Hết năm 2007, cả nước có gần 64.000 học sinh THCS và hơn 50.000 học sinh THPT bỏ lớp, trong đó riêng An Giang đã có hơn 17.000 em. Nguyên nhân được Bộ Giáo dục lý giải: do thắt chặt chất lượng đào tạo.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, ở bậc THCS, An Giang dẫn đầu cả nước với hơn 8.800 em. Tiếp đó là Trà Vinh với gần 5.500 em, Kiên Giang hơn 5.000, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Tây Ninh …
Ở bậc THPT, An Giang vẫn giữ "ngôi vị quán quân" với 8.600 em, Đắk Lắk có gần 7.400 em…
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cho biết, năm nay, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều hơn mọi năm. Nguyên nhân một phần là do Bộ thắt chặt chất lượng giáo dục, ngoài ra, còn do lũ lụt, rét mướt và hoàn cảnh khó khăn của học sinh.
Ông Hiển cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về các địa phương. Bộ đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các em, trong đó có việc hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường phụ đạo trong hè cho những em học kém…
Theo ông Hiển, để nâng cao chất lượng, một số địa phương đang đề nghị Bộ cho phép xê dịch thời gian học phù hợp. Theo đó, có địa phương có thể xây dựng chương trình tiểu học lên tới 6 năm, nhằm phù hợp trình độ học sinh.
"Quan điểm của Bộ là tiến tới chất lượng giáo dục thực chất. Huy động học sinh tới lớp đông, đảm bảo phổ cập giáo dục nhưng không phải huy động học sinh ra lớp mà làm giảm chất lượng dạy và học", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT xác định, một vài năm tới sẽ vẫn có hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp nhưng đến năm 2010, sẽ không còn tình trạng này.
Vừa qua tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng học sinh ồ ạt bỏ học. Một trong những lý do chính là việc các em chán nản do bị xếp học lực yếu. Ví dụ, giữa học kỳ 2 năm 2007, huyện Di Linh (Lâm Đồng) có 300 em nghỉ học vì nhiều lý do, trong đó đáng quan tâm nhất là lý do "học không nổi".
. Theo VnExpress |