Đồng USD giảm giá:
Giải bài toán tăng trưởng - lạm phát - nhập siêu
11:33', 14/3/ 2008 (GMT+7)

Vận chuyển gạo xuất khẩu tại cảng Hải Phòng.

Thời gian qua, do đồng USD yếu đã dẫn đến một tình trạng ngày càng đáng lo ngại là doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều ngành bị thiệt hại trong xuất khẩu. Đồng thời, hiện tượng nhập siêu không những chưa được hạn chế mà còn gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình này, chiều ngày 13.3 Bộ Công thương đã họp với các hiệp hội ngành hàng nhằm đánh giá tình hình, tìm biện pháp khắc phục.

Thiệt đơn thiệt kép

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 13 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ, trong đó 2 tháng đầu năm tăng tới 29%. Điều đó cho thấy, mức và kết quả xuất khẩu có xu hướng giảm. Đáng ngại hơn là, kim ngạch nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng cao, khiến mức nhập siêu lên tới 7,5 tỷ USD và lập một kỷ lục so với cùng kỳ của các năm trước. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu-với tầm quan trọng là đầu ra góp phần lành mạnh cán cân ngoại thương đang gặp khó, cần có sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, cũng như nỗ lực ứng phó của từng DN.

Nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên là do USD mất giá so với tiền đồng Việt Nam, trực tiếp làm cho DN xuất khẩu bị thiệt hại do giảm lợi nhuận hoặc rơi vào tình trạng thua lỗ. Chưa kể giá  nguyên-vật  liệu thu mua trong nước để làm hàng xuất khẩu cũng đang tăng cao và gần như đã hình thành một mặt bằng giá mới khiến đầu vào tăng cao. DN thật sự bị “thiệt đơn thiệt kép”.

Đại diện Hiệp hội Da giày cho biết, những khó khăn nội tại cùng với vấn đề tỷ giá USD thấp đã khiến một số DN phải chấp nhận chậm tiến độ sản xuất, nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ bị phạt về hợp đồng kinh tế đã ký kết và những tổn thất liên quan, chưa nói đến khả năng có thể gây mất uy tín với bạn hàng.

Hầu như các ngành hàng đều đã xác nhận thiệt hại. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may cho biết, USD càng mất giá các DN càng thiệt hại và nếu mất giá hơn 2% coi như DN gia công phục vụ xuất khẩu không có lãi. Theo Hiệp hội cơ khí, hàng xuất khẩu hiện khá đa dạng và còn nhiều tiềm năng nhưng do phụ thuộc vào các loại thép chuyên  dụng nhập khẩu mà  giá  thép   nhập  lên  cao nên hiệu quả kinh tế bị hạn chế…

Các mục tiêu ưu tiên

Tình hình trên cho thấy, nền kinh tế và DN đang rơi vào vòng xoáy rất khó đối phó. Thậm chí, một số chuyên gia đã cảnh báo về khả năng khó hoàn thành kế hoạch xuất khẩu của năm nay. Đương nhiên, xuất khẩu giảm sẽ kéo theo sự giảm sút về chất lượng tăng trưởng, nhân công thiếu việc làm, DN xuất khẩu bị mất uy tín hoặc mất đơn hàng từ phía đối tác truyền thống. Mặt khác, sự mất giá của USD còn khiến hàng nhập khẩu có giá bán cạnh tranh, khuyến khích hoạt động nhập khẩu dẫn đến mức độ nhập siêu càng lớn. Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu lại cạnh tranh với hàng nội.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cần nhìn nhận đầy đủ thực tiễn trên để đưa ra một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, xác định mục tiêu ưu tiên để lựa chọn và xử lý giữa: tốc độ tăng trưởng, lạm phát và nhập siêu...

Hiện tại, Bộ Công thương đã đưa ra một số biện pháp trình Chính phủ phê duyệt, ban hành, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tối cao là bảo đảm tăng trưởng GDP cả năm cũng như kìm chế nhập siêu. Bộ đề xuất Chính phủ có chính sách tài chính-tiền tệ hợp lý, khống chế tình trạng DN bán USD với giá thấp; khắc phục tình hình thiếu tiền đồng, có giải pháp về lãi suất hợp lý cho DN trong đó ưu tiên cho DN thực hiện đơn hàng xuất khẩu... Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu, hoạt động xúc tiến thương mại cần được quan tâm thực chất, hiệu quả hơn để hỗ trợ đắc lực cho DN. Bộ Công thương và đại diện các hiệp hội cùng thống nhất cảnh báo DN cần có sự chuẩn bị và đối phó với những vụ kiện chống bán phá giá từ phía DN nước ngoài trong những tháng tới để duy trì xuất khẩu, nhất là giữ vững thị trường.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, nhiều đơn vị đã tính đến những biện pháp nhằm giảm thiệt hại. Trong đó, DN dệt may đang tìm đến cơ cấu mặt hàng mới, phù hợp với những thị trường ít chịu ảnh hưởng của đồng USD; hợp tác để mua những lô phụ liệu nhập khẩu lớn nhằm tiết kiệm chi phí. Mỗi DN triệt để thực hành tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí trong sản xuất và quản lý, tạm thời chuyển sang sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa… hiệp hội và DN đề nghị Chính phủ chưa cho phép tăng giá điện trong thời điểm hiện tại.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo cáo nhân quyền của Mỹ đưa sai sự thật Việt Nam!  (14/03/2008)
Việt kiều sẽ được sở hữu nhà như người trong nước  (13/03/2008)
Thị trường thép: Cần chống việc tăng giá bất hợp lý  (13/03/2008)
Cắt điện ở nhiều điểm trên toàn quốc  (13/03/2008)
Sửa Luật Đất đai: Sẽ đưa đất trở lại giá trị thực?  (13/03/2008)
Phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may  (13/03/2008)
Thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học  (13/03/2008)
Bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động USD  (13/03/2008)
Sẽ đánh giá lại toàn bộ sách giáo khoa!  (13/03/2008)
Bắt đầu căng thẳng điện mùa khô  (12/03/2008)
Năm 2012 có thể thực hiện BHYT toàn dân ?  (12/03/2008)
Tăng giá vé tàu hỏa từ ngày 15.3  (12/03/2008)
SCIC được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán  (12/03/2008)
Thành lập Ban Giám sát thị trường chứng khoán  (12/03/2008)
Kiềm chế lạm phát: Nâng giá đồng Việt Nam  (12/03/2008)