"Mua vào cổ phiếu hiện nay là tốt nhất"
10:5', 10/3/ 2008 (GMT+7)

"Giá cổ phiếu trên thị trường đang rẻ là thời điểm nhà đầu tư có thể chọn những mã tốt, mang tính thanh khoản cao để mua vào lâu dài". Đó là ý kiến chung của các lãnh đạo 11 quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam trong hội thảo về thực trạng chứng khoán VN diễn ra ngày 9/3 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

Nhận định chung về thị trường chứng khoán trong thời gian qua, Tổng giám đốc HOSE Trần Đắc Sinh thừa nhận: “Thị trường lên nhanh, xuống nhanh như vừa qua là không tốt, yếu tố bền vững không có, yếu tố tâm lý đám đông đã chi phối nhiều đến hiện tượng này”. 

Tổng giám đốc quỹ đầu tư VFM Trần Thanh Tân cũng nhìn nhận, thị trường chứng khoán rơi tự do trong nhiều ngày qua trở thành vấn đề bức xúc đối với nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý vĩ mô.

Tuy nhiên, ông khẳng định tính bức thiết của thị trường chứng khoán lúc này chính là cơ hội. Vn-Index chỉ còn mức 600 điểm, rõ ràng đã mở ra cơ hội cho nhiều người tham gia hơn. Cổ phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường hiện rất rẻ. Nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội mua vào thông qua việc thiết lập danh mục đầu tư. Những đơn vị phát hành cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ được lựa chọn đầu tư phải đạt 3 yêu cầu: doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, tính thanh khoản cao.

Ông Trần Lê Khánh, Giám đốc quỹ đầu tư Prudential Việt Nam, cho rằng, 40% giao dịch trên thị trường hiện nay là của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đa số họ nghĩ rằng “chơi” chứng khoán chứ không phải là đầu tư chứng khoán. Điều này cho thấy sự không chuyên nghiệp của nhà đầu tư nhỏ khi gia nhập thị trường này, do vậy mới có việc “tháo chạy” của một số nhà đầu tư trong thời gian qua.

Đại diện Grand Capital - ông Lê Minh - khẳng định: “Grand Capital vẫn tin tưởng vào thị trường chứng khoán, vào nền kinh tế Việt Nam, hiện không có vấn đề gì phải lo ngại cả”. Nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán xuất phát từ những vấn đề vĩ mô và vi mô.

Tỷ lệ lạm phát cao, thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu, tính thanh khoản kém, nhà nước thắt chặt tiền tệ, tín dụng… Những yếu tố vĩ mô này, theo ông Minh, không đáng lo ngại. Lý do nhập khẩu tăng 25-30% nhưng chủ yếu là các loại hàng hóa, tài sản để phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế. Khi lạm phát và tốc độ phát triển kinh tế ổn định, cân bằng hơn thì thị trường sẽ dần dần phản ứng tích cực.

Vấn đề là hiện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ, song ông Minh lạc quan rằng việc Vn-Index lao dốc liên tục trong thời gian qua chỉ như một sự “nấc cục”, sẽ vượt qua trong thời gian tới. Ông cũng kiến nghị IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) cần phải thực hiện giãn ra và theo lộ trình, không nên ồ ạt. Ngoài ra, không nên đứng nhìn Vn-Index ở thời điểm 1.000 điểm để so sánh với hiện nay là 600 điểm để rồi bi quan và cho rằng thị trường chứng khoán đang đi xuống. “Mỗi giai đoạn có đặc điểm riêng, có nhiều yếu tố tác động khác nhau nên nhà đầu tư lẫn quản lý nhà nước phải điều chỉnh cho thích hợp”, ông Minh nói.

Tổng giám đốc quỹ đầu tư Prudential Phạm Ngọc Bích thì cho rằng trong chứng khoán, nhà đầu tư dài hạn phải nghĩ đến cho cả từ 3 đến 10 năm sau. Sự khó khăn của chứng khoán Việt Nam hiện nay nhiều nước khác đã trải qua như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Việt Nam cũng cần phải trải qua sự khó khăn này để rút ra bài học kinh nghiệm, để “chững chạc” hơn và làm tốt hơn trong tương lai.

Với mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng sự biến động là chuyện bình thường, không đáng lo ngại.

Ông Thomas Ngo - Giám đốc quỹ đầu tư IndoChina - cho biết, 11 quỹ đầu tư tại Việt Nam sở hữu đến 80% vốn, tuy nhiên không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Đối tượng ảnh hưởng quan trọng đến thị trường chứng khoán lại chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy chỉ chiếm 20% vốn nhưng họ giao dịch chủ yếu mang tính “chủ quan”, không nhìn sâu vấn đề, bán mua ồ ạt, không dựa trên nền tảng của sự hiểu biết thấu đáo về thị trường. Nhà đầu tư nhỏ lẻ mua khi có những thông tin tốt và bán ra khi có tín hiệu xấu, tham gia chứng khoán theo kiểu “một mắt mở, một mắt đóng”.

Do vậy, cần tìm giải pháp để bình ổn thị trường qua những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Biện pháp tốt nhất là cung cấp thêm, đào tạo lại những thông tin về thị trường chứng khoán.

Đối với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, Giám đốc quỹ đầu tư PXP Kevin Snowball nhận định, điều quan trọng là đưa ra giá chứ không phải là lịch trình cổ phần hóa. Ông thắc mắc: “Tại sao chúng tôi mua cổ phiếu đó với giá 70.000 đồng, trong khi giá trị của nó chỉ 14.000 đồng”.

Ông Kevin cũng khẳng định việc cơ quan Nhà nước mua cổ phiếu hiện nay chỉ là cứu cánh, có tác dụng ngắn hạn với thị trường chứ không phải là giải pháp bền vững: “Liệu Tổng công ty kinh doanh đầu tư vốn Nhà nước đã thật sự mua cổ phiếu chưa? Nếu Vn-Index rớt xuống mức 600 điểm thì Nhà nước có bỏ tiền ra mua vào nữa không?”.

Ông cũng tỏ ra lo lắng vấn đề nhiều doanh nghiệp gây dựng thêm vốn nhưng không rõ họ đầu tư vào chứng khoán hay là bất động sản. Do vậy, cần có kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, không nên tăng vốn ào ạt. Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức cho các nhân viên chứng khoán, các nhà đầu tư cũng rất cần thiết, chỉ cho họ biết cần và phải làm gì, nhằm tránh tình trạng hoảng loạn như hiện nay.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giá thép tăng tới 4 lần trong 2 tháng đầu năm  (09/03/2008)
Thi hộ tốt nghiệp THPT sẽ bị truy tố  (09/03/2008)
EVN lại kêu thiếu điện  (09/03/2008)
Việt Nam ký các hợp đồng 2,4 tỷ USD với Đức  (09/03/2008)
Thị trường tiền tệ đón loạt chính sách mới  (09/03/2008)
Hàng loạt cán bộ gần 70 tuổi vẫn không rời “ghế”  (07/03/2008)
Chuyển cụm cảng hàng không thành các tổng công ty  (07/03/2008)
Hà Nội mở rộng, sáp nhập toàn bộ Hà Tây  (07/03/2008)
Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công để giảm lạm phát  (07/03/2008)
1.500 đại biểu quốc tế dự Đại Lễ Phật đản Liên hợp quốc  (07/03/2008)
Sẽ thiếu điện vào giờ cao điểm  (07/03/2008)
Thị trường bất động sản có nguy cơ đóng băng  (07/03/2008)
Đầu quý III.2008 giao dịch chứng khoán trực tuyến  (07/03/2008)
TTCK "hồi sinh": Gần 100% cổ phiếu tăng kịch trần  (06/03/2008)
Trách nhiệm phần nhiều thuộc về các công ty XKLĐ  (06/03/2008)