|
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Tân Nhà Rộng phát biểu tại hội nghị sáng 6.3. |
Ngày 6.3, các sàn địa ốc đồng loạt vắng khách, ít giao dịch thành công. Theo các chuyên gia, giới đầu tư và người mua nhà gặp khó khăn về vốn, lại vướng mức lãi suất mới, nên đều lui về thế thủ và chờ đợi.
Khảo sát của VnExpress, gần nửa tháng nay, các sàn địa ốc như ACB, Ruby Land và hàng loạt văn phòng môi giới nhà đất tại quận 2, 7, Tân Bình... đều rất ít, thậm chí không có giao dịch thành công. Không khí trầm lắng này hoàn toàn trái ngược với thời điểm nóng sốt trước Tết Nguyên Đán.
Nhân viên môi giới tại một sàn địa ốc lớn giải thích, do giá vàng biến động liên tục, mức lãi suất của các ngân hàng đều được điều chỉnh tăng thêm, khách hàng nào cũng ngần ngại và tính toán chi ly khi quyết định mua nhà.
"Thị trường dường như chìm vào giấc ngủ mệt mỏi", nhân viên này ví von.
Sáng 6/3, tại hội thảo thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán - cơ hội và thách thức, do tạp chí Bất động sản nhà đất Việt Nam tổ chức, nhiều tham luận về thực trạng và giải pháp cứu thị trường nhà đất và chứng khoán đã làm nóng bầu không khí hội trường.
Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TP HCM nhận định, bất động sản trong thời gian qua đã bị giới đầu cơ làm giá quá nhiều. Vì vậy, khi Chính phủ siết tín dụng, nguy cơ bị đóng băng rất khó tránh khỏi .
Ông Hiển chỉ ra thực trạng khá phổ biến tại Hà Nội và TP HCM là ngày càng có nhiều người đầu tư thiếu an toàn làm căng thẳng nguồn vốn tín dụng. Ông lấy ví dụ, một người mang bảng thu nhập của mình chứng minh khả năng tài chính cho 2-3 ngân hàng để vay 70% vốn, rồi mua 2-3 căn nhà là hết sức nguy hiểm.
Chính vì thế, ông Hiển tán thành việc Chính phủ siết vốn tín dụng để đảm bảo người vay đưa ra phương án đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, ông còn kêu gọi doanh nghiệp bất động sản huy động vốn cổ phần để đáp ứng nhu cầu đầu tư chứ không nên lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của nhà băng.
Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa kế toán tài chính ngân hàng trường Đại học Mở TP HCM cho rằng, thị trường nhà đất Việt Nam chứa đựng quá nhiều bất ổn.
Chuyên gia này tin rằng, sau những tác động của Chính phủ cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, địa ốc có dấu hiệu xì hơi nhưng sẽ tự cân bằng trong 6 tháng nữa.
Ông Thuận hiến kế, các doanh nghiệp bất động sản có thể phát hành trái phiếu kèm quyền mua bất động sản để khắc phục khó khăn trong thời điểm này. Theo đó, doanh nghiệp cần tính đến mức lãi suất và thời hạn của trái phiếu để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Song, ông Thuận cũng khẳng định thêm, dù có sử dụng bất cứ giải pháp nào nhưng không được sự hỗ trợ từ thị trường tín dụng thì người mua nhà cũng khó mà kham nổi với mức lãi suất cao như hiện nay.
Trái ngược với quan điểm của chuyên gia kinh tế, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản, Tiến sĩ Đỗ Thị Loan cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ đã tác động tiêu cực đến sự phát tiển của thị trường địa ốc.
Bà phân tích, với động thái siết tín dụng bất động sản, doanh nghiệp trong nước yếu về vốn, không trả nổi mức lãi suất mới quá cao, sẽ bỏ cuộc hoặc chuyển nhượng dự án. Bà nhẩm tính sẽ có hàng nghìn dự án bị đình trệ vì chính sách trên.
"Cách giải quyết đột ngột này đã vô tình tạo thời cơ vàng cho các tập đoàn nước ngoài nhảy vào hưởng lợi. Doanh nghiệp trong nước sẽ chết hàng loạt", bà nói.
Nữ chuyên gia còn kiến nghị, Chính phủ nên rà soát lại mức lãi suất hiện nay, đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư chân chính, lâu dài trong mọi lĩnh vực tiếp tục được vay vốn.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận, khuyết điểm lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là quản lý kém hiệu quả, dẫn đến khó khăn chung là hụt vốn.
Ông Võ khuyến cáo, trước tình hình thị trường bất động sản đang sa sút, doanh nghiệp, nhà đầu tư và thậm chí là người dân cần tự vận động tìm ra giải pháp khai thông nguồn vốn, đầu tư hiệu quả hơn, để tránh một kết cục xấu trước khi quá muộn.
. Theo VnExpress |