|
Thủy điện Hòa Bình (ảnh minh họa) |
Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) dự báo, sản lượng điện tiêu thụ tháng 3.2008 sẽ đạt khoảng 6,6 tỷ KWh, hệ thống điện có tình trạng thiếu công suất trong giờ cao điểm.
Theo EVN, trong tháng 2.2008 vừa qua, có ngày sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống lên đến 206,1 triệu KWh (ngày 26.2), tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2007, công suất cao nhất ghi nhận được đạt 10.571 MW( ngày 18.2), tăng 15,3% so với năm 2007. Sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày toàn hệ thống là 180,4 triệu KWh, tăng 15,64%, trong đó sản lượng miền Bắc tăng 22,8%, miền Trung tăng 11,1% và miền Nam tăng 13,4% so với năm trước.
Nhu cầu điện tăng cao trong khi nước về các hồ thuỷ điện thấp hiện chỉ trên 200m3/giây, thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải thực hiện hai đợt xả nước để phục vụ sản xuất vụ Đông xuân càng làm cho mực nước tại các hồ thuỷ điện xuống thấp. Một số nguồn điện mới vào như Nhà máy nhiệt điện Cà Mau I, nhiệt điện Uông Bí mở rộng, thủy điện Tuyên Quang, Ðại Ninh còn đang trong giai đoạn chạy thử, vận hành chưa ổn định, sản lượng điện phát ra chưa đạt mức dự kiến, vì vậy sẽ dẫn đến thiếu điện vào các giờ cao điểm.
EVN cho biết sẽ cố gắng bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng phải thực hiện cắt phụ tải một số lần để giữ cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn và ổn định.
Trước tình hình khó khăn EVN đã chuẩn bị nhiều giải pháp ứng phó như điều chỉnh lịch sửa chữa các nguồn điện để huy động cao trong thời gian này; rút ngắn tiến độ sửa chữa các tổ máy đã bố trí lịch (kể cả các nhà máy ngoài ngành); lập kế hoạch khai thác hồ chứa nước hợp lý để bảo đảm mức nước các hồ thủy điện; điều hành hợp lý xả nước đợt 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2008.
Ngoài ra, EVN còn huy động thêm các nguồn điện khác kể cả huy động các máy phát diesel của khách hàng; tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc qua đường dây 500 KV; mua điện từ Trung Quốc ở mức tối đa; phối hợp chặt chẽ với BP để thử nghiệm nâng công suất đường ống khí Nam Côn Sơn; yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao...
Theo EVN, một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện trong thời điểm khó khăn này vẫn là tiết kiệm điện. Mọi đối tượng khách hàng cần sử dụng các thiết bị điện một cách tiết kiệm nhất, an toàn và hiệu quả cao, giảm công suất giờ cao điểm của hệ thống.
Nhưng theo tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thì từ đầu tháng 3.2008 đến nay chưa thiếu điện. Hơn 10 ngày qua nhu cầu điện mỗi ngày ở mức 10.500 MW-11.000 MW, trong khi công suất khả dụng của toàn hệ thống trên 11.300 MW. Thời tiết vẫn còn mát nên nhu cầu sử dụng điện không cao và chưa phải tiết giảm phụ tải. Tháng 3 nhu cầu về điện sẽ thấp hơn dự kiến 6,6 tỷ KWh.
Mặc dù vậy, từ đầu tháng 3 đến nay vẫn có những ngày bị cắt điện vào giờ cao điểm. Gần đây nhất, ngày 10.3 đã phải tiết giảm phụ tải. Lý do là Nhiệt điện Cà Mau I (750 MW) đang trong quá trình chạy thử nghiệm đã ngừng lại, dẫn đến thiếu khoảng 700 MW. Cũng theo A0, trong thời gian này việc giảm phụ tải chỉ xảy ra khi có sự cố trên hệ thống. Hiện các nguồn nhiệt điện đang phải chạy rất căng thẳng nên có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Với dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế là 9% trong năm 2008, tốc độ tăng trưởng phụ tải được dự báo là 15,8%, nhu cầu về điện sẽ ở mức 80 tỷ KWh, trong đó mùa khô (5 tháng đầu năm) là 31,8 tỷ KWh.
Theo A0, trong 5 tháng mùa khô, khả năng phát cao nhất của nhiệt điện, thủy điện và mua điện Trung Quốc, có tổng sản lượng là 31,5 tỷ KWh. Với việc nhiệt điện Cà Mau I đưa vào vận hành từ giữa tháng 2.2008 về cơ bản hệ thống sẽ đáp ứng được nhu cầu điện.
Nhưng như đã nói, hiện các nhà máy mới đưa vào hoạt động là nhiệt điện Cà Mau I, Uông Bí mở rộng, thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Ðại Ninh, đang trong quá trình thử nghiệm nên công suất phát không đạt như dự kiến, chưa kể còn một số yếu tố không lường trước như tốc độ tăng trưởng phụ tải cao hơn dự kiến; sự cố với các tổ máy nhiệt điện (than, khí, dầu FO và DO); lượng nước về các hồ ít... nên nguy cơ thiếu điện trên diện rộng vẫn đang tiềm ẩn.
. Theo VNN
EVN triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm sử dụng điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối đèn compact tiết kiệm điện trải khắp các khu vực thành thị, nông thôn trên cả nước.
Trước mắt, EVN sẽ đồng loạt xây dựng khoảng 1.000 điểm bán compact tiết kiệm điện không vì mục đích lợi nhuận. Tại các điểm này, đèn tiết kiệm điện được bán với giá thấp hơn ít nhất 10% so với giá bán bên ngoài thị trường và được kiểm soát, bảo hành về chất lượng.
Ngày 15.3 tới, EVN sẽ khai trương trang web htttp://www.tietkiemnangluong.com.vn nhằm tuyên truyền về tiết kiệm điện, nâng cao ý thức của cộng đồng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với việc khuyến khích mọi đối tượng khách hàng sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, an toàn và hiệu quả cao đi kèm với những giải pháp đồng bộ khác, EVN hy vọng sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong thời điểm khó khăn năm nay.
EVN cho rằng nếu giảm được 50% hệ thống đèn, thiết bị trang trí trong nhà, ngoài trời, trên các đường phố, các khu vui chơi giải trí, thì sẽ giảm được khoảng 700MW, tức là tiết kiệm được 700 triệu USD vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện.
. Theo TTXVN | |