Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên ngày 25.2, xung quanh vấn đề chống lạm phát.
- Phóng viên: Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải có giải pháp cụ thể. Vậy chính sách tài khóa trong năm 2008 sẽ tập trung vào vấn đề gì, thưa bộ trưởng?
- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Mục tiêu Chính phủ đặt lên hàng đầu là áp dụng tổng thể các giải pháp tiền tệ, tài khóa và các công tác quản lý khác. Giải pháp tài khóa có bốn vấn đề cụ thể.
Một là, phải bảo đảm nguồn thu của ngân sách trong kế hoạch như Quốc hội đã thông qua. Hai là, bảo đảm điều hành chi ngân sách đúng kế hoạch, kèm theo đó là kiểm soát chi tiêu, tránh lãng phí ở các đơn vị thông qua kho bạc. Ba là, kiểm soát phát hành trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch và bảo đảm giải ngân kịp thời, hỗ trợ cho tăng trưởng, đầu tư có hiệu quả. Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra sao cho hạn chế chi tiêu lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Sẽ thắt chặt chi tiêu của Chính phủ bằng nhiều biện pháp, như tiết kiệm 10% chi ngoài lương, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu.
- Thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản (BĐS) có những biến động bất lợi sau hàng loạt chính sách điều chỉnh của các cơ quan quản lý. Bộ Tài chính có biện pháp gì để chống đầu cơ BĐS và tăng nhiệt TTCK?
- Việc tăng trưởng kinh tế của bất kỳ nước nào cũng gắn với thị trường BĐS. Bộ Tài chính đang xem xét nhiều giải pháp điều chỉnh “nhiệt” của thị trường này. Đối với những dự án đầu tư BĐS chưa có sản phẩm đã mua đi bán lại kiếm lời, có thể sẽ bị thu hồi khoản chênh lệch. Đây là những khoản mua bán bất hợp pháp, hoặc không do bản thân nhà đầu tư làm ra.
Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương sửa đổi pháp lệnh thuế nhà đất để điều tiết đầu cơ. Về mặt tín dụng cũng phải điều chỉnh để thị trường phát triển lành mạnh. Nếu phát triển hàng hóa tăng cung cho thị trường như nhà ở đô thị, nhà cho thuê thì khuyến khích, nhưng cho vay để đầu cơ thì không.
Về TTCK, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã đồng ý cho phép các nhà đầu tư chiến lược góp vốn mua cổ phần là tài khoản của các doanh nghiệp Nhà nước bằng ngoại tệ. Bên cạnh đó, bộ đang xem xét khả năng cho các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tài khoản ký quỹ.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng các giải pháp thực hiện phải tổng thể và có mối quan hệ mật thiết với nhau, bảo đảm thị trường BĐS, TTCK phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư; không can thiệp thô bạo bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng cách phù hợp.
- Đã có chuyên gia cảnh báo rằng thắt chặt tín dụng như hiện nay có thể gây thiếu vốn cho tăng trưởng, làm giảm việc làm và đời sống người dân. Bộ trưởng bình luận gì về ý kiến này?
- Điều hành lãi suất phải trên nguyên tắc không để lãi suất âm. Trong điều kiện hiện nay, nếu để lãi suất âm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Chính việc điều hành lãi suất như vừa qua góp phần lành mạnh hóa các khoản vay. Vay không có hiệu quả thì doanh nghiệp dứt khoát phải thu hẹp đầu tư lại. Còn nếu lãi suất cao mà hoạt động vẫn hiệu quả thì chính là cơ cấu lại tín dụng và làm nó lành mạnh hơn.
. Theo NLĐ |