi các hoạt động chung về kinh tế của chúng ta có điều kiện phát triển. Và để thực hiện điều này thì đòi hỏi nguồn nhân lực là rất lớn. Thông qua XKLĐ, nguồn nhân lực được đào tạo và được nâng cao chất lượng, nếu được sử dụng đúng chuyên môn, khả năng, nguồn nhân lực này sau khi hết hạn XKLĐ sẽ giúp được không nhỏ trong các ngành sản xuất. Và thực tế này đã được LOD nỗ lực trong việc liên kết với một số doanh nghiệp ngành nghề để tái sử dụng lao động đối với lượng lao động do LOD XKLĐ. Tuy nhiên, con số lao động mà LOD XK ra nước ngoài chỉ trên dưới 2.000 người, và con số lao động sau khi trở về được bố trí công việc cũng chưa nhiều.
Theo ông Vũ Công Bình - TGĐ Công ty LOD, để có thể tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lao động có tay nghề, có kinh nghiệm này, đòi hỏi phải có sự hợp sức của ba nhà: Nhà quản lý vĩ mô - các đơn vị có chức năng XKLĐ và các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư: Như vậy, có thể thấy rằng: trong khi chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề; trong khi công tác đào tạo lao động của chúng ta chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế, thì vẫn còn hàng trăm nghìn lao động đã được đào tạo và có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài về lại chưa được quan tâm, sử dụng. Đã đến lúc cần phải có một quy hoạch tổng thể về cả lượng và chất cho vấn đề nguồn nhân lực ở nước ta. Bên cạnh đó, cách nghĩ của các nhà quản lý cũng không thể định hình theo lối cũ mà cần phải thay đổi theo nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế đang phát triển.
. Theo VOV News |