|
Thủy đậu có thể dẫn đến những biến chứng nặng từ nhiễm trùng nốt ra, nhiễm trùng huyết, đến các tác hại trên hệ thần kinh. |
Hiện tại đang là thời điểm thuận lợi cho bệnh thủy đậu "hoành hành". Theo các chuyên gia, thủy đậu có thể gây ra những triệu chứng đặc biệt nguy hiểm như viêm tủy, viêm màng tim và đến 80-90% đối tượng chưa chủng ngừa có nguy cơ mắc bệnh này.
Tại Hội nghị về bệnh thủy đậu và những biện pháp phòng ngừa do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức cuối tuần vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo trên.
Thủy đậu không phải bệnh lành tính
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1, số ca mắc bệnh thuỷ đậu đã bắt đầu cao ngay từ những tháng cuối năm 2007, nên vào hai tháng đầu năm 2008, ngoại chẩn của bệnh viện đã tiếp nhận 500 ca mỗi tháng. Còn nội trú trung bình có khoảng 20-30 ca thủy đậu mỗi tuần.
Bé Nguyễn Thị A H ngụ tại Củ Chi chỉ mới vừa 12 ngày tuổi, đã phải vào Khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1 vì những biến chứng nặng của thủy đậu. Sau hai ngày nổi, những mụn nước trên người bé A H đã hóa mủ.
Tiền sử bệnh, trước khi sinh một ngày, mẹ của bé đã mắc bệnh thủy đậu. Khi nhập viện, bé thở mệt, thở nhanh 80 lần/phút, môi tái, sau đó lơ mơ, hôn mê và phải thở máy...
Một trường hợp khác, bé Trần T L, 8 tuổi, ở Đắk Lắk, sốt cao sau 2 ngày nổi mụn nước. Cơn sốt kéo dài 3 ngày. Sau đó, ngày 17, mụn nước lặn, yếu 2 chi, bí tiểu, liệt dần lên 2 tay, ăn ít, khàn giọng.
Những biểu hiện lâm sàng khi bé L vào điều trị tại Khoa Nhiễm là vết thâm thủy đậu, sức cơ 2 tay yếu hẳn, có nơi mất cảm giác. Thủy đậu đã dẫn đến biến chứng viêm tủy ở bé, nhưng may mắn, sau 10 ngày điều trị bé đã hồi phục dần.
"Hiện nay, thủy đậu xuất hiện hai nhóm chính. Trẻ rất nhỏ do lây từ mẹ. Nhóm này có những trẻ mắc bệnh từ rất nhỏ, dưới 2 tháng, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mới mười mấy ngày tuổi. Nhóm thứ hai là trẻ lớn, 5-6 tuổi. Ngày 15.3, 5-6 trẻ mắc bệnh thủy đậu đang điều trị. Trong đó, một ca bị sốc vì trước đó, trẻ đã bị hội chứng thận hư, khiến hệ miễn dịch bị suy giảm," BS. Khanh cho biết.
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là phỏng rạ hay trái rạ, là bệnh có tính lây nhiễm cao do virus Varicella Zoster gây nên. Ở nước ta, thủy đậu lưu hành quanh năm nhưng thời điểm mắc bệnh nhiều nhất là vào cuối mùa mưa - đầu mùa khô, tức là khoảng tháng 1-4 hàng năm.
80-90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có nguy cơ mắc bệnh. Khi khởi phát người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo động.
Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100-500 nốt.
Bệnh thủy đậu thường diễn biến nhẹ, bình thường những mụn nước này khô đi trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4-5 ngày. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh lành tính. Nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm từ nhiễm trùng nốt ra, nhiễm trùng huyết, đến các tác hại trên hệ thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm phổi.
Từ các nhiễm trùng nốt rạ, bệnh nhân có thể bị sốc, viêm tuỷ xương, viêm màng ngoài tim dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Biến chứng phổ biến nhất ở trẻ em là nhiễm trùng da và mô mềm, có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
Các chuyên gia cảnh báo, phụ nữ mang thai chưa được miễn dịch, đừng tới những chỗ đông người vì sẽ dễ lây bệnh thủy đậu. Giống như bệnh rubella, nếu mẹ lây bệnh thuỷ đậu sang con trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ, trẻ thường có nguy cơ bị các biến chứng nặng.
Đặc biệt, nếu bà mẹ mắc bệnh thuỷ đậu 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau khi sinh, trẻ thường mắc bệnh thuỷ đậu ở thể nặng. Trẻ nhỏ dễ bị viêm phổi và nhiễm trùng do da mỏng và hệ miễn dịch. Đồng thời, trẻ nhỏ thường bị nhốt trong nhà, ủ kín, nên gia đình thường phát hiện bệnh muộn dẫn đến bội nhiễm.
Một biến chứng muộn thường gặp của trái rạ là bệnh Zona hay còn gọi là bệnh giời leo. Đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh trái rạ. Bệnh Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt…
Biến chứng: Chi phí điều trị tốn kém
Một điều sai lầm mà người Việt Nam thường gặp là không chịu chích ngừa trước khi vào mùa dịch.
Theo lời khuyên của BS Trương Hữu Khanh, các bậc phụ huynh nên chủ động tiêm ngừa thuỷ đậu cho trẻ càng sớm càng tốt khi trẻ đã được 12 tháng, không nên chờ đợi dịch bùng phát khắp nơi rồi mới đi tiêm.
Trong khi đó, BS. Salvocion R. Gatchalian - Giám đốc Y khoa và Nghiên cứu Phát triển tại Philippines và Indonesia của GlaxoSmithKline ngành Sinh phẩm cho biết, phí tổn do bệnh và chi phí điều trị bệnh thủy đậu ở thể nặng thường rất tốn kém.
Tại Úc, chi phí điều trị hàng năm của bệnh này là 2,7 triệu đô la Úc, còn Israel phải tiêu tốn 2,5 triệu đô la Mỹ cho chi phí y tế hàng năm và 34,3 triệu đô la Mỹ cho những ảnh hưởng về mặt xã hội đối với bệnh thủy đậu.
Còn tại BV Nhi Đồng 1, một ca bệnh thuỷ đậu nặng có thể tiêu tốn từ 3-4 triệu đồng vào tiền thuốc kháng virus và kháng sinh để điều trị bội nhiễm và các biến chứng khác. Bên cạnh đó, khi trẻ mắc bệnh thuỷ đậu, cha mẹ nhất thiết phải được cách ly từ 7-10 ngày nhằm tránh lây lan cho người xung quanh. Việc cách ly này làm gián đoạn các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ em và công việc của người lớn.
Thuỷ đậu hiện có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi tiêm 1 liều duy nhất. Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn cần tiêm 2 liều. Mỗi liều cách nhau từ 4-6 tuần. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin ngừa thuỷ đậu kéo dài đến 20 năm. Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu (vì một cơn bệnh hoặc vì thuốc) nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm ngừa.
. Theo VNN
Nếu bị nhiễm trái rạ, nên chăm sóc thế nào?
Nếu trẻ bị sốt: dùng paracetamol để hạ sốt.
Nếu trẻ bị sốt chú ý giữ gìn da của trẻ luôn luôn sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, quần áo phải thay giặt hằng ngày bằng xà phòng và nước sạch. Giữ bàn tay trẻ sạch, cắt ngắn móng tay.
Khi nốt rạ bị vỡ, nên chấm thuốc xanh mêtylen để sát khuẩn. Tắm rửa cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm. Phụ huynh thường có quan niệm sai lầm là ủ kín trẻ, kiêng nước hoặc tắm bằng nước gốc rạ... Điều này không làm bệnh thuyên giảm mà còn dễ làm nốt rạ bị nhiễm trùng, để lại sẹo trên da hoặc gây ra biến chứng nguy hiểm.
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu khi trẻ mọc nốt ra trong miệng.
Nếu thấy trẻ sốt cao, các nốt thủy đậu mọc dày, bị bội nhiễm vi khuẩn lên mủ hoặc có hiện tượng hoại tử da, phải đưa ngay đến bệnh viện để các thầy thuốc giải quyết kịp thời các biến chứng. | |