Trong thời gian gần đây, cung ngoại tệ tăng mạnh so với cầu. Hàng loạt doanh nghiệp có các nguồn thu ngoại tệ lớn cần bán nhưng không có ngân hàng thương mại nào mua. Tỷ giá ngoại tệ trên cả ba thị trường xuống quá thấp. Tình hình này sẽ có những tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung?
|
Ảnh minh họa.
|
USD xuống mức thấp nhất kể từ 2003
Chiều ngày 10.3.2008, giá mua vào đô la Mỹ (USD) của các cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên phố Hà Trung - Hà Nội giảm xuống còn 15.500 đồng/USD, giá bán ra cũng chỉ còn 15.560 đồng/USD. Đây là mức tỷ giá thấp nhất kể từ giữa năm 2003 đến nay và giảm tới 500 đồng/USD trong hơn 3 năm qua.
Cũng trong mấy ngày gần đây, tình trạng người dân kéo đến các NHTM rút tiền gửi USD đến hạn của mình mang đến bán cho các cửa hàng vàng bạc tư nhân ngày càng đông. Trong khi lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam tăng mạnh, cao nhất lên tới 12%/năm, thì lãi suất tiền gửi USD cùng kỳ hạn lại chỉ có 4,0%/năm, nên càng thúc đẩy người dân chuyển đổi USD sang đồng Việt Nam để gửi ngân hàng. Do đó giá mua bán USD trên thị trường tự do càng có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới.
Trên thị trường mua bán ngoại tệ của các NHTM đối với doanh nghiệp và khách hàng, tỷ giá cũng giảm mạnh. Đến ngày 10.3.2008, tỷ giá mua vào USD của các NHTM thông qua thoả thuận ở mức khoảng 15.910 đồng/USD và bán ra cũng ở mức 15.910 đồng/USD. Nếu không có khống chế biên độ mua bán +/-0,75% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì mức tỷ giá nói trên còn xuống thấp hơn.
Tuy nhiên, với mức tỷ giá đó nhưng các doanh nghiệp hầu như không bán được cho NHTM, bởi vì NHNN hạn chế mua vào. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục xuống thấp, NHTM có thể bị lỗ nếu mua USD vào mà không ngay lập tức bán cho NHNN được. Việc họ hạn chế mua ngoại tệ của khách hàng cũng là điều dễ hiểu.
Một số NHTM có các quầy thu đổi ngoại tệ ở các sân bay quốc tế thì đổi hạn chế cho du khách nước ngoài. Hoặc là khi có doanh nghiệp nhập khẩu nào cần mua USD để thanh toán thì NHTM mới mua USD vào rồi bán ngay, nhưng đó phải là khách hàng truyền thống, thường xuyên có bộ chứng từ chiết khấu và thanh toán quốc tế qua NHTM đó thì mới được mua.
Bởi vậy, không ít doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu USD đang “khóc dở, mếu dở” vì không có nguồn tiền đồng Việt Nam để chi trả lương cho công nhân, thanh toán cho đối tác. Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hay mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải tình trạng tương tự, vốn USD chuyển vào nhưng không chuyển đổi được sang đồng Việt Nam cho nhu cầu đầu tư.
Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố ngày 10.3.2008 cũng chỉ còn 16.025 đồng/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước đó và giảm tới 83 đồng so với phiên giao dịch đầu năm 2008, cụ thể là ngày 4.1.2008 khi tỷ giá còn ở mức 16.108 VND/USD. Song đó là tỷ giá do NHNN công bố, còn hầu như NHNN không mua vào vì thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế cung ứng tiền ra lưu thông qua kênh mua bán ngoại tệ. Nguyên nhân là theo kế hoạch, năm 2008 tổng phương tiện thanh toán được Chính phủ phê duyệt chỉ tăng có 30%, thấp hơn mức 36,9% đã thực hiện trong năm 2007.
Trong khi đó mức tăng cung ứng tiền trên cơ sở mức tăng tổng phương tiện thanh toán thực hiện qua nhiều kênh, mà kênh mua ngoại tệ là quan trọng. Việc mua ngoại tệ của NHNN còn tuỳ thuộc vào quy mô quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia và còn phải được phân bổ đều cho các khoảng thời gian trong năm. Một nguyên nhân quan trọng khác là để kiềm chế lạm phát, thì nhiều khuyến nghị đã được đưa ra là NHNN không nên neo giữ tỷ giá quá lâu.
Dự báo: Còn giảm mạnh hơn nữa
Chính phủ (trong 19 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát) cũng chỉ đạo NHNN phải thực hiện cơ chế tỷ giá theo nguyên tắc thị trường. Tức là tỷ giá phải phản ánh sát cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế. Theo hướng đó tỷ giá USD/VND giảm, sẽ làm giảm chi phí hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu khi tính ra đồng Việt Nam. Đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà USD đang suy yếu, mất giá mạnh với hầu hết các loại ngoại tệ chủ đạo.
Cũng theo hướng nói trên, kể từ ngày 10.3.2008, theo quy định của NHNN biên độ mua bán ngoại tệ của NHTM đối với khách hàng được nới rộng từ mức +/-0,75%, tăng lên +/-1,0%. Như vậy từ sau ngày 10.3.2008, tỷ giá mua bán ngoại tệ của NHTM còn giảm mạnh hơn nữa, dự báo sẽ chỉ còn khoảng 15.870 đồng/USD sau vài ngày áp dụng biên độ mới, giảm 40 đồng/USD so với ngày 7.3.2008, thậm chí còn giảm thấp hơn.
Trên thị trường tự do, giá mua bán USD cũng sẽ tiếp tục giảm mạnh. Nhiều dự báo cho rằng tỷ giá sẽ xuống tới mức thấp hơn 15.500 đồng/USD trong những ngày tới.
DN xuất khẩu gặp khó
Tỷ giá VND/USD giảm mạnh, nhưng tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với các loại ngoại tệ khác thì lại tăng cao. Các doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ bằng USD thì bị thiệt lớn. Song các doanh nghiệp có nguồn thu bằng euro, bảng Anh, yên Nhật, đô là Úc… thì được lợi. Ngược lại các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ thanh toán bằng USD được lợi, còn thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác thì bị ảnh hưởng.
Tuy vậy hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam gần 90% thanh toán bằng USD, nhập siêu nền kinh tế lớn, vay nợ nước ngoài bằng USD cũng cao, nên lợi nhiều hơn. Đồng thời tác động của việc giảm tỷ giá VND/USD tới kiềm chế lạm phát là đang diễn biến tích cực.
Do đó hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, Australia,… cố gắng đàm phán thanh toán không phải là USD, ngược lại các doanh nghiệp nhập khẩu thì lựa chọn USD.
Mặc dù vậy nhìn chung các doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ đều gặp khó khăn trong tình hình hiện nay khi mà rất khó khăn trong việc bán ngoại tệ. Tình hình này kéo dài, tỷ giá tiếp tục giảm thấp,… thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu, đến đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là đối với sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Tăng trưởng của nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài, nên rõ ràng diễn biến tỷ giá nói trên sẽ tác động kiềm chế lạm phát nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Như vậy một lần nữa tăng trưởng kinh tế không được ưu tiên mà nhường vị trí cho kiềm chế lạm phát từ chính sách tỷ giá trong điều hành chính sách tiền tệ.
Một lo ngại khác đó là, mục tiêu trên đất nước Việt Nam chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam không biết bao giờ mới thực hiện được. Tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế sẽ bị kéo dài.
Giải pháp cho tình trạng nói trên là cần tham khảo tích cực kinh nghiệm các nước trong khu vực, cần linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ kiên trì theo hướng ưu tiên cho tăng trưởng và kiềm chế lạm phát phải được kết hợp đồng thời với chính sách tài khoá, quản lý đầu tư, thúc đẩy sản xuất phát triển,… Ngoại tệ mua được cần sử dụng có hiệu quả cho các nhu cầu đầu tư, trả nợ của Chính phủ.
. Theo VNN
Thiệt đơn thiệt kép vì USD, DN thủy sản kêu cứu
Nhiều DN chế biến, xuất khẩu thuỷ sản đang "khóc ròng" khi đồng USD bị mất giá trên thị trường, đồng Việt Nam (VND) lại thiếu hụt nghiêm trọng. Trước tình cảnh này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kêu cứu lên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
|
DN và người nuôi cá tra, basa đang lao đao do sự khan hiếm tiền đồng, VND lên giá so với USD.
|
Bất lực
Tại Tiền Giang, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền (Sotico), bà Nguyễn Thị Ánh, đứng ngồi không yên khi tỷ giá USD/VND liên tục giảm trong khi giá xuất khẩu cá tra không tăng. Thông thường, DN vẫn ký hợp đồng giao dịch với đối tác nước ngoài bằng đồng USD, nên VND lên giá đồng nghĩa với việc Sông Tiền mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể.
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng, nhiều ngân hàng còn hạn chế cho đổi USD ra VND, thậm chí không cho vay tiền mặt. Giá USD tụt giảm dài dài trong khi chi phí đầu vào tăng phi mã (xăng dầu, thức ăn chăn nuôi...) khiến chi phí sản xuất tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Những tác động mạnh liên tiếp này đã đẩy DN sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu khó khó trăm bề.
Mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Ta, lo lắng nói, hầu hết DN xuất khẩu phải chạy "toát mồ hôi" mới bán được USD, nhưng ngân hàng cho biết chỉ mua với giá 15.700 đồng/USD (con số này dự báo còn xuống nữa). Như vậy, chỉ với một đơn hàng nhỏ doanh số 200.000 USD, được ký hợp đồng vào thời điểm giá USD còn ở mức 16.000 đồng, DN "mất trắng" hơn 60 triệu đồng, ăn luôn vào cả phần lãi.
Trao đổi với PV VietNamNet, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) Trương Thị Lệ Khanh cho biết, may mắn là Vĩnh Hoàn có nhiều ngân hàng là khách hàng "ruột", mặc dù đồng USD trượt giá nhưng vẫn hỗ trợ mua USD cho DN. Song, bà cũng không biết công ty còn cầm cự được bao lâu và DN đang trông chờ hoàn toàn vào chính sách điều hành tiền tệ của Nhà nước thời gian tới.
Tuy nhiên, bà Khanh cho rằng, DN xuất khẩu thiệt một thì người nuôi cá tra thiệt mười. Giá cá tra đã giảm đáng kể, một phần do DN không còn tiền mua nguyên liệu; mặt khác, người nuôi cũng không vay được tiền ngân hàng để mua thức ăn cho cá, "hụt hơi", thiếu vốn không nuôi nổi đành phải bán tháo đi mà cũng khó tìm được người mua. Hiện giá cá tra tại Đồng Tháp dao động trong khoảng 13.800-14.300 đồng/kg. Mức giảm chung của giá cá tra tại ĐBSCL cuối tuần qua khoảng 500 đồng/kg so với tuần trước.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận xét, giá cá giảm vừa qua là hệ quả của việc USD sụt giá so với tiền đồng. Trong khi đó, các ngân hàng cũng “siết” lại vốn vay khiến DN thiếu tiền mặt mua cá và nông dân cũng không có “sức” trữ cá.
Tránh để đổ vỡ nghiêm trọng
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, đánh giá, sự khan hiếm trầm trọng tiền mặt VND và sự mất giá của nó trong mối quan hệ với USD và hàng hoá chính là nguyên nhân đẩy các DN vào tình trạng thiệt đơn, thiệt kép.
Điều này dẫn đến tình trạng: các DN bế tắc khi có lượng USD trong tài khoản do xuất khẩu đem lại mà không đổi sang được VND để trả tiền đã mua nguyên liệu trước kia và mua nguyên liệu mới. Hơn nữa, sức mua của VND lại giảm ít nhất 20% do mặt bằng giá cả trong nước tăng. Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác, như chứng khoán, lại không đáng kể do ảnh hưởng chung từ sự sụt giảm của TTCK thời gian qua.
Ngoài ra, việc duy trì chính sách đồng Việt Nam mạnh đã cản trở xuất khẩu, đặc biệt "tệ hại" với các DN xuất khẩu nông, thuỷ sản khi gần như 100% mua nguyên liệu là trong nước, chứ không như dệt may, da giày 80% nguyên liệu là nhập khẩu.
Chưa kể, việc hạn chế cho vay tín dụng (tuy không có văn bản nào chính thức) cũng tác động trực tiếp đến người sản xuất, kinh doanh. Trong ngành thuỷ sản, đối tượng chịu thiệt đầu tiên chính là nông dân, bán thì lỗ, để lại thì không có gì mua thức ăn cho cá ăn. Ông Dũng lo ngại, trong tương lai, họ còn không tiếp tục đầu tư nuôi cá. Thiếu hụt nguyên liệu sẽ đe dọa nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm nay.
Trong văn bản hôm 4.3 gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, VASEP đã đề nghị Bộ trưởng xem xét, kiến nghị với Chính phủ khẩn trương điều chỉnh các giải pháp kinh tế vĩ mô theo hướng không gây thêm khó khăn cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giảm bớt thiệt hại cho nông ngư dân và DN, không đẩy DN và nông ngư dân đến chỗ phá sản, kéo theo những thiệt hại và đổ vỡ nghiêm trọng..., nhất là những người mới đổ tiền vào nuôi cá.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và có biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua toàn bộ ngoại tệ mà các DN thu được từ xuất khẩu theo tỷ giá Nhà nước công bố, không thu phí.
Trước mắt, VASEP khuyến khích các DN thành viên sử dụng sang ngoại tệ khác như EUR, đồng bảng Anh, yên Nhật, đô la Australia... nhưng khó khăn hiện nay là các ngân hàng cũng không mặn mà lắm với việc sử dụng các loại ngoại tệ này. Việc đa dạng hoá thị trường cũng nên được DN coi trọng để thu về các loại ngoại tệ khác ngoài USD, mặc dù tính thanh khoản cũng không phải là cao.
Ông Trần Thiện Hải dự đoán, những ngày tới, giá mua thủy sản sẽ còn bất ổn bởi ảnh hưởng của tỷ giá. Ngoài cá tra, giá tôm sú có nhiều khả năng sẽ giảm do nguyên nhân trên, đồng thời, cũng vì ĐBSCL chuẩn bị vào vụ thu hoạch rộ. Theo ông Hải, 1kg cá xuất đi chỉ thu về khoảng 1USD, trong khi với tôm sẽ thu được đến 10USD. Một khi DN xuất khẩu tôm bị thiệt vì tỷ giá thì nông dân nuôi tôm sẽ là người gánh chịu hậu quả lớn nhất vì giá mua tôm của DN chắc chắn giảm mạnh.
. Theo VNN | |