Với diễn biến thời tiết như vừa qua, các chuyên gia nông nghiệp dự báo phải mất ít nhất 4 năm mới khôi phục được đàn gia súc. Trong khi đó, số trâu bò, cây trồng chết đang tăng lên từng ngày với con số thiệt hại ước tính lên đến gần 400 tỷ đồng…
Thống kê ban đầu của Cục Chăn nuôi đến hết ngày 18.2, cho thấy, đã có ít nhất 22 tỉnh phía Bắc có trâu bò chết rét lên đến 52.000 con, vượt xa số kỷ lục trâu bò chết rét vào năm 1995 là 11.000 con.
Trong đó chủ yếu là bê, nghé non khoảng 75%, trâu già 25%. Số trâu, bò chết tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đông Bắc với 34.690 con; Tây Bắc 10.216 con, Bắc Trung bộ 6.971 con…
Đợt rét kéo dài cũng đã làm sức đề kháng của trâu bò còn sống sót giảm đáng kể. Ông Hoàng Kim Giao, Cục phó Cục Chăn nuôi, lo ngại rằng số trâu bò chết có thể tiếp tục tăng lên 70.000 thậm chí đến 100.000 con trong thời gian tới nếu chúng ta không có biện pháp khắc phục ngay từ bây giờ.
Để hỗ trợ nông dân, Chính phủ cũng đã đồng ý với phương án mà Bộ NN&PTNT đưa ra là hỗ trợ mỗi con bò chết một triệu đồng, và 500.000 đồng/nghé hoặc bê chết.
Mầm bệnh sau rét cũng là một trong những lo ngại đối với các nông hộ có gia súc. Theo một cán bộ thú y, do sức đề kháng kém nên sau rét, đàn gia súc rất dễ mắc các bệnh tụ huyết trùng, ký sinh trùng đường máu, lở mồm long móng… điều đó dẫn đến số lượng trâu, bò chết sẽ tăng lên từng ngày.
Theo đánh giá của các cán bộ ngành nông nghiệp, thiệt hại từ số trâu, bò chết rét trong đợt vừa qua ước tính từ 170 - 180 tỷ đồng.
Ngoài số trâu bò bị chết, ngành nông nghiệp cũng đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề do đợt rét kéo dài gây ra khi diện tích cây trồng bị thiệt hại là rất lớn.
Báo cáo nhanh của Cục Trồng trọt cũng cho thấy, tính đến hết ngày 18.2, tại các tỉnh miền Bắc đã có 146.000 ha lúa và 9.500 ha mạ bị chết. Những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là Thanh Hoá, Nhệ An, các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng… Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết, theo tính toán thì lượng giống cần để bổ sung cho vụ đông xuân này là 21.000 tấn.
. Theo Dân Trí |