Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sau khi đàm phán với các nhà cung cấp quặng sắt, từ ngày 1.4 tới, giá quặng sắt sẽ tăng thêm 65% so với giá của năm 2007.
Như vậy, có khả năng giá quặng sắt sẽ tăng lên 70 USD/tấn, cùng với giá cước vận tải tăng khoảng 40 USD/tấn, giá than mỡ dự báo cũng sẽ tăng trong thời gian tới, điều này sẽ tác động mạnh tới giá phôi thép và xu hướng tăng giá thép là khó tránh.
Với mức tăng của quặng sắt, dự tính giá phôi thép có thể tăng tới trên 800 USD/tấn. Năm 2008, tổng nhu cầu phôi cho sản xuất thép trong nước cần khoảng 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn phôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% (2 triệu tấn phôi), còn lại trên 2 triệu tấn các DN vẫn phải tìm nguồn nhập khẩu.
Theo Trung tâm thông tin thương mại, hiện nay, việc mua phôi thép từ Trung Quốc đang bắt đầu gặp khó khăn, các DN phải tìm mua phôi từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ucraina thậm chí là từ Nam Phi hay Braxin. Tuy nhiên, việc mua phôi từ các nước này cũng không dễ dàng. Cuối năm 2007, các DN thép đã nhập khẩu một lượng phôi dự trữ, số phôi này chỉ đủ cho sản xuất đến hết quý I.2008. Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo sau khi có tin giá quặng sắt tăng từ ngày 1.4, các DN đang đẩy mạnh nhập khẩu phôi, tuy nhiên do nhu cầu về phôi tăng cao nên giá nhập khẩu cũng liên tục có sự thay đổi, gây áp lực cho giá bán trong nước thời gian tới.
Năm 2008, nhu cầu về thép của Việt Nam tăng khoảng 20% so với 2007 do đầu tư nước ngoài tăng mạnh và nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước như Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các công trình giao thông, hạ tầng sử dụng vốn ODA… cần một khối lượng thép lớn.
Thép có thể không thiếu, nhưng nhu cầu tăng cùng với giá đầu vào tăng là lý do khiến nhiều người lo ngại thị trường thép năm 2008 sẽ có những diễn biến khó lường.
Tuy vậy, ngày 4.2.2008, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ (số 09/BC-BCT) về kết quả kiểm tra việc tăng giá thép. Tuy nhiên, qua kiểm tra đã phát hiện một số các cơ sở kinh doanh thép tại địa phương đã không thực hiện niêm yết giá và đã lập biên bản xử lý theo quy định.
Theo tính toán, nếu giá phôi thép nhập khẩu khoảng 760 USD/tấn (hiện giá nhập là 730-735 USD/tấn), giá bán lẻ thép xây dựng phi 6 và 8 trên thị trường ở mức 16.000-17.000 đ/kg là bất hợp lý. Tình hình này cần các cơ quan quản lý giá và thuế tại các địa phương tăng cường công tác kiểm tra và thu hồi chênh lệch giá nhằm chống việc tăng giá thép bất hợp lý.
. Theo HNM |