Hai vấn đề lớn quanh việc EVN đề xuất tăng giá điện:
Phương án và thời điểm
10:59', 4/3/ 2008 (GMT+7)

Công nhân Điện lực Hoàn Kiếm (Cty Điện lực Hà Nội) thay máy biến thế, nâng cấp điện áp khu vực Trần Hưng Đạo.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Bộ Công thương hai nhóm phương án tăng giá điện dự kiến áp dụng từ 1.7.2008. Đề xuất tăng giá điện là thực hiện theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 276/2006. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay khi mà chỉ số giá tiêu dùng tăng cao thì việc tăng giá điện sẽ vô cùng nhạy cảm và không khỏi làm người dân lo lắng...

Chuyện tăng giá - có tới 10 phương án

Sở dĩ có chuyện đưa ra hai nhóm phương án với hai mức giá khác nhau (nhóm thứ nhất 890đ/kWh theo QĐ 276/2006 và nhóm thứ hai tăng 917đ/kWh, có tính đến  yếu tố trượt giá) được EVN giải thích do mức giá  890đ/kWh không phản ánh hết các biến động của các yếu tố đầu vào như: giá nhiên liệu (than, dầu diesel, madut, khí), tỷ giá, giá xi măng, sắt thép, máy móc thiết bị và tiền lương... Trong khi đó, tình hình lạm phát và giá cả tăng cao hiện nay là lý do cần thiết để điều chỉnh giá điện lên 917đ/kWh. Và đó cũng là lý do khiến bản đề xuất của EVN lần này có tới 10 phương án tăng giá điện được xếp thành 2 nhóm.

Ở cả hai nhóm phương án, EVN đều đề xuất tăng giá điện cho khu vực sản xuất vào các giờ cao điểm. Vì tình hình sử dụng điện đang mất cân đối giữa giờ cao điểm và thấp điểm, trong khi đó, hệ thống điện lại thiếu công suất vào giờ cao điểm và phải hạn chế sử dụng. Cụ thể, ở nhóm phương án tăng giá thứ nhất, EVN đề nghị tăng giá điện vào các giờ cao điểm lên 5%, giữ nguyên giá bán vào các giờ bình thường và thấp điểm, và như vậy bình quân giá điện bán cho khối này sẽ tăng thêm 10đ/kWh; EVN cũng đưa ra mức tăng giá bình quân 890đ/kWh cho khối này để bù chéo lẫn nhau trong nội bộ khối sản xuất.

Nhóm phương án tăng giá thứ hai, EVN đề xuất tăng giá khu vực sản xuất trong giờ cao điểm lên 10%, giá điện bình thường  và giờ thấp điểm tăng 6% và như vậy bình quân khối  sản  xuất tăng 52đ/kWh...

Đáng chú ý, để thực hiện nguyên tắc duy trì chính sách trợ giá cho người nghèo, giảm tối đa lượng bù chéo, EVN chia đôi bậc thang điện sinh hoạt 100kWh đầu làm 2 bậc thang so với trước đây. Cụ thể, trước đây chia bậc thang là 100kWh đầu thì nay chia từ 0 đến 50kWh và từ kWh thứ 51 đến kWh thứ 100. Với cách chia này thì biểu giá điện bậc thang có tới 7 bậc, giá điện 50kWh đầu là 550đ/kWh (riêng phương án 5B, 50kWh đầu giá điện là 590đ) và tăng rất cao ở kWh thứ 401. 

Theo thống kê, trong tổng số hơn 10 triệu hộ khách hàng đang sử dụng điện do EVN bán trực tiếp thì có đến 1,137 triệu hộ sử dụng thường xuyên dưới 30kWh/tháng và có đến 1,2 triệu hộ sử dụng chỉ từ 30-50kWh/tháng. Số hộ sử dụng mức từ 50-100kWh có đến 4 triệu hộ. Như vậy, tỷ lệ số hộ nghèo (sử dụng điện dưới 30kWh/tháng chiếm đến 11,18% và từ 30-50kWh chiếm khoảng 12% nữa), tính chung 2 nhóm này chiếm 23% trên tổng số hộ khách hàng sử dụng điện. Do vậy, tách ra làm 2 bậc thang vẫn bảo đảm số hộ nghèo không bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện (giá bán điện cho 50kWh đầu vẫn giữ nguyên 550đ/kWh), bên cạnh đó vẫn bảo đảm tỉ lệ bù chéo trong giá điện không quá lớn. Số hộ sử dụng từ 51-100kWh tiếp theo lên đến 4 triệu hộ (chiếm 39% số hộ sử dụng điện) sẽ phải chịu mức giá điện bù lỗ ít hơn.

Tăng giá - Thời điểm nào?

Trong tờ trình của mình, EVN đề xuất Tổ công tác giá điện chọn phương án tăng giá lên 917đ/kWh. Phải khẳng định lại rằng, quyết định tăng giá điện nằm trong lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt nhằm điều chỉnh để giá điện gần tiệm cận với giá thị trường. Theo một chuyên gia của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thì ngay cả khi tăng lên 917đ/kWh thì giá điện trung bình tại Việt Nam vẫn ở mức dưới 6 cent/kWh, thấp so với khu vực. Trong khi đó, chính sách về giá điện lại rất quan trọng và mang tính dài hạn bởi điện không phải là loại hàng hóa thông thường. Nếu như giá điện không được điều chỉnh cho tiệm cận giá thị trường thì điện cho sản xuất tại Việt Nam sẽ thấp hơn điện cho sản xuất ở các nước khác và các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ tìm cách vào Việt Nam vì có giá điện rẻ! Đây là điều không có lợi.

Cũng theo vị chuyên gia của Cục Điều tiết điện lực, trong điều kiện lạm phát tăng cao, nhiều mặt hàng tăng giá, việc EVN đề xuất tăng giá điện tại thời điểm hiện nay chưa thuận lợi. Song nhìn ở một góc độ khác, nếu điện không tăng thì hệ quả của việc giá điện thấp sẽ ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của ngành điện nói chung và EVN nói riêng. Điều này, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của ngành điện như không có khả năng thu hút đầu tư... có thể dẫn đến không có điện sử dụng trong tương lai. Vì vậy, đây sẽ là bài toán mà Chính phủ và các bộ, ngành sẽ phải cân bằng và đưa ra quyết định hợp lý. Do vậy, vị chuyên gia này khẳng định, nếu không tăng giá ở thời điểm này, ắt sẽ tăng vào dịp khác.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hành khoảng 37.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ  (03/03/2008)
Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vắc-xin Fuenzalida gây tai biến  (03/03/2008)
Gas tăng, than cũng "rục rịch" tăng giá  (03/03/2008)
Lai Châu rung chuyển vì động đất  (03/03/2008)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức 3 nước châu Âu  (03/03/2008)
Việt Nam-Campuchia đẩy nhanh phân giới, cắm mốc biên giới  (03/03/2008)
Ồ ạt rút tiền khỏi Ngân hàng thương mại nhà nước  (02/03/2008)
Không nên phạt tiền người chưa thành niên  (02/03/2008)
Miền Trung và Tây Nguyên: nguy cơ cao lây lan dịch cúm gia cầm  (02/03/2008)
Sẽ thành lập Tập đoàn Xi măng  (02/03/2008)
Phú Quốc được chọn là bãi biển đẹp nhất thế giới  (02/03/2008)
Đỉnh nào cho giá vàng?  (02/03/2008)
Vì sao một loạt quan chức Tổng Cty Miền Trung bị bắt?  (29/02/2008)
Bình tĩnh, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành giá cả, tiền tệ  (29/02/2008)
Dự án Luật Công vụ: Thu hẹp đối tượng công chức  (29/02/2008)