Dịch Cúm gia cầm: Báo động đỏ trên toàn quốc
10:24', 20/2/ 2008 (GMT+7)

Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm sắp tới rất cao

Chiều 19.2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát một đợt dịch cúm gia cầm mới trên toàn quốc.

Chiều cùng ngày, Cục Thú y chính thức xác nhận, cơ quan chức năng đã phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Thanh Miện (Hải Dương), huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) và huyện Vụ Bản (Nam Định) làm tổng cộng 2.495 con gia cầm mắc bệnh, chết. Như vậy, hiện cả nước đã có tới 7 tỉnh, thành có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, gồm: Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Long An, Hải Dương, Nam Định và Tuyên Quang. Các ổ dịch được xác nhận là xảy ra lẻ tẻ trên các đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc-xin.

Trong những ngày qua, đường dây nóng của Cục Thú y liên tục nhận được thông tin phản ánh về hiện tượng gia cầm chết rải rác tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây... Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi ở một số nơi, người dân đã cho xác ngan, gà chết vào bao tải đem vứt xuống sông ngòi. Điều này chứng tỏ, dịch cúm gia cầm có thể đang xảy ra ở nhiều địa phương nhưng người dân không khai báo với cơ quan thú y. Hệ thống giám sát của chính quyền, mạng lưới thú y cơ sở cũng không phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời. Từ thực tế này, cộng với thời tiết các tỉnh miền Bắc có thể tiếp tục rét đậm và có mưa phùn làm suy giảm sức khỏe đàn gia cầm; việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trong dịp Tết tăng cao, tỷ lệ miễn dịch bình quân của đàn gia cầm xuống thấp... Cục Thú y nhận định: trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ bùng phát một đợt dịch cúm gia cầm mới trên phạm vi toàn quốc, nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

“Nếu không làm tốt và triệt để việc phòng chống dịch thì rất có thể sẽ xảy ra tình trạng đáng báo động về lây nhiễm sang người như hồi năm 2005. Cùng với đó một đợt dịch cúm gia cầm mới có thể bùng phát trên diện rộng trong tháng Ba, tháng có nguy cơ phát dịch cao tại các địa phương như đã từng được ghi nhận ở Cà Mau, Bạc Liêu và một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long như hồi năm 2006” - Ông Bổng cảnh báo.

Cũng theo ông, thời tiết rét đậm và có mưa phùn kéo dài tại các tỉnh miền Bắc làm suy giảm sức khỏe đàn gia cầm, nhiều người chăn nuôi khi phát hiện gia cầm bệnh, chết không khai báo, đem vứt xác gia cầm ra nơi công cộng, thậm chí đưa đi tiêu thụ là những nguyên nhân chính khiến dịch tái phát tại một số địa phương trong thời gian qua.

Cùng với đó việc buông lỏng kiểm soát vận chuyển, buôn bán, đi lại của người dân trong dịp Tết cũng là những yếu tố khiến dịch có dịp quay trở lại. “Đây là thời điểm giáp ranh giữa đợt tiêm phòng cũ và triển khai tiêm phòng mới năm 2008 trong khi tỷ lệ miễn dịch bình quân của đàn gia cầm xuống thấp nên số gia cầm mang virus tăng cao” - Ông Bổng nói

Ông Bùi Quang Anh - Cục trưởng Cục Thú y - cũng cho biết báo cáo của đoàn công tác của Cục Thú y về kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Dương cho thấy một số cán bộ và người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là với dịch, công tác thông tin tuyên truyền không được chú trọng.

Nhiều nơi có gia cầm chết bất thường nhưng xét nghiệm và quy luôn cho là chết rét, đến khi có thông báo có bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm mới thực sự chỉ đạo triển khai các biện pháp chống dịch.

Cũng theo đại diện Cục Thú y, trong tuần qua có rất nhiều người gọi điện đến đường dây nóng của Cục phản ánh hiện tượng gia cầm chết rải rác tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây và Nam Định.

Đặc biệt một số địa phương đã tái xuất hiện việc cho xác gia cầm vào bao tải đem vứt xuống sông. Cục Thú y đã chỉ đạo Chi cục Thú y các địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ.

Dịch chỉ còn cách Hà Nội hơn 100 km

Trao đổi với báo chí, ông Quang Anh cũng xác nhận dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 3 địa phương mới là Hải Dương, Nam Định và Tuyên Quang trong 3 ngày trở lại đây.

Từ đầu năm 2008 đến nay theo báo cáo của Bộ Y tế đã có 4 người nhiễm cúm A (H5N1) trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Ngày 23.1, Bộ Y tế lại xác nhận trường hợp nam bệnh nhân, 32 tuổi, ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tử vong do nhiễm cúm A/H5N1.

Ngày 13.2, thêm 1 bệnh nhân 40 tuổi ở Hải Dương tử vong do cúm A/H5N1 sau 4 ngày điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.

Ngày 14.2, bệnh nhân Hoàng Văn Đoàn, 27 tuổi ở Ninh Bình, nhiễm cúm A/H5N1 đã tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai sau 3 ngày vào đây.

Theo đó, ngày 18.2.2008, cơ quan Thú y phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi gia cầm ở thôn Cụ Trì (xã Ngũ Hùng, Thanh Miện, Hải Dương). Ổ dịch đã làm chết 640 con trong tổng số 800 con gia cầm.

Trước đó, tại Nam Định, ngày 17.2, cũng phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại hộ chăn nuôi thôn Ngọc Thành (xã Cộng Hòa, Vụ Bản). Ổ dịch đã làm chết 1.765 con trong tổng số 3.450 con gia cầm ở độ tuổi từ 1 đến hơn 2 tháng và chưa được tiêm phòng.

Cũng theo thông báo của cơ quan Thú y vùng, tại Tuyên Quang, ngày 16.2, cũng phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại hộ chăn nuôi ở xã Thái Sơn (Hàm Yên). Ổ dịch đã làm chết 90 con trong tổng số 142 con gia cầm, đàn gia cầm tại đây cũng chưa được tiêm phòng. Sau khi phát hiện các ổ dịch nói trên Chi cục Thú y các tỉnh xử lý tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong các ổ dịch.

Như vậy, với 3 địa phương nói trên, cả nước có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm. Theo đại diện Cục Thú y, việc xuất hiện các ổ dịch ở những địa phương chỉ cách Hà Nội hơn 100 km thì việc đẩy mạnh, siết chặt công tác phòng chống dịch trên toàn quốc là việc hết sức cấp bách.

. Theo VnMedia

Kiểm điểm trách nhiệm các chi cục thú y

Ngày 19.2, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) có văn bản số 191/TY-DT gửi Chi cục Thú y các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC).

Chi cục Thú y các tỉnh, TP tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch CGC thời gian qua và triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch trong thời gian tới. Đặc biệt là đối với các địa phương để dịch xảy ra dây dưa kéo dài, cần xem xét trách nhiệm cá nhân.

Các địa phương củng cố hệ thống giám sát, thông tin dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời gia cầm mắc bệnh, không để dịch lan rộng. Thiết lập bộ phận thường trực và có đường dây nóng để kịp thời nhận và xử lý các thông tin về dịch bệnh của nhân dân. Tổ chức tiêu độc, khử trùng ở các ổ dịch cũ và những nơi có nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên; tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm chưa được tiêm phòng và đàn gia cầm mới phát sinh và chuẩn bị tiêm phòng đợt 1. 2008. 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Châu Á - thị trường xuất khẩu chủ lực của VN  (20/02/2008)
Gộp sổ đỏ, sổ hồng, giảm phí trước bạ còn 1%  (19/02/2008)
Nông nghiệp mất gần 400 tỷ đồng do rét hại  (19/02/2008)
Năm 2009 triển khai bảo hiểm thất nghiệp  (19/02/2008)
Từ 2009, ngưng xuất khẩu titan  (19/02/2008)
Khám phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh  (19/02/2008)
Bắt đầu hạn chế cho vay bất động sản  (19/02/2008)
Miền Bắc sắp đối mặt với đợt rét đậm mới  (19/02/2008)
Nguồn nhân lực thời WTO - cần quy hoạch cả lượng và chất  (19/02/2008)
Báo Italia ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (19/02/2008)
Lãi suất tăng cao và hàng loạt tác động không mong đợi  (18/02/2008)
Gần 100% mã CK giảm giá, Vn-Index rơi khỏi 800 điểm  (18/02/2008)
Có thể giảm nhiều loại thuế  (18/02/2008)
Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm  (18/02/2008)
Rút được 2,6 tỷ đồng từ tài khoản ATM hết tiền  (18/02/2008)