Cước vận tải, giá thực phẩm rục rịch tăng theo xăng dầu
9:42', 27/2/ 2008 (GMT+7)

Giá xăng dầu tăng khiến các hãng taxi điêu đứng.

Một ngày sau khi giá xăng dầu tăng, hầu hết hãng taxi, doanh nghiệp vận tải đang "rúng động" trước chuyển biến giá đột ngột và tính đến kế hoạch đối phó, không loại trừ điều chỉnh chi phí lên.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (taxi Vinasun) Tạ Long Hỷ cho biết, trước mắt hãng này chưa tính đến việc nâng mức cước mới. Tuy nhiên, trong một hai ngày tới, Vinasun sẽ tính toán thiệt hại do giá xăng tăng và có mức hỗ trợ cho tài xế.

Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Đinh Quang Hiền phân tích, vì đợt tăng giá xăng dầu quá đột ngột nên hiện nay các hãng chưa kịp phản ứng. Song taxi là ngành dịch vụ luôn bị động với giá nhiên liệu. Do đó ông Hiền cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp taxi sẽ phải tự cân đối lại mức cước dựa trên số lượng xe cho phù hợp.

Hiện nay, TP HCM có hơn 7.000 xe taxi của trên 30 hãng. Theo ghi nhận của VnExpress, ngay hôm nay chưa có hãng nào kịp tính toán tới việc lên giá nhưng giới kinh doanh taxi nhận định không sớm thì muộn, việc điều chỉnh cước là không thể tránh khỏi.

"Cơn chấn động" không chỉ ảnh hưởng đến các hãng taxi mà ngành vận tải đường dài cũng không kém phần lo lắng.

Lần này không chỉ xăng mà dầu cũng vượt gần 1/3 nên hầu hết doanh nghiệp vận tải đều như đang ngồi trên đống lửa. Một tài xế tuyến Bắc - Nam cho biết với chi phí xăng dầu mới, trung bình mỗi xe sẽ tốn thêm 3 triệu đồng tiền nhiên liệu cho một chuyến đi về.  

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông, khẳng định, sắp tới để tồn tại, không còn cách nào khác là các doanh nghiệp sẽ phải tự kê khai giá mới. Nhiều khả năng giá cước vận tải sẽ được tăng lên 15-20% tùy từng doanh nghiệp.

Trong khi đó giới tài xế taxi, xe ôm là những người làm ăn chịu thiệt đầu tiên khi xăng dầu lên giá. Một tài xế taxi Vinasun trên đường Nguyễn Trãi, TP HCM, cho biết giá xăng mới sẽ khiến cho cánh tài xế ngày càng vất vả hơn. Anh khẳng định là chưa nghe lãnh đạo công ty nói gì về điều chỉnh cước từ hôm 25.2, tất cả vẫn giữ nguyên "chế độ" cũ.

Cùng với nỗi lo trên, anh Nguyễn Văn Việt, tài xế lâu năm của Vinataxi, nói: "Từ hôm qua, anh em chẳng ai dám đi dạo đón khách như trước nữa, chỉ ngồi chờ gọi cho đỡ tốn xăng". Anh phân tích, một ngày trung bình xe phải đổ 30 lít xăng, với giá hiện tại thì chi phí nhiên liệu anh phải bỏ ra thêm 50.000 đồng mỗi ngày.

Cánh xe ôm cũng không thoát cảnh điêu đứng trước cơn bão giá. Ông Nguyễn Văn Tài, lái xe ôm, bộc bạch: "Cái gì dễ tăng chứ xe ôm khó lên giá lắm. Nếu tăng giá khách sẽ không chịu đi, ai thông cảm thì cho thêm 1.000-2.000 đồng mỗi chuyến, còn không thì thôi. Mình không chạy với giá đó thì người khác cũng chạy, xe ôm bây giờ đông lắm".

Với việc giá xăng dầu lên vùn vụt như hiện nay, những người như ông Tài và nhiều người chạy xe ôm khác nữa phải dè sẻn nhiều để trang trải cho những khoản chi tiêu cần thiết trong gia đình. Ông Phạm Đình Nam băn khoăn: "Một ngày tiền thuê xe hết 15.000 đồng, xăng khoảng 20.000 đồng. Thế là "tiền chết" của tôi đã hết 35.000 đồng. Còn tiền chợ, cho con ăn học nữa...".

Giá xăng tăng 1.500 đồng một lít vào trưa 25.2 đã tác động lớn đến tâm lý người dân. Giá cả hàng hóa ngoài chợ một ngày sau đó cũng lập tức được người bán nâng lên mặt bằng chi phí mới.

Chị Hà, tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương, TP HCM, nhận xét, hôm nay thịt lợn đùi đã lên đến 65.000 đồng một kg, so mấy ngày trước khoảng 50.000-52.000 đồng. Nguyên nhân được giải thích là phải bù giá xăng dầu tăng.

Chị Phan Thị Hoa, một người đi chợ, rất bức xúc trước tình hình giá cả tăng cao sau Tết Mậu Tý, cộng thêm xăng dầu lên giá. Chị cho biết: "Trước đây với 40.000 đồng, tôi chăm lo khá tươm tất cho bữa cơm gia đình (2 người lớn, 2 trẻ em), nhưng bây giờ với số tiền đó chỉ có nước ăn rau...". Song một bà nội trợ khác đứng bên cạnh nói thêm: "Rau bây giờ cũng lên giá. Với số tiền đi chợ hằng ngày, tôi phải mua ít thực phẩm lại mới đủ chi".

Trưởng Ban Vật giá trực thuộc Sở Tài chính TP HCM, khẳng định, hiện nay mặt hàng gì cũng tăng giá vì yếu tố đầu vào cao. Khi xăng, dầu, vàng tăng giá thì nhiều loại mặt hàng cũng lên theo. Ông dự báo trong thời gian tới giá cả vẫn còn biến động, dẫn tới thiết lập một mặt bằng giá mới do ảnh hưởng xăng dầu.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chính phủ “đối mặt” với nhiều chất vấn về giá tiêu dùng  (26/02/2008)
4 khoản phí và lệ phí được miễn  (26/02/2008)
Áp dụng tổng thể các giải pháp chống lạm phát  (26/02/2008)
Đối tượng chính sách sẽ được hỗ trợ giá xăng dầu  (26/02/2008)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Ngành Y tế cần tổ chức chăm sóc thật tốt sức khỏe nhân dân  (26/02/2008)
Công bố Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng và Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam  (25/02/2008)
Năm 2008, sẽ thiếu điện khá nghiêm trọng  (25/02/2008)
Nạn nhân dioxin sẽ kháng án lên tòa tối cao Mỹ  (25/02/2008)
Lạm phát tháng 2 tăng kỷ lục  (25/02/2008)
Giá xăng lên 14.500 đồng  (25/02/2008)
Ngày 26.2: Gió mùa Đông Bắc sẽ gây rét đậm trở lại  (25/02/2008)
Hôm nay, giá xăng có thể lên 14.000 đồng/lít  (25/02/2008)
Đổi mới vai trò của Tham tán thương mại  (25/02/2008)
Dự báo của các chuyên gia hàng đầu: Chứng khoán sẽ đi lên!  (24/02/2008)
Việt Nam bất bình về phán quyết sai lầm của Tòa án Hoa Kỳ  (24/02/2008)