Giá chứng khoán trên sàn đã định hình một “mặt bằng” mới, thấp nhất trong hơn một năm qua.
Phiên giao dịch mở đầu tháng 3, ngày 3.3, thị trường chính thức ghi nhận một kết quả của chuỗi suy giảm trong suốt thời gian qua: không còn mã nào có được mức giá trên 200.000 đồng.
Mốc giá 200.000 đồng/cổ phiếu còn lại duy nhất ở mã HSC của Công ty Cổ phần Hacinco. Nhưng đây lại là mã chỉ có duy nhất một phiên có giao dịch trong suốt tháng qua.
Đánh dấu sự kiện trên, trong phiên ngày 3.3, cổ phiếu TCT của Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh, mã còn sót lại với giá tham chiếu 204.000 đồng, cũng đã giảm sàn (mất 10.000 đồng) để xuống mức 194.000 đồng/cổ phiếu. NTL của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm cũng giảm sàn để từ 209.000 đồng xuống còn 199.000 đồng/cổ phiếu. Và đỉnh còn lại của BMC hiện chỉ còn 193.000 đồng/cổ phiếu, sau khi giảm sàn mất 10.000 đồng phiên này.
Trong ba mã trên, BMC từng tạo kỷ lục về giá cao trên sàn vào ngày 21/5/2007 với 847.000 đồng/cổ phiếu. Qua chia tách và sụt giảm kéo dài, mức giá hiện tại của BMC đang thấp nhất trong một năm qua. Kỷ lục 847.000 đồng/cổ phiếu sẽ vẫn là một thách thức đối với giá của tất cả các mã trên sàn.
Sau BMC, trong năm 2007, thị trường biết đến độ cao của giá FPT (Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ FPT). Giá FPT từng lên tới 610.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/3/2007. Qua chia tách, đặc biệt là đợt suy thoái từ đầu năm 2008 đến nay, giá cổ phiếu này hiện chỉ còn 134.000 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất kể từ ngày chào sàn.
Một tiêu biểu khác từng tạo ấn tượng mạnh trên cả sàn Hà Nội và Tp.HCM trong năm 2007 là SSI của Công ty Chứng khoán Sài Gòn. So với đỉnh cao 285.000 đồng/cổ phiếu của ngày 29.10.2007, giá SSI hiện chỉ còn phần lẻ, 84.500 đồng/cổ phiếu.
Những so sánh trên đầu có hết ở các cổ phiếu lớn trên cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM, bên cạnh việc chia tách trong các đợt phát hành thêm…, nguyên nhân chính là sự sụt giảm kéo dài của thị trường.
Một điểm chung là sau điều chỉnh, giá các cổ phiếu đã định hình một mặt bằng mới và khó tái lập những đỉnh cao trước đó.
Thống kê về hệ số P/E cũng cho thấy “mặt bằng” chung đã xuống chỉ còn khoảng 13 - 15 lần.
Tại sàn Tp.HCM, hệ số P/E 4 quỹ gần nhất theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã xuất hiện một loạt mã dưới 10. Trong nhóm 10 mã có P/E thấp nhất tại đây, trường hợp của HAS chỉ còn 3,27; và cao nhất là ACL với 8,66.
Tại sàn Hà Nội, P/E 4 quỹ gần nhất cũng xuất hiện loạt mã chỉ từ 3,62 đến 7,8. Tiêu biểu như TKU, EBS, SD6, NST, VTS, TPH, POT, S64, SGD, DAE…
Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), P/E của các cổ phiếu niêm yết hiện đã xuống mức thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây. Nhiều mã lớn hệ số P/E hiện chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với đầu năm 2008; nhóm có P/E cao cũng chỉ xoay quanh mốc 20 lần.
Đáng chú ý là với những mức giá và P/E thấp hiện nay, nhiều chuyên gia cùng có nhận định là hấp dẫn để mua vào, trong khi thị trường vẫn nối tiếp những phiên bán tháo mạnh. Có thể nhiều nhà đầu tư đã phải bán ra, chấp nhận một mặt bằng giá mới, để cơ cấu lại danh mục, tái lập một chu kỳ đầu tư mới.
. Theo VnEconomy
|