Khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lũ tại miền Trung
74 người chết, hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại
10:25', 1/10/ 2009 (GMT+7)

Đây vẫn chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng của cơn bão số 9. Bởi nhiều xã ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Kon Tum vẫn đang bị cô lập do lũ lớn, thông tin liên lạc bị đứt đoạn.

 

Nhiều nơi, nước vẫn ngập tới gần mái nhà.

 

Theo tổng hợp chiều 30.9 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đã có 74 người chết, 12 người mất tích và 179 người bị thương. Hơn 6.000 ngôi nhà bị sập, trôi; 170.000 nhà và khoảng 500 trường học bị hư hỏng, ngập nước; gần 53.000 hộ dân phải di dời...

Quãng Ngãi, nơi tâm bão đi qua bị thiệt hại nhiều nhất với 22 người chết, 4 người mất tích và 84 người bị thương. Toàn tỉnh có 400 nhà sập hoàn toàn, gần 12.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 200 trường học bị hỏng, ngập... Cúp điện liên tục khiến 5.000 tấn thủy sản trữ trong kho lạnh có khả năng bị hỏng toàn bộ. Tổng thiệt hại ước tính 1.500 tỷ đồng.

Chiều cùng ngày, mực nước các sông đã xuống, song khá chậm. Hơn 160 hộ dân bị cô lập giữa biển nước mênh mông tại huyện Bình Sơn và Nghĩa Hành cũng đã được lực lượng cứu hộ tiếp cận. Tuy nhiên, hiện còn 2 tàu đánh bắt xa bờ, với 29 người chưa có thông tin liên lạc.

Kon Tum nằm ngay cạnh Quảng Ngãi cũng mất đi 21 người và còn 2 người mất tích. Chừng 500 ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái, xiêu vẹo; 1.000 ha lúa bị ngập, đổ. Địa phương này ước tính thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

 

Đường giao thông về nhiều xã bị sạt lở nên cô lập hoàn toàn

 

Trong khi đó, Quảng Nam xác nhận 5 người chết, hơn 5.000 nhà bị sập cùng 200.000 nhà bị ảnh hưởng. Hơn 1.000 ha lúa hè thu chưa kịp gặt đã mất trắng, chưa kể số lúa trong nhà đã bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Hiện, nhiều khu vực trong tỉnh vẫn còn ngập lụt.

Mức nước tại Bình Định đã xuống dưới mức báo động 1. Tuy nhiên, tỉnh đã có 6 người chết, 3 người mất tích, 29 người bị thương. Cơn bão khiến 200 nhà và 3 phòng học sập hoàn toàn, hơn 6.000 nhà tốc mái khiến 800 tấn lúa giống ướt, 62 tàu thuyền chìm, 110 ha hồ tôm bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính 115 tỷ đồng.

Cũng có 6 người thiệt mạng và 23 người bị thương, Thừa Thiên - Huế thống kê hơn 150 nhà sập cùng hơn 70.000 nhà bị hư hại... gần 14.000 hộ dân đã phải di dời. Ước tính thiệt hại của địa phương này là hơn 200 tỷ đồng.

Phú Yên, các sông dao động quanh mức báo động 2. Toàn tỉnh có 1 người chết, 3 người bị thương, 32 nhà sập hoàn toàn, hơn 130 ha hoa màu, 40.000 cây ăn quả bị tàn phá... ước tính thiệt hại 34 tỷ đồng.

* Cả nước hướng về đồng bào bị bão lũ

Ngày 30.9, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi điện tới đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão Trung ương, các bộ, ngành Trung ương có liên quan. Bức điện có đoạn: “Với nỗ lực của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các lực lượng vũ trang, các bộ, ngành Trung ương liên quan và sự chỉ đạo trực tiếp quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã hạn chế được một phần sự tàn phá của bão, lũ. Tôi gửi lời thăm hỏi đến các gia đình bị nạn, gửi lời chia buồn sâu sắc các gia đình có người thân bị mất, mong các gia đình vượt lên đau thương và khó khăn để khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra”. 

 

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng cán bộ nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng quyên góp hỗ trợ đồng bào bị bão lũ.

 

Trước đó, ngày 29.9, được tin cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đang công tác tại nước ngoài, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện thăm hỏi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắc. Bức điện có đoạn: “Tôi chân thành gửi đến các gia đình có người bị chết, bị thương và bị thiệt hại về tài sản lời thăm hỏi ân cần và lời chia buồn sâu sắc nhất. Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, hãy hướng về các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên thân yêu của chúng ta đang ngày, đêm vật lộn với bão, lũ, bằng những việc làm cụ thể để chia sẻ những khó khăn, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào sớm khắc phục hậu quả cơn bão số 9, ổn định cuộc sống”.

Ngày 30.9, Chính phủ tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (kéo dài đến ngày 1.10). Mở đầu phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người chết và bị thương, bị thiệt hại về tài sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả bão, lũ; tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; di dời những hộ dân trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, bị mất nhà cửa...

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và toàn thể cán bộ, công chức Văn phòng Chủ tịch nước; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ đã ủng hộ đồng bào bị nạn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mỗi người ít nhất 1 ngày lương.

Ngày 30.9, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TPHCM phát động đợt quyên góp cứu trợ đồng bào đang bị thiên tai bão lũ do cơn bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền Trung. Ngay trong ngày đầu tiên, các mạnh thường quân và Hội CTĐ 24 quận huyện đã đóng góp trên 500 triệu đồng, 10 tấn gạo, 2 tấn mì tôm và nhiều vật dụng sinh hoạt khác. Đợt quyên góp kéo dài đến ngày 18-10, trước mắt Hội CTĐ TP đã chuyển trước 300 triệu đồng đến các gia đình khó khăn nhất, có người chết do bão lũ gây ra.

Ngày 30.9, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã quyết định dành 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp 12 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề trong trận bão dữ vừa qua.

EU viện trợ cho nạn nhân bão Ketsana

Ngày 30.9, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo viện trợ nhân đạo khẩn cấp 2 triệu EUR (2,9 triệu USD) cho Việt Nam, Campuchia và Lào để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Ketsana (ở Việt Nam gọi là bão số 9). EC cho biết đã quyết định cử một nhóm thuộc lực lượng phản ứng nhanh trong Ban viện trợ nhân đạo EC tới Việt Nam để đánh giá tình hình cũng như những nhu cầu cấp thiết ở khu vực bị bão hoành hành. Sau khi có những đánh giá từ tình hình thực tế, EC có thể sẽ tăng khoản viện trợ cho ba nước này lên 4 triệu EUR.

. Theo VnExpress, SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xăng giảm giá 500 đồng/lít từ 0h ngày 1.10  (01/10/2009)
Bão số 9: 48 người chết, mất tích, thiệt hại nặng  (30/09/2009)
Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung - Tây Nguyên  (30/09/2009)
Kinh doanh xăng đang lãi trên 1.000 đồng mỗi lít  (30/09/2009)
Bế mạc ĐH đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc  (30/09/2009)
Miền Trung tan hoang vì bão dữ  (30/09/2009)
Tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc  (30/09/2009)
Nâng cao chất lượng Cuộc vận động theo gương Bác Hồ  (30/09/2009)
Nhiều cổ phiếu ngành xây dựng tăng kịch trần   (29/09/2009)
Bão số 9 đang tràn vào tàn phá miền Trung   (29/09/2009)
Giá vàng trước nguy cơ giảm tiếp   (29/09/2009)
Miền Trung oằn mình trong bão nguy hiểm   (29/09/2009)
Triển khai các biện pháp cấp bách đối phó bão số 9  (28/09/2009)
VNPT ra mắt truyền hình thế hệ thứ 3  (28/09/2009)
Tránh tập trung kinh tế dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực viễn thông  (28/09/2009)