Năm 2012 có thể thực hiện BHYT toàn dân ?
15:41', 12/3/ 2008 (GMT+7)

Ban soạn thảo “Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế” vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo hiểm y tế trong kỳ họp tháng 4 sắp tới. Đây là lần đầu tiên Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế được trình.

Trước đó, Ban soạn thảo cũng đã có cuộc họp, lấy ý kiến đóng góp một số vấn  đề như mức phí tăng quá cao, lộ trình thực hiện và vấn đề cùng chi trả... Và theo lộ trình ấy, liệu đến năm 2012 có thể thực hiện được BHYT toàn dân?

Dự thảo Luật BHYT vẫn quy định 2 đối tượng tham gia BHYT là bắt buộc và tự nguyện. Trong số đối tượng đóng BHYT bắt buộc, trừ công nhân viên chức, doanh nghiệp thì có đến 46% đối tượng được ngân sách hỗ trợ. Theo Dự thảo luật, cũng có đến 11 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoàn toàn, nhóm công chức và doanh nghiệp thì Nhà nước đóng 2/3. Còn lại nhóm cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%. Cũng theo thống kê sơ bộ, 70% nông dân sẽ tương đương với khoảng 56 triệu người, trong đó có khoảng 15 triệu là người nghèo, khoảng 15 triệu người cận nghèo, gần 10 triệu đối tượng trẻ em và các đối tượng chính sách... đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ, cho nên phần còn lại không nhiều. Thế nhưng, nếu mức phí đóng quá lớn, dự luật cũng đã tính toán tiếp đến việc hỗ trợ... Theo đó ngân sách nhà nước sẽ phải chi tương đối lớn nên không thể thực hiện BHYT bắt buộc ngay. Đây là lý do để Ban soạn thảo sau khi  cân nhắc đã thấy rằng, mục tiêu là vẫn phải thực hiện BHYT toàn dân nhưng sẽ có lộ trình.

Theo dự kiến của Ban soạn thảo, đối tượng học sinh, sinh viên đến năm 2010 sẽ phải  mua BHYT bắt buộc; đối tượng thân nhân người lao động sẽ thực hiện vào năm 2011, còn các đối tượng khác từ năm 2012 trở đi. Tuy nhiên, khi đưa ra vấn đề này, nhiều đại biểu còn băn khoăn là liệu thời gian như thế có quá ngắn và có khả thi hay không? Giải đáp vấn đề trên, đã có ý kiến cho rằng, theo kinh nghiệm, nếu muốn thực hiện được mục tiêu thì phải bắt buộc. Chúng ta cũng đã đề ra khoảng thời gian là 3 năm trở đi để các đơn vị, các cơ quan tổ chức thực hiện  BHYT có thời gian tuyên truyền, vận động và trong thời gian đó, người tham gia BHYT cũng hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, khi đó họ sẽ đồng tình, tự nguyện tham gia...

Ngoài các ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, mức phí BHYT tối đa bằng 6% tiền lương (hiện nay là 3%),  tiền lương tối thiểu là quá cao. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã tính đến phương án như lương sẽ thay đổi, chính sách viện phí và một số yếu tố liên quan như các nhóm đối tượng mà ngân sách đóng. Nhưng một yếu tố quan trọng hơn đó là thực tế chi quỹ BHYT thời gian qua quá lớn, trong khi đó số người tham gia lại quá ít khiến thu chi không cân bằng, gây vỡ quỹ. Đồng thời, khi tính toán, Bộ Y tế đã đưa ra mức đóng tối đa của người tham gia BHYT phải là 6% thì quỹ mới được cân đối, kể cả phần gia tăng khi thay đổi viện phí, phần gia tăng khi ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh hay mở rộng thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh... Tuy nhiên, dự luật không quy định ngay mức đóng 6%, mà có đối tượng 5% hoặc 4%... Trên cơ sở mức đóng tối đa, Chính phủ sẽ xem xét và đưa ra mức đóng từng thời điểm cho phù hợp. Cũng như hiện nay có sự chênh lệch giữa mức phí BHYT bắt buộc và tự nguyện, phần quỹ âm chủ yếu là nhóm BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội, hưu trí và tự nguyện nhân dân, nhưng nếu tách bạch 3 nhóm này thì sẽ mất đi yếu tố chia sẻ cộng đồng xã hội như mục tiêu nhân văn của BHYT.

Để thực hiện được BHYT toàn dân, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng với vai trò tổ chức, quản lý, điều hành, thực hiện. Nhưng quan trọng nhất là sự hỗ trợ của ngân sách cho những người tham gia BHYT. Theo các chuyên gia về BHYT, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng nhiều cách để người dân tham gia hệ thống thấy được lợi ích khi họ được tham gia BHYT thì sẽ có nhiều người tự giác tham gia BHYT hơn.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng giá vé tàu hỏa từ ngày 15.3  (12/03/2008)
SCIC được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán  (12/03/2008)
Thành lập Ban Giám sát thị trường chứng khoán  (12/03/2008)
Kiềm chế lạm phát: Nâng giá đồng Việt Nam  (12/03/2008)
VN sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ  (12/03/2008)
Sẽ có công ty đền bù giải tỏa  (11/03/2008)
Ngày 28.5 thi tốt nghiệp THPT  (11/03/2008)
Đồng loạt tăng cước vận tải  (11/03/2008)
DN xuất khẩu kêu cứu do USD mất giá  (11/03/2008)
Pacific Airlines miễn vé máy bay cho trẻ dưới 2 tuổi  (11/03/2008)
IMF: “Việt Nam phải thắt chặt tiền tệ trong giai đoạn dài”  (11/03/2008)
Chính phủ chỉ đạo làm rõ việc người VN chết tại Malaysia  (11/03/2008)
Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế thế giới  (11/03/2008)
Kéo giá đất ở... "trên trời" xuống  (10/03/2008)
Hơn 110.000 HS bỏ học, địa phương đề xuất phạt tiền  (10/03/2008)