|
Cán bộ điều tra dẫn giải ông Nguyễn Anh Dũng (nguyên GĐ Trung tâm Khoa học công nghệ xây dựng Cosevco) về nhà riêng để khám xét. |
Việc 7 cán bộ cũ hoặc đương chức của Cosevco bị Cục CSĐT tội phạm tham nhũng bắt giữ tuy gây xôn xao nhưng không khiến dư luận Đà Nẵng quá bất ngờ!
Dự án bị "rút ruột" 1,5 triệu USD
Theo nguồn tin của VietNamNet, năm 1999, Cosevco vay vốn ngân hàng lập dự án xây dựng Nhà máy gỗ MDF Cosevco với công suất 30.000m3 sản phẩm/năm tại phường Đông Lương, thị xã Đông Hà (nay là KCN Nam Đông Hà). Công ty Xây dựng 78 được giao làm chủ đầu tư. Sau khi dự án được duyệt (mức đầu tư gần 300 tỷ đồng), Cosevco đã mở hợp đồng đấu thầu ngoại (gói số 1), mua thiết bị dây chuyền sản xuất cho nhà máy.
Sau đó, Cosevco chỉ đạo Công ty xây dựng 78 nâng công suất nhà máy từ 30.000m3 sản phẩm/năm lên 60.000m3 sản phẩm/năm và tiếp tục mở hợp đồng đấu thầu (chủ yếu dựa trên các hợp đồng trước). Lần này, hãng Maschinenfabrik J.Diffenbacher GmbH&Co (Đức) đã được Cosevco kiến nghị trúng thầu với giá 16.544.529 USD (giá gói thầu là 16.120.699USD).
Thấy vậy, nhà thầu Metso (Thụy Điển) vốn bỏ thầu với giá thấp hơn rất nhiều (14.145.500USD) nhưng không được chọn thầu đã gửi đơn lên Bộ Xây dựng. Báo cáo của liên vụ (Bộ Xây dựng) cho biết, có một số vấn đề tồn tại nên chưa đủ cơ sở để lựa chọn nhà thầu trúng gói thầu trên.
Ngày 7.6.2002, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có công văn yêu cầu Cosevco và Công ty xây dựng 78 nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dây chuyền thiết bị chính. Tuy nhiên, thay vì tổ chức chào giá lại thì ông Trần Xuân Đính đã ký hợp đồng với ông Tilman Helmer, Giám đốc hãng Maschinenfabrik J.Diffenbacher GmbH&Co (Đức) với giá trúng thầu 16.696.474 EUR.
Ngày 10.1.2004, HĐQT Cosevco có Quyết định 21/TCT-DA phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nhà máy gỗ MDF Cosevco từ gần 300 tỷ lên 386,9 tỷ đồng và đến ngày 27.9.2006, số vốn tiếp tục được nâng lên đến 456,6 tỷ đồng. Đáng nói là khi thực hiện dự án này, số vốn mà Cosevco đưa vào chỉ có 4 tỉ đồng để thực hiện một dự án có số vốn gấp hơn 100 lần (!?). Bất hợp lý đến như thế nhưng dự án vẫn được các cấp thẩm quyền phê duyệt (!?)
Trên thực tế, lãnh đạo COSEVCO không chỉ mờ ám trong việc ký hợp đồng mua thiết bị ngoại, tăng vốn đầu tư lên 52% so với số vốn được duyệt ban đầu mà còn rút mất 18 hạng mục cần thiết khi thi công nhà máy. Cộng hai khoản này, dự án đã mất đến 1.526.659USD (khoảng 23 tỷ đồng lúc đó). Hậu quả là sản phẩm làm ra ít nhưng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nợ ngân hàng kéo dài... Để phủi tay, Cosevco tận dụng triệt để các “mối quan hệ”, bán lại nhà máy này cho Tổng Công ty Cao su VN. Từ đó nhà máy có tên mới: Nhà máy gỗ Geruco MDF.
Những cú liều và lỗ... bạc tỷ
Đến năm 2002, Cosevco tiếp tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép công suất 250.000 tấn/năm cũng tại phường Đông Lương, thị xã Đông Hà với tổng mức đầu tư 254 tỷ đồng. Dù chưa có vốn vì chưa có ngân hàng nào đồng ý cho vay nhưng tháng 8.2002, lãnh đạo Cosevco vẫn tiến hành khởi công xây dựng nhà máy. Cùng với ra thông báo mời thầu thiết bị ngoại, Cosevco cũng tiến hành thương thảo ký hợp đồng với hãng Simac.
Qua quá trình thương thuyết, đến năm 2004, Quỹ Hỗ trợ phát triển đồng ý về nguyên tắc cho Cosevco vay 100 tỷ đồng. Trên thực tế, tháng 1.2004, Cosevco chỉ nhận được 10 tỷ đồng của quỹ này chuyển về Ngân hàng NN&PTNT Quảng Trị để mở LC (thư tín dụng) đặt cọc đợt 1 là 350.000EUR (tương đương 7,5 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2004).
Tuy nhiên, ngày 27.4.2004, ông Marco Fattori, Giám đốc điều hành hãng Simac có công văn yêu cầu Cosevco mở LC chuyển tiền đợt 2. Nếu Cosevco không đáp ứng, Simac sẽ không chịu trách nhiệm về các tổn thất, tức là Cosevco sẽ mất trắng 7,5 tỷ đồng đặt cọc đợt 1.
Hơn 1 năm sau, do Cosevco không vay thêm được vốn để xây dựng nhà máy thép nên Quỹ Hỗ trợ phát triển đã có văn bản rút lại quyết định cho vay 100 tỷ đồng như đã hứa trước đó. Không có vốn nhưng lãnh đạo Cosevco vẫn cho san lấp mặt bằng và xây dựng một số hạng mục của DA như nhà làm việc 3 tầng, gara để xe… đồng thời bố trí nhân sự, thành lập BQL dự án...
Theo một cựu cán bộ từng nằm trong ban lãnh đạo của Cosevco thì vụ việc này đã gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Bao gồm 7,5 tỷ đồng đặt cọc cho hãng Simac, tiền lương và các chi phí hoạt động khác cho 6 đời làm Trưởng ban Quản lý nhà máy, tiền xây dựng một số hạng mục của DA, tiền chạy vay vốn trong 3 năm, tiền lãi ngân hàng...
Qua các tài liệu mà VietNamNet thu thập được cho thấy, từ nhiều năm qua, Cosevco đã liên tục để xảy ra các sai phạm trong quản lý, đầu tư, tài chính; làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Theo báo cáo kiểm toán tháng 3.2007 của Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán năm 2005 (thời điểm ông Trần Xuân Đính làm TGĐ Cosevco), một số đơn vị trực thuộc Cosevco không còn vốn do kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ phải trả chiếm 96,6% tổng nguồn vốn. Việc đầu tư của Cosevco dàn trải, hiệu quả thấp; nhiều dự án mới đầu tư đã phải bán, có dự án chỉ hoạt động được 16% công suất thiết kế, có dự án sản phẩm sản xuất ra không thể tiêu thụ được...
Bản thân ông Trần Xuân Đính nguyên là Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung (nay là Tổng Công ty Miền Trung - Cosevco) trực thuộc Bộ Xây dựng, trong quá trình điều hành, lãnh đạo đơn vị đã bị nhiều đơn thư tố giác để xảy ra rất nhiều vụ bê bối về tài chính, thua lỗ với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra còn có đơn thư tố cáo về nhiều vụ việc tai tiếng liên quan đến việc mất đoàn kết nội bộ, có những mối quan hệ xã hội thiếu lành mạnh... Trong đó có cả việc ông từng bị kỷ luật song vẫn được thăng chức từ Tổng giám đốc lên Chủ tịch HĐQT.
“Công ty gia đình”
Có thể nói “gia đình hoá” là một nét rất dễ nhận thấy trong hệ thống tổ chức của Cosevco. Trong số 34 đơn vị thành viên của Tổng công ty này, hễ chỗ nào “ngon lành” nhất, nghĩa là làm ăn được, hoặc mới lập dự án, ký hợp đồng mua dây chuyền sản xuất, máy móc để hưởng %... thì ông Trần Xuân Đính đều lợi dụng quyền hạn của mình để đưa người nhà vào nắm giữ các chức vụ chủ chốt, bất chấp CB-CNV trong đơn vị phản đối quyết liệt và bất kể bản thân người đó có trình độ, bằng cấp hay không.
Cụ thể, em ruột của ông Đính là ông Trần Xuân Đoát đã được cử giữ chức Trưởng BQL Dự án nhà máy cán thép tại Quảng Trị. Sau khi dự án này phá sản, ông Đoát được bổ nhiệm làm Phó TGĐ Nhà máy gỗ MDF Cosevco tại Quảng Trị. Ông Trần Xuân Sơn, em ruột ông Đính, trình độ không có, được bổ nhiệm làm TGĐ Cosevco 1 tại Quảng Bình. Ông Trần Xuân Tùng, em ruột ông Đính, chưa học hết phổ thông, đã được phụ trách khách sạn Costar (thuộc Cosevco Đà Nẵng).
Sau khi bán khách sạn này, ông Tùng được chuyển sang làm Phó GĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Cosevco. Ông Trần Xuân Hải, em ruột ông Đính, tuy học hành "nhom nhem" nhưng vẫn được giao phụ trách Phòng Kế hoạch Nhà máy ximăng Sông Gianh Cosevco (Quảng Bình) công suất tới 1,2 triệu tấn/năm (thuộc dự án nhóm A).
Con ruột của ông Đính là Trần Quang Minh, khi Nhà máy xi măng Sông Gianh đang tiến hành lập dự án thì làm Phó BQL, đến nay đã lập công ty riêng và có nhiều quan hệ “mật thiết” với Cosevco. Một người con ruột khác là Trần Xuân Thông, năng lực kém, vẫn làm Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Kinh doanh bất động sản Cosevco. Ngoài ra, ông Đính còn đưa em gái và nhiều người thân quen khác vào những vị trí dễ “làm ăn” trong Tổng công ty...
Những vụ việc lùm xùm này khiến hoạt động Cosevco ngày càng đi xuống, đang đứng trước nguy cơ phá sản, hàng loạt cán bộ giỏi đã phải bỏ ra đi hoặc bị ông Đính tìm mọi cách đẩy đi nơi khác. Trước những sai phạm này, Bộ Xây dựng đã từng yêu cầu ông Trần Xuân Đính phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Dư luận đã không ít lần bất bình vì sao với hàng loạt sai phạm như vậy mà ông Trần Xuân Đính vẫn tiếp tục tại vị, thậm chí còn được lên chức cao hơn? Nhiều nguồn tin cho rằng, ông này có những mối quan hệ “cỡ bự”, có ô dù che chắn rất vững chãi nên không ai làm gì được. Tuy nhiên nhiều người vẫn tin rằng, không chóng thì chầy, cơ quan pháp luật cũng sẽ làm rõ những sai phạm nghiêm trọng này.
Và điều phải đến đã đến kể từ chiều 27.2 vừa qua, ngay sau khi VietNamNet vừa đưa tin C37 bắt giữ ông Trần Xuân Đính, đã có giám đốc một công ty (nguyên là công ty nhà nước vừa được cổ phần hoá) gọi điện chia sẻ: “Công an làm mạnh tay như vậy đã đem lại niềm tin cho người dân nhiều lắm. Cuối cùng những người lợi dụng chức quyền để làm trái pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp, chứ không thể ỷ thế ô dù mà làm càn mãi!”.
. Theo VNN |