|
Hiện nay, DN càng bán hàng càng bị thua lỗ do giá đầu vào tăng. Ảnh: VNN |
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, một trong những giải pháp mà DN đưa ra là phải cắt giảm chi phí. Trong đó, lao động cũng là một dạng chi phí.
Bán càng nhiều hàng càng lỗ!
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết hiện nay các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ đang lâm vào cảnh lao đao khi các hợp đồng với nước ngoài đã đến kỳ giao hàng. Không giao thì không được, mà giao thì lỗ nặng. Đã có một số dấu hiệu các DN đành chấp nhận mất uy tín, tự ý bỏ hợp đồng, không giao hàng khi đến hạn. Lý do là bán hàng càng được nhiều, DN càng lỗ nặng.
Giá nguyên liệu gỗ hiện nay đã tăng 30% so với 6 tháng trước đây. Các phụ tùng kim loại như bản lề, ốc vít, khóa, tay nắm… cũng đồng loạt tăng giá, khiến giá thành sản phẩm đã lên cao chót vót.
Bản thân Trường Thành đã phải làm việc lại với các đối tác nước ngoài, thông báo điều chỉnh giá cho các hợp đồng lần sau.
Tuy nhiên tăng giá là giải pháp cuối cùng khi chẳng còn cách nào khác. Các DN đang lo lắng là hiện tại các nước có nền kinh tế ổn định có điều kiện cạnh tranh tốt hơn. Nếu DN Việt Nam tăng giá các đơn hàng, là tự đặt mình vào vị trí thất bại trong cuộc cạnh tranh này.
Ông Thành cho biết, “xù” hợp đồng là một xu hướng có thể sắp tới sẽ xảy ra ở nhiều DN khi không chịu đựng nổi áp lực tăng giá.
Cắt giảm chi phí, sắp xếp lại lao động
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GOSACO, ông Lâm Trọng Sơn, nhận định: Xu hướng tăng lương cho công nhân là tất yếu. Mà như vậy DN càng lâm vào khó khăn.
Theo ông Sơn, tình thế hiện nay buộc các DN phải tính toán lại. Ở Công ty cổ phần GOSACO, Ban Giám đốc đưa chủ trương tiết kiệm tối đa nhiên liệu, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó sắp tới đây sẽ là một chương trình xếp lại quy trình sản xuất, giảm những công đoạn thừa và đi liền với đó là cắt giảm chi phí không cần thiết.
“Một trong những việc cắt giảm chi phí sẽ là cắt giảm bớt lao động. Biết rằng không muốn nhưng vẫn phải làm. Đó là nỗi bất hạnh cho những công nhân nào rơi vào trường hợp bị cắt giảm” - ông Sơn đăm chiêu.
Theo dự báo của ông Sơn, việc cắt giảm lao động có thể xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, mặc dù thiếu nhân lực hiện nay cũng đang là vấn đề đau đầu. Có thể tình trạng mất việc, thất nghiệp sẽ xảy ra trên diện rộng.
“Chưa khi nào DN bị đặt vào tình thế khó khăn bế tắc như hiện nay. Hầu như tất cả những biến động của nền kinh tế đều đổ lên vai DN và người lao động gánh chịu”, ông Sơn nói.
“Công nhân là nền tảng”
Trường Thành và GOSACO là hai đơn vị không bị xảy ra tình trạng thiếu nhân công đầu năm. Để khuyến khích công nhân sau Tết vào làm việc, Trường Thành đưa ra chế độ thưởng cho công nhân đi làm sớm. Nhờ đó, đến mùng 10 đã có 85% công nhân của Trường Thành có mặt. Ông Võ Trường Thành cho biết, những đồng nghiệp của ông có DN vào đầu năm mất đi một nửa lượng công nhân.
GOSACO không có chế độ thưởng như Trường Thành, mà trả lương khá cao và chăm sóc người lao động quanh năm. Công nhân GOSACO được trả lương 1,8 triệu/tháng, và sắp tới đây sẽ tăng lên thành 2 triệu đồng. Cuối năm âm lịch, công ty dùng xe đưa công nhân về Bắc, sau Tết đem xe đến nhà chở về lại công ty, miễn phí. Tại nhà máy chế biến gỗ đặt tại Bình Dương, công ty xây dựng khu vực ăn trưa và nghỉ ngơi cho công nhân trên một khuôn viên rộng lớn, gồm 10 ngôi nhà lợp lá, có võng nằm nghỉ trong nhà và một khuôn viên cây xanh xung quanh. Tại Củ Chi, công ty này xây dựng một khu resort dọc bờ sông. Hàng tháng các bộ phận sản xuất kinh doanh luân phiên nhau đưa cán bộ và công nhân đến đây nghỉ ngơi, tắm sông, ăn uống và giải trí cùng với lãnh đạo.
Vì vậy mà trong số 500 công nhân của GOSACO, ngày đầu tiên làm việc lại sau Tết chỉ vắng mặt 5 người.
Ông Võ Trường Thành nói: “Công nhân là nền tảng. Lâu nay các DN chỉ chú ý giữ người tài, người tay nghề cao, mà chưa ai nói tới việc chăm sóc và giữ gìn công nhân lao động phổ thông. Vì vậy nên khủng hoảng lao động vào đầu năm là tất nhiên”.
Có lẽ đây cũng là cách làm để các DN tham khảo, về việc xây dựng chính sách nhân sự, chăm sóc người lao động. Xét cho cùng, người lao động cũng chỉ có một việc là… lao động. Nơi nào có chăm sóc tốt, thu nhập cao, người lao động sẽ gắn bó.
DN phải tự vận động
Lâu nay việc dựa dẫm vào sự nâng đỡ của Nhà nước đã khiến cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trở nên yếu ớt. Tuy nhiên, theo một số DN trong điều kiện nước sôi lửa bỏng cận kề, việc hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước là cần thiết.
Một chủ DN nói rằng ông có cảm giác Nhà nước và Chính phủ khi đưa ra các giải pháp đã không lường trước hậu quả của nó. Ông cho rằng hai chủ trương vừa rồi là tăng xăng dầu và siết tín dụng thực sự là tai hại. Doanh nghiệp Việt Nam vốn sức cạnh tranh đã yếu, nay lại càng mất sức cạnh tranh.
Ông Võ Trường Thành cho rằng việc thắt chặt tiền tệ không lựa chọn đối tượng sẽ đem lại những hệ lụy không nhỏ. Những DN đang làm ăn hiệu quả cũng bỗng dưng bị rơi vào bế tắc.
“Vậy là lẽ ra tìm giải pháp để cứu nền kinh tế, hoặc hạn chế chỗ này để khai thông chỗ kia, thì giải pháp này đã làm cho cả một nền kinh tế bí đều” - ông Thành nhận định.
Theo ông Thành, thay vì thắt chặt tiền tệ, thì hãy hạn chế chi tiêu công và đầu tư không hiệu quả.
Các DN nói rằng lúc này là lúc họ rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Sự hỗ trợ đầu tiên là xem xét lại các chính sách thắt chặt, vì hiện tại đa số rơi vào bế tắc.
. Theo VNN |