Sáng 1.3, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận, cho ý kiến dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Dự án Pháp lệnh dự kiến quy định “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng”, nếu không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp thay. Ủy ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra dự án này - phản biện: Việc bổ sung phạt tiền đối với người chưa thành niên không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế và sự nhất quán về chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Thực tế, người chưa thành niên dưới 15 tuổi không phải là đối tượng lao động, chủ yếu sống phụ thuộc gia đình.
Về tình trạng hàng loạt xe máy bị tạm giữ do vi phạm hành chính không được bảo quản gây hư hỏng, nhiều trường hợp mất mát tài sản... Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) cần có đánh giá việc thi hành những biện pháp xử lý hành chính trong thời gian qua.
Ngoài ra, cũng không nên bổ sung thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng tháo dỡ một số công trình xây dựng trái phép trong điều kiện trình độ cán bộ cấp cơ sở hiện nay nhằm tránh tình trạng lạm quyền.
Chiều 1.3, buổi họp cuối cùng của phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển, cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có vấn đề nâng hạn tuổi sĩ quan phục vụ tại ngũ theo quân hàm lên 2 tuổi (trừ cấp tướng).
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cũng cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, việc cụ thể hóa các chức danh, chức vụ, tuổi nghỉ hưu, tiền lương, nhà ở...
Trường hợp nếu đủ 25 năm phục vụ quân đội và có nguyện vọng sẽ được nghỉ hưu. Trường hợp sĩ quan phục vụ ở đơn vị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, khi hết hạn tuổi phục vụ theo chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị, sẽ luân chuyển đến các đơn vị, cơ quan khác để phục vụ tiếp cho đến khi đạt hạn tuổi cao nhất theo quân hàm mới nghỉ hưu.
Kết luận phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội có liên quan phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý sớm gửi lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Riêng đối với dự thảo pháp lệnh, cần sớm hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngay sau phiên họp này, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần tiến hành ngay những thủ tục cần thiết, chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp tới.
. Theo NLĐ |