Dự báo năm 2008, hệ thống điện quốc gia sẽ thiếu điện khá nghiêm trọng, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Vì vậy, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã đưa vào chương trình hành động ngay từ đầu năm 2008 là tăng cường tiết kiệm điện.
Mặc dù Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (Ao) đã dự báo tình hình cung ứng điện trong tháng 2 có khả quan do nhu cầu phụ tải trên toàn quốc sau dịp Tết không tăng đột biến. Nhưng mùa khô đang đến gần, các hồ chứa thủy điện đã và đang tiếp tục làm nhiệm vụ xả nước để chống hạn, phục vụ nông nghiệp, vì vậy lượng điện năng thiếu hụt từ các nhà máy thủy điện do thiếu nước là rất lớn. Cùng với nỗ lực của ngành chức năng huy động cao các nguồn nhiệt điện, điện chạy dầu, khí... thì chủ trương triệt để tiết kiệm điện (TKÐ) vẫn cần được quan tâm đúng mức.
Theo dự báo năm 2008, nếu nhu cầu điện tăng ở mức 15,8% hoặc cao hơn và trong trường hợp sự cố các nguồn nhiệt điện xảy ra do phải vận hành ở mức cao trong năm 2007, đồng thời lũ không về trên các hồ lớn và Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 không phát điện trước mùa khô thì hệ thống điện quốc gia sẽ thiếu điện khá nghiêm trọng, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Vì vậy, một trong những giải pháp mà Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã đưa vào chương trình hành động ngay từ đầu năm 2008 là tăng cường TKÐ.
Ðể bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hành chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dành năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng thiết yếu vào thời điểm hạn hán xảy ra trên diện rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô (từ ngày 1-4 đến 30-6 hằng năm).
Trong những năm qua, việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một bước chuyển biến tương đối rõ rệt trong nhận thức của khách hàng sử dụng điện và các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chỉ thị TKÐ tại địa phương với những quy định cụ thể phù hợp đặc điểm sử dụng điện của địa phương mình, trong đó giảm 10%-15% lượng điện dùng trong cơ quan công sở.
Theo số liệu thống kê của EVN, năm 2007, cả nước đã tiết kiệm được 714,8 triệu kW giờ/581 triệu kW giờ kế hoạch/năm, trong đó: tiết kiệm chiếu sáng công cộng chiếm 24,26% lượng điện tiêu thụ chiếu sáng công cộng và chiếm 13% trong tổng điện năng tiết kiệm; tiết kiệm khối hành chính sự nghiệp chiếm 11% lượng điện tiêu thụ trong khối hành chính sự nghiệp và 20% trong tổng điện năng tiết kiệm; tiết kiệm ánh sáng sinh hoạt chiếm 1,49% điện tiêu thụ trong ánh sáng sinh hoạt và chiếm 42% tổng điện năng tiết kiệm...
Theo kế hoạch của EVN, trong năm 2008, phấn đấu tiết kiệm 681 triệu kW giờ, bằng 1% tổng điện thương phẩm, trong đó tập trung TKÐ ở các khu vực chiếu sáng công cộng (8,8%), cơ quan hành chính sự nghiệp (16,6%), ánh sáng sinh hoạt (1,3%) và công nghiệp xây dựng (0,5%).
Ðối với khu vực ánh sáng sinh hoạt, tiếp tục thực hiện chương trình 5 triệu đèn compact, dựa trên kênh phân phối tại các công ty điện lực, kết hợp hướng dẫn tuyên truyền về cách sử dụng thiết bị hiệu suất cao. Các công ty điện lực: 1, 2, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Ðồng Nai đăng ký tham gia chương trình phổ biến thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời. Trong công nghiệp - xây dựng, tiếp tục lắp đặt công-tơ ba giá, tăng cường kiểm tra áp giá cao điểm tối, kiểm tra TKÐ chiếu sáng trong khu công nghiệp; khuyến khích khách hàng kiểm toán năng lượng... Ðể giảm tổn thất điện năng, EVN yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch lắp đặt tụ bù ngang 110 kV tại một số trạm 220 kV và 110 kV nhằm giảm lượng công suất phản kháng truyền tải trên lưới điện, cải thiện chất lượng điện năng và tăng khả năng tải công suất hữu công...
Trong nội bộ ngành EVN cũng thực hiện Chương trình hành động về TKÐ, giảm tỷ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối điện đến năm 2010, trung bình mỗi năm giảm 0,35% so với thực hiện của năm trước để đến năm 2010 tỷ lệ tổn thất điện năng của toàn EVN đạt dưới 10%; giảm suất tiêu hao nhiên liệu và tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất điện với mức giảm ít nhất là 5% so với chỉ tiêu kế hoạch giao.
Trong hai năm 2005-2006, việc quảng bá sử dụng đèn compact đã được phát động với hạt nhân là chương trình 1 triệu đèn compact thuộc dự án DSM do EVN thực hiện, đã tác động tích cực tới nhận thức trong cộng đồng về ý thức sử dụng đèn compact và các thiết bị TKÐ. Kết quả, năm 2004, cả nước chỉ tiêu thụ được khoảng 1,5 triệu đèn compact, đến năm 2007 lượng tiêu thụ tăng đột biến lên 50 triệu đèn.
Mặc dù đã có sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng thông qua số lượng đèn tiêu thụ hằng năm, nhưng hiện nay trên thị trường nước ta, lượng đèn nung sáng sợi đốt (đèn tròn) vẫn còn khá lớn (năm 2007 ước tính khoảng 45-50 triệu đèn). Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả và lợi ích của việc sử dụng đèn compact trong cộng đồng, EVN đã quyết định tiếp tục thực hiện chương trình quảng bá sử dụng đèn compact trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, theo đó EVN sẽ chủ động phối hợp cùng các nhà sản xuất phấn đấu tiêu thụ mỗi năm từ 15 đến 20 triệu đèn compact, trong đó các đơn vị thuộc EVN trực tiếp bán từ 1 đến 1,8 triệu đèn mỗi năm thông qua mạng lưới phân phối đèn compact điện lực.
Hiệu quả của các chương trình TKÐ trong thời gian qua đã phần nào giảm bớt căng thẳng do thiếu nguồn điện, nhất là vào mùa khô. Trong khi EVN và các ngành tham gia đầu tư xây dựng nguồn điện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nguồn để sớm đưa vào khai thác thì việc triển khai triệt để chương trình TKÐ vẫn phải duy trì trong tất cả các cơ quan, đoàn thể và hộ gia đình nhằm hạn chế thấp nhất việc cắt điện do thiếu điện.
. Theo ND |