Tuần qua (từ 18-22.2) trên thị trường tiền tệ, chứng khoán có một diễn biến bất thường nhất từ trước tới nay. Các ngân hàng thương mại chạy đua tăng lãi suất huy động chóng mặt; thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh cả 6 phiên giao dịch và có biểu hiện nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu... sau khi Ngân hàng Nhà nước đồng loạt áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.
Cùng lúc, giá dầu và vàng thế giới “nhảy múa” ở mức cao kỷ lục khiến người dân và doanh nghiệp “toát mồ hôi” vì lo! Nhiều chuyên gia lo ngại tăng trưởng sẽ giảm và còn lo ngại thị trường bất động sản sẽ đóng băng trong thời gian tới!
Rút bớt tiền đồng khỏi lưu thông và tác dụng tức thời!
Từ giữa tháng 1 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát (biện pháp cả gói với 5 cú “sốc”): Hạn chế mua vào ngoại tệ, giảm tỷ lệ dư nợ cho vay mua chứng khoán, thắt chặt cho vay kinh doanh bất động sản, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, đồng loạt tăng các loại lãi suất chủ chốt, và mới đây nhất là rút một lượng tiền mặt lớn khỏi lưu thông bằng cách bắt buộc các 41 tổ chức tín dụng phải mua một lượng tín phiếu NHNN trị giá 20.300 tỷ đồng thời hạn một năm.
Trước đó, Bộ Tài chính từ cuối năm ngoái đã liên tục đưa ra kế hoạch IPO các ngân hàng và tổng công ty lớn như Vietcombank, Sabeco, Habeco... tất cả đều nhằm rút bớt một lượng tiền lớn trên thị trường tiền tệ.
Tác dụng tức thời của biện pháp thắt chặn tiền tệ mang lại là suốt tuần qua, (từ 18-22.2), thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh liên tục suốt 6 phiên, khi các nhà đầu tư nội có tâm lý tháo chạy, chỉ số VN-Index tụt xuống dưới 700 điểm.
Chạy đua lãi suất lại làm khó doanh nghiệp!
Về lý thuyết, rút bớt tiền mặt khỏi lưu thông giúp giảm lạm phát nhanh chóng nhưng hệ quả kéo theo cũng không ít, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn yếu nhiều mặt hiện nay. Những ngày này, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang dao động ở mức 15%, tăng 3%/năm chỉ trong mấy ngày khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng cao vì “bão” lãi suất.
Chuyện rủi ro tỷ giá, giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công tăng, nay lại đến “bão” lãi suất. Lãi suất cho vay tăng lên 15%/năm, khó mà đầu tư nổi… Đấy là gánh nặng thực sự trong cạnh tranh của các doanh nghiệp năm 2008 này. Nếu xét ở con số tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2008 ước khoảng 567,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 42% GDP) thì với mức lãi suất trượt thêm 3%/năm, tổn thất chi phí cơ hội do lãi suất cho vay tăng thêm sẽ là trên 17 ngàn tỷ đồng!
Các chuyên gia kinh tế khẳng định: Việc mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên sẽ ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi họ đang rất cần vốn.
Thị trường bất động sản có thể “đóng băng”!
“Sốt” nhà đất suốt thời gian qua được nhận định là do yếu tố đầu cơ là chính, bởi vậy với tình thế hiện nay, khi các biện pháp siết chặt tín dụng của NHNN đã phát huy tác dụng ban đầu sẽ khiến các giao dịch dần đi vào trầm lắng. Và dự báo của các chuyên gia là sẽ có đợt “đóng băng” thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Bởi vì hệ thống ngân hàng - lâu nay đứng sau cung cấp vốn cho những người kinh doanh, kể cả người đầu cơ nhà đất - đã bị lâm vào thế thiếu vốn, buộc phải cắt giảm các khoản cho vay mới. Và sẽ có cuộc rút vốn của giới đầu cơ khỏi thị trường này khi các hợp đồng tín dụng đồng loạt đáo hạn. Tất nhiên, tác động của việc thắt chặt tiền tệ đến thị trường bất động sản còn có độ trễ chứ không ngay lập tức như thị trường chứng khoán.
. Theo VnMedia
Cuộc đua lãi suất ngân hàng: Thêm nhiều diễn biến mới
Ngày 23.2, Ngân hàng (NH) TMCP Việt Á (VietABank) chính thức triển khai chương trình “Lãi suất hấp dẫn” và trở thành NH dẫn đầu về lãi suất huy động trên thị trường hiện nay. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm tại VietABank kỳ hạn 1 tháng, lãnh lãi cuối kỳ là 13,20%/năm, kỳ hạn 3 tháng lãnh lãi cuối kỳ là 13,92%/năm; khách hàng gửi từ 500 triệu đồng trở lên được cộng thêm lãi suất 0,01%/tháng cho tất cả các kỳ hạn. Chương trình áp dụng cho đối tượng khách hàng cá nhân có mức gửi tối thiểu 10 triệu đồng và tổ chức kinh tế gửi tối thiểu 100 triệu đồng. Với mức lãi suất này, VietABank đã bỏ xa “kỷ lục” của NH TMCP Sài Gòn (SCB) ngày 21.2 (lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 12%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 13,8%/năm).
Cùng với VietABank, NH Đông Á (DongABank) cũng điều chỉnh lãi suất tăng mạnh (lên đến 3,16%/năm so với mức cũ), nhất là ở các mức lãi suất kỳ hạn 1 tuần - 3 tuần, 1 tháng, 2 tháng. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần lên đến 7,56%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 11,4%, kỳ hạn 3 tháng là 12,36%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 13,56%..., và chuẩn bị tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thêm 0,6%/năm lên thành 3,6%/năm. Trước đó, ngày 22/2, NH Xuất nhập khẩp (Eximbank) đã tăng lãi suất các loại tiền gửi tiết kiệm lên đến 0,14% so với trước. Tính từ đầu tuần đến nay, hàng loạt NH đã tăng thêm lãi suất huy động, nhiều NH điều chỉnh lãi suất 2-3 lần/tuần.
Khách hàng đua rút tiền gửi tiết kiệm
Sáng qua, 23.2, nhiều khách hàng ùn ùn kéo đến những ngân hàng có mức lãi suất thấp để rút tiền tiết kiệm chuyển sang nhà băng khác. Tình trạng trên khiến cho nhiều ngân hàng phải tìm cách níu chân khách hàng bằng cách đưa ra mức lãi suất thỏa thuận mới cạnh tranh hơn.
Theo ghi nhận của PV, lượng khách hàng đến giao dịch ở các ngân hàng sáng qua đông hơn hẳn so với ngày thường, dù là ngày nghỉ. Trong đó, nhiều người đến để rút tiền. Những nhà băng lớn như ACB, Sacombank, Đông Á... có lượng khách rút tiền đông nhất do mức lãi suất mới không theo kịp nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khác đang "khát vốn". Lượng người rút tiền quá đông nên nhiều nhà băng phải khất khách hàng và hứa sẽ giải quyết vào đầu tuần tới.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, lượng người giao dịch rút tiền tăng đột biến so với ngày thường. Tuy nhiên, người đến rút đa số là khách hàng nhỏ lẻ, lượng tiền không đáng kể. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận, chính cơn khát tiền đồng đã đẩy các ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất nhằm gia tăng huy động, đồng thời níu chân khách hàng khỏi dịch chuyển sang nhà băng khác, đặc biệt là những khách hàng lớn. | |