Cúm gia cầm - Diễn biến khó lường
11:7', 14/3/ 2008 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: Nguy cơ dịch cúm gia cầm tại các địa phương hiện nay là rất lớn, do tỷ lệ miễn dịch của đàn gia cầm đã xuống thấp, đàn gia cầm đã qua hạn tiêm phòng cũ.

Thêm vào đó, công tác giám sát, tuyên truyền phát hiện dịch ở tuyến cơ sở không được chú trọng kịp thời; ý thức nhiều hộ chăn nuôi chưa cao, dẫn đến tình trạng phát hiện gia cầm ốm chết không khai báo… thậm chí có nơi người bị nhiễm cúm A/H5N1 mới biết có dịch.

Diễn biến khó lường

Cục Phó Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Hoàng Văn Năm cho biết: Đến ngày 12.3, cả nước vẫn còn 8 tỉnh: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Ninh Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Trị có dịch Cúm gia cầm (CGC) chưa qua 21 ngày. Còn theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch CGC đang diễn biến khó lường, với tính chất xuyên biên giới. Từ đầu năm đến nay, dịch CGC đã xảy ra tại 16 nước, vùng lãnh thổ, đã có hàng trăm ngàn con gia cầm bị tiêu hủy, 18 người đã bị nhiễm cúm A (H5N1), trong đó có 15 người bị tử vong, tập trung vào 3 nước Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam. Riêng Việt Nam đã có 4 trường hợp bị tử vong, ca sau cùng tử vong vào ngày 25.2.2008.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 11.3, ông Nguyễn Văn Cảm – Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, từ ngày 8.2 đến ngày 2.3, lực lượng chức năng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã phát hiện một số động vật chết ở khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương, trong đó có 6 con cầy vằn, 2 con cầy vòi mốc, 5 con chim chào mào, 2 con voọc ngũ sắc và 1 con culi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 1 con cầy vằn nhiễm virút H5N1.

Ông Cầm cho biết, hiện chưa xác định chính xác nguyên nhân làm nhiều động vật ở vườn Quốc gia Cúc Phương chết. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy virus H5N1 đã xuất hiện tại đây và có nguy cơ lan rộng. Về trường hợp con cầy vằn bị nhiễm virus H5N1, theo ông Cảm, có thể virus lây truyền từ chim hoang (thường vào ăn thức ăn trong khu vực nuôi cầy vằn) hoặc từ nguồn thức ăn của cầy vằn. Hiện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương tiếp tục lấy mẫu của 8 con cầy vằn còn lại, đồng thời lấy cả mẫu đất, mẫu nước tại khu vực nuôi cầy vằn để xét nghiệm tìm kiếm virus H5N1.

Tại các tỉnh có dịch xảy ra tình trạng: Địa phương gửi mẫu bệnh phẩm gia cầm đi xét nghiệm cho kết quả kháng thể bảo hộ cao, nhưng “oái oăm” là dịch bệnh vẫn xảy ra, chứng tỏ số gia cầm chết là do tiêm phòng bị bỏ sót hoặc không được tiêm đầy đủ số mũi theo quy định. Đáng chú ý, có nơi khi thấy hiện tượng gia cầm chết rải rác, người dân né tránh, không chịu báo cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương, thậm chí còn vứt xác gia cầm chết xuống sông, suối, ruộng, mương làm phát tán mầm bệnh và gây khó khăn cho việc xác minh nguồn gốc ổ dịch.

Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) còn khuyến cáo: Tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới với những thủ đoạn tinh vi đang có chiều hướng gia tăng phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân và là môi trường tạo điều kiện cho virus H5N1 lây lan, gây nguy cơ bùng phát trở lại dịch CGC. Chỉ trong hơn 2 tháng qua, lực lượng chuyên ngành đã bắt giữ, tiêu hủy gần 7.000 kg gia cầm nhập lậu và cực nhiều trứng không rõ nguồn gốc.

Đã có đủ vaccine tiêm phòng đợt mới

Chuẩn bị đợt tiêm phòng nhắc lại cho đàn gia cầm vào tháng 4 tới, ông Hoàng Văn Năm cho biết: Dự kiến, đến ngày 26.3, khoảng 205 triệu liều vaccine CGC mua của Trung Quốc sẽ về đến Việt Nam. Hiện nay, Cục Thú y vẫn đang tiếp tục điều phối lượng vaccine dự phòng của năm 2007 cho các địa phương còn dịch để tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng khu vực có nguy cơ cao. Theo nhận định của ông Hoàng Văn Năm, khả năng đáp ứng kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng trên đàn gia cầm của vaccine nhập từ Trung Quốc đã được các chuyên gia Trung Quốc, Mỹ và trong nước nghiên cứu, kiểm định và đạt tỷ lệ bảo hộ từ 90 – 100%. Điều này chứng minh tính ổn định và hiệu quả của vaccine H5N1 của nước bạn.

Mới đây, trong Chỉ thị về thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch CGC và cúm A (H5N1) ở người, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch CGC đã yêu cầu các địa phương phải tiến hành kiểm điểm, phê bình cán bộ, nhân viên y tế, thú y cơ sở ở những nơi xảy ra dịch CGC và cúm A (H5N1) ở người; khi xảy ra đã không phát hiện hoặc phát hiện chậm, không báo cáo, không tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm nâng cao trách nhiệm cho cán bộ cơ sở, sớm ngăn chặn, khống chế dịch CGC.

. Theo Tin tức

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giải bài toán tăng trưởng - lạm phát - nhập siêu  (14/03/2008)
Báo cáo nhân quyền của Mỹ đưa sai sự thật Việt Nam!  (14/03/2008)
Việt kiều sẽ được sở hữu nhà như người trong nước  (13/03/2008)
Thị trường thép: Cần chống việc tăng giá bất hợp lý  (13/03/2008)
Cắt điện ở nhiều điểm trên toàn quốc  (13/03/2008)
Sửa Luật Đất đai: Sẽ đưa đất trở lại giá trị thực?  (13/03/2008)
Phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may  (13/03/2008)
Thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học  (13/03/2008)
Bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động USD  (13/03/2008)
Sẽ đánh giá lại toàn bộ sách giáo khoa!  (13/03/2008)
Bắt đầu căng thẳng điện mùa khô  (12/03/2008)
Năm 2012 có thể thực hiện BHYT toàn dân ?  (12/03/2008)
Tăng giá vé tàu hỏa từ ngày 15.3  (12/03/2008)
SCIC được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán  (12/03/2008)
Thành lập Ban Giám sát thị trường chứng khoán  (12/03/2008)