|
Ông Nguyễn Vinh Hiển |
Bộ sẽ đánh giá lại chương trình, SGK mới và điều chỉnh cho phù hợp. Việc đánh giá giáo viên sẽ được áp dụng theo chuẩn nghề nghiệp của từng cấp học. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết như vậy trong cuộc họp báo sáng 12.3, xung quanh việc tìm biện pháp ưu tiên giải quyết tình trạng HS bỏ học.
Không có biện pháp cấp bách!
- Xin ông cho biết, để giải quyết HS bỏ học, biện pháp nào là cấp bách nhất?
+ Tỷ lệ HS bỏ học trong học kỳ 1 vừa qua chiếm 1,2%, so với những năm học trước, không có gì là đột xuất. Nên, sẽ không có biện pháp cấp bách mà là biện pháp trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại về nội dung chương trình, SGK; sớm phân loại HS để phân công giáo viên dạy cho phù hợp.
Ngoài ra, ngành cũng tập trung phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất cho HS để đảm bảo điều kiện học tập...
Có một thực tế, đội ngũ giáo viên, trình độ đào tạo đã được nâng lên nhưng năng lực dạy học chưa tương xứng.
Tới đây, Bộ sẽ đi sâu hơn về đánh giá giáo viên qua bộ chuẩn nghề nghiệp. Hiện nay, đã ban hành bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, mầm non. Sắp tới, bộ chuẩn giáo viên THCS, THPT và TCCN, đồng thời chuẩn của cán bộ quản lý giáo dục (chuẩn hiệu trưởng) trong các nhà trường sẽ được ban hành.
Căn cứ vào các bộ chuẩn theo từng cấp học, các trường sẽ chủ động đánh giá đội ngũ giáo viên. Mặt khác, chuẩn này không phải chỉ để đánh giá, mà còn thể hiện nội dung để dựa vào đó đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Giáo viên sẽ dựa vào chuẩn để tự đánh giá, biết mình yếu phần nào để phấn đấu vươn lên. Ngoài ra, chuẩn cũng là căn cứ để đào tạo giáo viên đủ về số lượng và cơ cấu.
Đánh giá toàn bộ chương trình và sách giáo khoa
- Nhiều ý kiến cho rằng, HS bỏ học cũng là do chương trình và SGK quá nặng, không thể theo được, ông có nhận xét gì về vấn đề này?
+ Chưa thể nói chương trình, SGK khó hay dễ khi chưa có đánh giá. Đầu tháng 5 tới đây, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo đánh giá chương trình, SGK. 64 Sở GD-ĐT sẽ đánh giá độc lập. Các bước thực hiện sẽ từ tổ giáo viên lên đến trường, đến Sở. Một bộ phận độc lập khác sẽ tham gia đánh giá là Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN.
Các hội này tuy không thể tổ chức "phản biện" độc lập do khó khăn về thời gian cũng như con người, nhưng sẽ cung cấp các ý kiến của các nhà khoa học trong hội. Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tham gia giám sát.
Trước đây, năm 2004-2005, chúng ta đã có đề tài độc lập đánh giá SGK cho đến thời điểm đó. Đến nay, sẽ đánh giá tiếp và kế thừa kết quả trước. Đồng thời, NXB Giáo dục cũng tập hợp ý kiến đánh giá từ các phương tiện thông tin đại chúng về SGK.
Như vậy, đánh giá chương trình và SGK sẽ căn cứ trên nhiều chiều, từ ý kiến của giáo viên, nhà trường, các nhà khoa học và cả dư luận XH.
- Có ý kiến đề xuất, bộ SGK mới đưa từ nước ngoài về chỉ cần thay đổi nội dung của khoa học xã hội nhân văn là chúng ta có thể có chương trình, sách giáo khoa trong thời gian ngắn thay vì phải mất thời gian soạn mới. Quan điểm của ông thế nào?
+ Tôi cho rằng, không thể thực hiện được. Giáo dục còn phụ thuộc vào các điều kiện về kinh tế, xã hội, HS, thời gian dạy học, cơ sở vật chất, giáo viên... Nếu có tiếp thu cũng phải phù hợp, không thể "bê" nguyên si.
Vậy, cụ thể về nội dung đánh giá SGK tới đây như thế nào?
+ Bộ sẽ tiến hành đánh giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Năm học tới lớp 12 mới thay sách nhưng cũng đã có thử nghiệm nên đánh giá luôn. Nội dung tập trung đánh giá về tính phù hợp của SGK với chương trình đã được công bố và các điều kiện dạy học như giáo viên, CSVC,... về thời gian học tập.
Ngoài ra, cũng sẽ đề cập đến cách trình bày trong SGK có đẹp, phù hợp, thẩm mỹ không...
- Thưa ông, còn phương án: có chương trình tốt để nhiều đơn vị tham gia sản xuất SGK phù hợp với từng điều kiện, vùng miền và HS có nhiều sự lựa chọn?
+ Ở nhiều nước, người ta có nhiều SGK cho thầy và trò tự chọn cho phù hợp, nhưng nước mình chưa cho phép làm việc đó. Hiện nay, chúng ta mới xuất bản một bộ SGK. Đó cũng là một cách tiết kiệm.
Tuy nhiên, một bộ SGK không thể phù hợp với tất cả vùng miền. Cho nên, từ năm học này (2007-2008), Bộ đã chỉ đạo các địa phương được phép dạy học linh hoạt. Các trường có thể chủ động linh hoạt bố trí nội dung, thời lượng dạy học xê dịch trong một phạm vi nhất định để phù hợp với đối tượng HS của hoàn cảnh đấy.
- Ngành giáo dục vừa thay sách từ lớp 1 đến lớp 12. Trong quá trình đánh giá, nếu có thay đổi thì có tiếp tục thay sách? Trong khi, một bộ sách giáo khoa phải có tính ổn định chứ?
+ Chuyện tiếp tục thay sách thì chưa nói được, nhưng điều chỉnh cho phù hợp hơn thì chắc là có. Có nhiều cách để điều chỉnh. Việc điều chỉnh SGK thường xuyên cho phù hợp thì không có gì là mới cả, trước đến nay, mình vẫn có điều chỉnh. Còn đây là một lần tổng rà soát lại.
Quan điểm ổn định cũng nên cân nhắc lại, thế nào là 10 hay 15 năm? Với điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật tốc độ khác nhau, thì liệu 10-15 năm đấy có nên đặt ra cứng nhắc không?
- Cảm ơn ông!
. Theo VNN |