|
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn. |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, để giữ chân người tài trong cơ quan nhà nước, đừng để khai thác quá nhiều nhiệt tình của họ, mà phải quan tâm, đãi ngộ cho phù hợp hơn.
Bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28.2 khi thảo luận về dự Luật Công vụ, ông Trần Văn Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo giới.
- Thưa ông, nguyên Bộ trưởng TN-MT Mai Ái Trực từng phàn nàn trước Quốc hội rằng, để thủ trưởng cơ quan kỷ luật được một công chức, dù là cấp xã cũng không đơn giản. Vậy, dự Luật Công vụ có trao thêm quyền cho người đứng đầu cơ quan xử lý những người sai phạm không?
- Nói như nguyên Bộ trưởng Trực cũng không hẳn đúng, bởi một công chức vi phạm, nếu có căn cứ thì đã có quy trình để sa thải.
Chỉ có điều, trong quy định của chúng ta không trao cho thủ trưởng có quyền tự quyết việc kỷ luật mà phải có Hội đồng kỷ luật xem xét để tránh những điều không khách quan hay thiên vị làm sai lệch trong đưa ra quyết định…
- Lâu nay chúng ta vẫn thừa nhận là có một bộ phận cán bộ, công chức bị sa sút nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức và chuyên môn, dự luật có xây dựng nội dung quy định về tính liêm chính của cán bộ, công chức hiện nay?
- Trong dự Luật Công vụ nêu rõ về đạo đức của công chức, những điều không được làm cũng như nếp sống văn minh ở công sở để xây dựng đội ngũ công chức có tư cách đạo đức tốt, mẫn cán với công việc.
Về tính liêm chính hiện nay của cán bộ, công chức, tôi thấy về cơ bản vẫn đạt tốt. Còn một bộ phận thực hiện chưa tốt thì đang có các giải pháp khắc phục, như xử lý họ.
- Về vấn đề chảy máu chất xám ở nhiều cơ quan Nhà nước vừa qua đã được dư luận phản ánh rất nhiều. Đặc biệt là có trường hợp Vụ trưởng một vụ quản lý về ngân hàng đã xin từ chức. Bộ Nội vụ đã tìm ra giải pháp gì chưa?
- Chúng tôi đang nắm lại thực chất số cán bộ công chức nhà nước chuyển từ khu vực công sang khu vực tư cụ thể là bao nhiêu để làm rõ vấn đề này.
Điều chính là thông qua trách nhiệm của mình, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, quyết định chế độ chính sách cho cán bộ công chức nhà nước cho phù hợp, có sức động viên cán bộ làm việc cho cơ quan nhà nước.
- Thường thì khi rời khỏi vị trí công tác, các công chức giỏi thường kêu ca rằng lương thấp và môi trường làm việc kém. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Chúng tôi đã nói ở nhiều diễn đàn, kể cả Quốc hội, là chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương nhưng cải cách tiền lương phải trên cơ sở phát triển kinh tế, điều kiện kinh tế cho phép.
Trong lộ trình cải cách đó, từng bước để nâng dần lương đội ngũ công chức lên, nhưng có những người thấy được đáp ứng ở khu vực tư thì họ chuyển ra.
Về mong muốn thì chúng ta mong muốn người giỏi làm ở khu vực công nhưng cũng có một thực tế, chúng ta đang động viên các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Vì vậy, một số người ra khu vực tư làm việc mà phát triển kinh tế tốt, có điều kiện đóng thuế, góp phần cho phát triển kinh tế đất nước thì nó cũng bổ trợ cho việc chúng ta giải quyết chính sách cho khu vực công.
- Nhưng nếu không có người giỏi ở khu vực công, nơi hoạch định chính sách sẽ không ổn?
- Đó là điều phải suy nghĩ, nhưng không thể nóng vội trong một thời gian có thể nâng lương cho cán bộ cao hẳn hơn khu vực tư được.
Mong muốn là như vậy nhưng đi liền với nó là một loạt cơ chế, chính sách và quan trọng nhất phải phát triển kinh tế. Chúng ta phải trả lương cho cán bộ công chức trên cơ sở kinh tế của chúng ta phát triển, như thế mới bền vững.
- Có nghĩa là chúng ta phải ngồi đợi kinh tế phát triển?
- Không phải chúng ta ngồi đợi, không làm gì. Chúng ta có làm, nhưng phải có lộ trình. Ví dụ tiến trình cải cách tiền lương, từ 2009 chúng ta sẽ tính đến việc nâng lương phụ cấp cho công chức hành chính nâng dần lên để khuyến khích những cán bộ có năng lực vào làm việc.
- Vậy ông nhận định thế nào về ý kiến cho rằng cơ quan Nhà nước hiện nay khó tuyển được người giỏi, tuyển được rồi thì khó giữ chân họ?
- Thực ra những nhận định đó cũng chỉ là nhận định của cá nhân một vài người chứ chưa phải là tổng kết có tính khảo sát cẩn thận về mặt khoa học.
Chúng tôi thấy rằng không phải hiện nay các cơ quan Nhà nước không tuyển được người giỏi đâu. Rất nhiều người giỏi có năng lực vẫn muốn vào làm cơ quan Nhà nước. Và không phải người giỏi nào cũng đều ra ngoài làm cả. Có một bộ phận thôi.
Ngoài thu nhập, người ta còn có lý tưởng, có trách nhiệm với Nhà nước. Rất nhiều người tài năng vẫn làm việc ở cơ quan Nhà nước. Người làm quản lý như tôi suy nghĩ rằng, điều quan trọng là thế nào để động viên được họ, đừng để khai thác quá nhiều nhiệt tình của họ, mà phải quan tâm, đãi ngộ cho phù hợp hơn.
- Ông nghĩ gì khi lương cơ bản của công chức mới tăng được 2 tháng nhưng cũng trong khoảng thơi gian ấy, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 6%?
- Chúng tôi cũng không muốn như vậy. Đây là thách thức với chúng ta trong điều hành kinh tế và chúng ta phải tìm các giải pháp khắp phục. Đây cũng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà nhiều nước cũng đang phải đối mặt.
Xin cám ơn ông!
. Theo VTC News |