|
Trên khắp các tuyến, giá cước vận tải hầu hết đã tăng lên từ 10-15%. |
Đúng như dự báo, chỉ sau hai tuần tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải đã “bắt tay” ngay vào đợt điều chỉnh giá cước mới.
Trên khắp các tuyến, giá cước vận tải hầu hết đã tăng lên từ 10-15%.
Tại bến xe phía Nam Hà Nội, kể từ ngày 15.3 giá vé tuyến Hà Nội - Nam Định sẽ tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/vé; Hà Nội - Thanh Hóa tăng từ 45.000 lên 55.000 đồng/vé; Hà Nội - Đà Nẵng tăng từ 260.000 đồng lên 300.000 đồng; Hà Nội - Tp.HCM tăng từ 480.000 đồng lên 600.000 đồng, với xe chất lượng cao là từ 680.000 đ lên 730.000 đồng/vé...
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe phía Nam, lý giải: “Nguyên nhân tăng giá vé được các doanh nghiệp đưa ra là để bù vào tiền xăng dầu tăng giá. Hiện việc tăng giá do các doanh nghiệp tự quyết rồi báo với các cơ quan quản lí nên việc tăng giá như vậy là khó tránh khỏi”.
Taxi cũng điều chỉnh tăng cước
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải đường dài, mà hàng loạt các hãng taxi trong những ngày vừa qua cũng đã điều chỉnh giá cước. Hãng Taxi Mai Linh cho biết, tất cả các phương tiện vận chuyển của hãng đồng loạt điều chỉnh công-tơ-mét để áp dụng mức cước mới. Đối với xe 4 chỗ ngồi sẽ có 3 mức cước gồm 15.000 đồng cho 1,6km đầu tiên (mức cũ là 15.000 đồng cho 1,7km đầu). Mức cước này cũng được áp dụng đối với dòng xe 7 chỗ ngồi.
Đối với chặng đường từ 1,61 km đến 20km tiếp theo sẽ có giá 9.500 đồng, mức cũ là 8.800 đồng, từ trên 20km, mức cước mới áp dụng là 6.500 đồng thay cho mức cũ 6.000 đồng. Riêng dòng xe 7 chỗ ngồi, đoạn đường từ 20km trở lên sẽ có giá 7.000 đồng thay cho mức 6.000 đồng cũ.
Taxi Tân Hoàng Minh điều chỉnh giá cước với mức tăng 300 đồng cho mỗi km. Theo đó, đối với dòng xe 4 chỗ ngồi sẽ có giá mới là 7.800 đồng áp dụng cho 20km đầu tiên (mức cước cũ là 7.500 đồng). Đối với dòng xe 7 chỗ ngồi, áp dụng cước mới là 8.100 đồng cho 20 km đầu tiên thay mức 7.800 đồng cũ.
Hãng Taxi Hà Nội tạm thời áp dụng giá cước cũ bởi hồi tháng 12.2007, đơn vị này đã có một lần điều chỉnh. Trong đó, 1,6km đầu tiên giá 15.000 đồng, 30km sau áp dụng chung cho cả dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ là 9.200 đồng cho mỗi km. Từ km thứ 31 trở đi sẽ có giá 6.500 đồng đối với dòng xe 4 chỗ và 6.900 đồng với xe 7 chỗ.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi, ông Đỗ Quốc Bình cho hay, Hiệp hội không can thiệp vào việc điều chỉnh cước taxi sau khi tăng giá xăng dầu của các hãng, vì đây là vấn đề lỗ lãi, sinh tồn của từng doanh nghiệp. “Tuy nhiên, các hãng cần tính toán mức cước hợp lý để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng”, ông nói.
Nhiều tuyến tăng cao quá mức
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại đang có nhiều tuyến tăng giá cao lên tới 20%, thậm chí 30 đến 40%, gây “sốc” mạnh cho hành khách. Mức tăng kỉ lục rơi vào các tuyến huyện chạy về Hà Nội.
Ông Phạm Bá Cường - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô phía Bắc cho biết, Hiệp hội vừa tiến hành khảo sát tại nhiều tỉnh thành và nhận được nhiều kiến nghị về việc giá vé tăng quá cao lên 30%-40% trên các tuyến trung tâm huyện lị xuất phát từ bến xe đi Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ông Cường cho rằng mức tăng như thế là quá cao, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc tăng giá vé cũng như chất lượng phục vụ hành khách, an toàn giao thông, tránh tình trạng chi phí nhiên liệu tăng cao nảy sinh tiêu cực trong hoạt động vận tải khách bằng ô tô.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng đồng tình: “Các doanh nghiệp vận tải tăng thêm 15% là phù hợp với mức tăng xăng dầu. Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không nên tăng giá quá 15%. Vì tăng cao như vậy dễ gây bất bình cho hành khách, làm giảm yếu tố cạnh tranh trên thị trường vận tải” .
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Việt Nam, nói: “Các doanh nghiệp vận tải, như các hãng taxi tăng thêm 10% giá cước cũng là điều hợp lí thôi. Tuy nhiên, nếu tăng cao hơn, chắc chắn lượng khách hàng sẽ bị giảm, nên hãy cân nhắc kĩ và nên có những điều chỉnh khác cho hợp lí chứ không nên chỉ phụ thuộc vào chi phí nhiên liệu”.
Cục trưởng Cục Đường bộ đã từng khẳng định rằng sẽ không có việc tăng giá cước đồng loạt và ồ ạt. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giá cước vận tải lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, vì vậy trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, quản lý tránh việc nhiều doanh nghiệp vận tải lợi dụng việc này trục lợi, gây thiệt thòi cho hành khách.
. Theo VnEconomy |