Phát biểu kết luận Phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, hai tháng qua, giá cả tăng cao so với nhiều năm trước đây, điều hành tài chính tiền tệ còn yếu kém. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh, vừa quyết liệt nhưng lại vừa phải linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Ngày 28.2, tại Hà Nội, Phiên họp thường kỳ tháng 2.2008 của Chính phủ tiếp tục làm việc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải.
Trong ngày làm việc thứ hai của phiên họp, Chính phủ chủ yếu tập trung nghe và thảo luận những vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội: Báo cáo về bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2007 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 và thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm 2008; Báo cáo về tình hình điều hành kinh tế vĩ mô tháng 2.2008; Báo cáo về tình hình rét đậm, rét hại kéo dài và biện pháp khắc phục hậu quả; Báo cáo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo tháng 2.2008; Báo cáo về công tác cải cách hành chính tháng 2.2008; Báo cáo tình hình thực hiện chương trình công tác, các quyết nghị của Chính phủ từ phiên họp tháng 1.2008.
Báo cáo tóm tắt về bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2007 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chỉ rõ: Trong năm 2007 mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức về thiên tai, dịch bệnh, giá cả tăng cao,... nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Ðây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng vượt kế hoạch, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch năm 2007, so với báo cáo trình Quốc hội Khóa XII, tại kỳ họp thứ 2, có thêm chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng không đạt kế hoạch (cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế), báo cáo Quốc hội có hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ giảm sinh và nhập siêu. Như vậy, có 20/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm 2008, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2008, nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong nhiều năm qua gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Theo báo cáo của các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 25.2, toàn miền bắc có 180 nghìn ha lúa đã cấy bị chết do rét, tổng số các loại vật nuôi bị chết rét, chết đói trong đợt rét đậm là 107.533 con, trong đó chủ yếu là bê, nghé non (khoảng 70%).
Trong đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía bắc đã có bốn trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) tại các tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ và đều đã tử vong. Theo thông báo của Cục Thú y, trong đợt rét đậm, rét hại có bảy địa phương có dịch cúm trên gia cầm là: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Quảng Bình và Long An.
Trong hai tháng đầu năm, nhập siêu tiếp tục tăng cao; chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, cao hơn nhiều so tháng 12.2007; thị trường tài chính tiền tệ đang có diễn biến phức tạp, lãi suất tiền đồng đang bị đẩy lên cao, chỉ số giá chứng khoán giảm mạnh, trong khi đó giá trị VNÐ so với USD tiếp tục bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, theo dự báo gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, các nước EU, Mỹ, Nhật Bản trong năm 2008 đều thấp hơn các dự báo cuối năm 2007, đặc biệt nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ. Tình hình đó có ảnh hưởng và gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trong kế hoạch 2008.
Ðể bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tập trung vào tám trọng tâm chủ yếu: Ðiều hành, kiểm soát chặt chẽ vĩ mô, kiềm chế giá thị trường; Bảo đảm đạt và vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đã đề ra, trong đó tập trung phát triển sản xuất, đầu tư, trước hết nhanh chóng khắc phục khó khăn cho sản xuất nông nghiệp do rét đâm, rét hại kéo dài, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng; Thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua và hỗ trợ một phần khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân do giá cả tăng cao, nhất là những người nghèo có thu nhập thấp; Thực hiện các giải pháp khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt là thị trường mới có nhiều tiềm năng, đồng thời có giải pháp giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại; Ðẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu giáo dục, y tế; Ðẩy mạnh các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu sử dụng; Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng đơn giản, dễ thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Mặc dù bước vào năm 2008, chúng ta gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng việc triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008 đã được triển khai tích cực và đồng bộ. Việc chỉ đạo và tổ chức đón Tết Nguyên đán Mậu Tý cho nhân dân cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra là vui tươi, an toàn và tiết kiệm, tai nạn giao thông giảm, việc đốt pháo nổ tuy vẫn còn diễn ra ở một số nơi nhưng cũng đã có chiều hướng giảm hơn so Tết năm ngoái.
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm sản xuất gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng cao nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài làm cho lúa, mạ chết, gia súc, gia cầm chết rét và chết đói nhiều, nhất là ở khu vực miền núi phía bắc. Xuất khẩu tăng cao nhưng nhập siêu cũng tăng cao, dịch vụ tăng nhưng chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng trong Tết. Ðặc biệt là việc điều hành, kiểm soát vĩ mô còn nhiều yếu kém, giá cả tăng cao so với nhiều năm trước đây, điều hành tài chính tiền tệ còn yếu kém.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới giá cả tăng cao, đó là, mặt bằng giá thế giới đã được xác lập ở mức cao hơn, kinh tế thế giới giảm sút, lạm phát, giá cả tăng cao. Ðây chính là những khó khăn khách quan khi chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, điều hành cần tập trung làm tốt năm nhóm giải pháp sau:
Một là, về điều hành vĩ mô, phải hết sức bình tĩnh, cần tăng cường công tác dự báo, tính toán thận trọng, vừa quyết liệt nhưng lại vừa phải linh hoạt, quyết đoán, tăng cường hợp tác và bổ trợ lẫn nhau. Trước mắt, phải bám sát mục tiêu kế hoạch đã đề ra để phấn đấu.
Hai là, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường để tăng kim ngạch xuất khẩu đồng thời có giải pháp hạn chế nhập siêu. Chỉ đạo quyết liệt để các địa phương phía bắc cấy lại hết diện tích lúa đông xuân đã bị chết rét trong khung thời vụ. Thúc đẩy tăng trưởng các ngành dịch vụ.
Ba là, đẩy mạnh đầu tư phát triển cả nguồn vốn Nhà nước và các nguồn vốn ODA, FDI, chú trọng công tác giải ngân các nguồn vốn.
Bốn là, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm công tác xóa đói, giảm nghèo, làm tốt công tác hỗ trợ người dân nhất là người nghèo bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và giá cả tăng cao.
Năm là, tiếp tục chỉ đạo cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, trong đó đặc biệt chú ý cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn giao thông, duy trì đà giảm tai nạn giao thông dịp Tết vừa qua trong thời gian tới.
* Chiều 28.2, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng tham gia chủ trì cuộc họp báo còn có Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Ðức Phát, Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Ðỗ Quý Doãn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo tóm tắt với các nhà báo những nội dung chính trong Phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ và những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp. Những người chủ trì cuộc họp báo đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi chung quanh vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô như: giá cả tăng cao; điều hành chính sách tài chính tiền tệ. Chính sách hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu và bị thiệt hai sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua.
. Theo ND |