DỒN SỨC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LŨ
Không để dân đói sau bão lũ
9:44', 2/10/ 2009 (GMT+7)

Một căn nhà ở  Đại Lộc-Quảng Nam bị bão giật sập đổ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp kiểm tra, khắc phục hậu quả bão lũ tại TP Hội An ngày 1.10. 101 người chết và 18 người mất tích. Hiện 13 xã ở Kon Tum vẫn bị cô lập hoàn toàn.

“Tôi rất sốt ruột khi nghe báo cáo về số người chết do bão lũ gây ra tăng dần từng giờ. Đặc biệt, hiện vẫn còn hàng ngàn hộ dân ở 13 xã tại Kon Tum đang bị cô lập hoàn toàn”.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy tại cuộc họp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ diễn ra tại TP Hội An - Quảng Nam chiều 1.10.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương, đến cuối ngày 1.10, bão lũ đã làm chết 101 người, mất tích 18 người và bị thương 199 người. Trong đó, Kon Tum có 30 người chết, 2 mất tích; Quảng Ngãi: 27 người chết, 4 mất tích; Thừa Thiên - Huế: 9 người chết; Quảng Nam: 9 người chết; Bình Định: 7 người chết, 3 mất tích; Đà Nẵng: 4 người chết...

Bão lũ làm sập, trôi 6.376 ngôi nhà; làm tốc mái, xiêu vẹo 172.672 căn; 173.611 nhà ngập nặng; 503 phòng học hư hỏng... Nhiều tuyến đường như Quốc lộ 1 A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14B bị sạt lở nghiêm trọng; hơn 14.000 cột điện bị ngã đổ; 442 công trình nhỏ, đập tạm bị vỡ; 179 tàu, thuyền bị chìm, lật...

Công tác khắc phục hậu quả bão lũ đang diễn ra khẩn trương. Đại diện Bộ GTVT cho biết Vietnam Airlines đã khôi phục các chuyến bay đến sân bay Phú Bài, Đà Nẵng và sẽ tăng cường thêm các chuyến bay. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khai thông các điểm sạt lở trên các tuyến đường để thông tuyến tạm thời, song phải gần 20 ngày nữa mới hoàn thành.

Ngành đường sắt dự kiến hôm nay, 2.10, sẽ thông tàu tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đại diện ngành điện cũng cho biết đã khắc phục được sự cố hư hỏng điện tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và nhà máy này đã hoạt động trở lại bình thường. Ngành điện hiện đã khôi phục được khoảng 81% hệ thống điện, song ở các địa phương bị bão lũ nặng thì khôi phục rất chậm.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã điều động trên 15.000 chiến sĩ đến giúp dân. Bộ Quốc phòng cũng tiếp tục điều động trực thăng, ca nô đến các vùng bị ngập lụt để cứu người. Trong đó, tập trung trực thăng, ca nô, xuồng máy tiếp cận 13 xã của tỉnh Kon Tum đang bị cô lập và một tàu của Phú Yên đang bị chết máy trôi dạt ở biển Cam Ranh...

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết ước tính tổng thiệt hại do bão lũ gây ra ở tỉnh này khoảng 3.500 tỉ đồng. Quảng Nam kiến nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ đồng, 5.000 tấn gạo và hỗ trợ thêm kinh phí để khôi phục khẩn cấp các công trình kiến trúc cổ ở Hội An.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị hỗ trợ 5.000 tấn gạo và 500 tỉ đồng khắc phục hậu quả bão lũ; Đà Nẵng kiến nghị hỗ trợ 180 tỉ đồng, 200 tấn lúa giống... Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị Chính phủ hỗ trợ 7.700 tấn gạo và 230 tỉ đồng cho 8 tỉnh, TP thiệt hại: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Bình Định, Đà Nẵng và Quảng Trị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định hỗ trợ 500 tỉ đồng và 10.000 tấn gạo cho 8 tỉnh, TP nêu trên. Thủ tướng yêu cầu trước mắt, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cứu hộ, cứu nạn ở một số vùng dân cư bị cô lập, cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; nhanh chóng khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống cho nhân dân; tập trung tìm kiếm người mất tích và lo chữa bệnh cho người bị thương. Thủ tướng lưu ý bằng mọi cách phải liên lạc để nắm tình hình thiệt hại ở 13 xã của Kon Tum.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải bảo đảm lương thực, không để dân đói sau bão lũ. Việc xây dựng lại nhà cửa của dân phải khẩn trương; chú ý phun thuốc khử trùng vùng ngập lụt khi nước rút để ngăn chặn dịch bệnh. Tập trung khắc phục, xử lý ách tắc giao thông; công trình cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; khôi phục các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ...

Thủ tướng cũng lưu ý hiện mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, phía Đông Philippines lại xuất hiện một cơn bão rất mạnh. Vì vậy, các địa phương, bộ, ngành cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với bão lũ xảy ra.

Trước đó, Thủ tướng đã đi kiểm tra tình hình sạt lở nghiêm trọng dọc theo tuyến đường ven biển Cửa Đại, TP Hội An.

Thông báo kịp thời hướng đi bão số 9

Trước thông tin về việc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã thông báo không kịp thời về hướng đi chệch vào phía Nam của bão số 9, cơ quan này có buổi gặp báo giới giải thích vào chiều 1.10.

Phó Tổng Giám đốc trung tâm, ông Trần Văn Sáp, khẳng định các bản tin của trung tâm đã thông báo kịp thời hướng đi của bão từ 4 đến 7 giờ ngày 29.9.

Ông Sáp cho biết ngay sau khi thông báo bão chuyển hướng, trung tâm cũng đã gửi thông báo đến các cơ quan chức năng cần thông tin.

“Đối với những cơn bão mạnh tới cấp 10, cơ quan chỉ đạo phòng chống bão ở địa phương cần lưu ý là vùng bán kính gió mạnh có phạm vi hàng trăm km. Do vậy, không nên căn cứ vào vị trí cụ thể của tâm bão để xác định việc phòng tránh” - ông Sáp giải thích.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mạng di động đầu tiên cung cấp 3G  (01/10/2009)
Miền Trung xin cứu trợ khẩn cấp  (01/10/2009)
Siêu âm chẩn đoán giới tính thai bị phạt tới 15 triệu đồng  (01/10/2009)
Việt Nam đã đặt mua 5 triệu liều vắc - xin phòng cúm A/H1N1  (01/10/2009)
74 người chết, hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại  (01/10/2009)
Xăng giảm giá 500 đồng/lít từ 0h ngày 1.10  (01/10/2009)
Bão số 9: 48 người chết, mất tích, thiệt hại nặng  (30/09/2009)
Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung - Tây Nguyên  (30/09/2009)
Kinh doanh xăng đang lãi trên 1.000 đồng mỗi lít  (30/09/2009)
Bế mạc ĐH đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc  (30/09/2009)
Miền Trung tan hoang vì bão dữ  (30/09/2009)
Tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc  (30/09/2009)
Nâng cao chất lượng Cuộc vận động theo gương Bác Hồ  (30/09/2009)
Nhiều cổ phiếu ngành xây dựng tăng kịch trần   (29/09/2009)
Bão số 9 đang tràn vào tàn phá miền Trung   (29/09/2009)