Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững của mỗi quốc gia
10:8', 8/10/ 2009 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên trong đoàn Việt Nam tham dự phiên họp Đại hội đồng UNESCO

Việt Nam đề nghị UNESCO tổ chức hội nghị quốc tế về “Di sản Văn hóa, hoạt động của nhà trường và vai trò của UNESCO” và Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức vào năm 2011 hoặc sau đó.

Phát biểu tại phiên Thảo luận về chính sách chung hôm 7.10 trong khuôn khổ kỳ học lần thứ 35 Đại hội đồng UNESCO ở Paris (Pháp), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng Tổng giám đốc Koichiro Matsuura hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo UNESCO trong 10 năm qua với những cải cách sáng suốt, đưa tổ chức ngày càng năng động và có sức sống mới. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, những cải cách này sẽ được Tổng giám đốc mới tiếp tục thực hiện và đạt được nhiều thành công hơn nữa.

Nhân dịp này Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự cảm ơn Tổng giám đốc Koichiro Matsuura và Ban thư ký đã dành cho Việt Nam những hợp tác hỗ trợ quý báu trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao các hoạt động của UNESCO. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Suy thoái kinh tế cùng những xung đột xảy ra trên thế giới, đã đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của nhân loại và các tổ chức quốc tế. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, UNESCO vẫn duy trì các hoạt động của mình để hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của các quốc gia thành viên cũng như góp phần giữ vững ổn định và hòa bình trên thế giới. Nhờ đó, vai trò và vị thế của UNESCO trong cộng đồng quốc tế không ngừng được củng cố và phát huy”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đại Hội Đồng lần thứ 35 này sẽ đưa ra những định hướng ưu tiên của UNESCO trong hai năm tới, phù hợp với thế mạnh của mình và thực tiễn hiện tại, góp phần thúc đẩy mạnh hơn sự hợp tác toàn cầu, vì một tương lai hòa bình, ổn định và phồn vinh của toàn nhân loại.

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam coi đầu tư cho Giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững của quốc gia. Vì vậy, Việt Nam hoan nghênh việc UNESCO đặt Giáo dục lên ưu tiên hàng đầu và dành cho lĩnh vực này nguồn kinh phí chiếm 25% tổng ngân sách chung, với các chương trình được đặc biệt quan tâm như Giáo dục cho Mọi người, Thập kỷ Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (2005 – 2014), Thập kỷ Xóa Mù chữ của Liên Hợp Quốc (2003 – 2012) mà Việt Nam đã và đang tích cực tham gia.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm ra các phương thức mới để giáo dục học sinh về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Việt Nam mong muốn được trao đổi học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong việc giáo dục văn hóa, lịch sử, gắn với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Để tạo cơ hội cho các quốc gia quan tâm, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc, gắn với các di sản văn hóa cho học sinh, Việt Nam đề nghị UNESCO tổ chức hội nghị quốc tế về “Di sản Văn hóa, hoạt động của nhà trường và vai trò của UNESCO” và Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức vào năm 2011 hoặc sau đó. Đặc biệt, Việt Nam ủng hộ các chương trình của UNESCO nhằm đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có "Kế hoạch chi tiết cho Chiến lược của UNESCO về Biến đổi khí hậu".

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam là luôn ủng hộ đa dạng văn hóa, vì đa dạng văn hóa là sự khẳng định quyền bình đẳng về văn hóa của các dân tộc và là nền tảng cho hòa bình, ổn định trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng của các Biểu đạt Văn hóa vào năm 2007 và sẵn sàng tham gia các hoạt động sắp tới của UNESCO để thực hiện công ước này. Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực đóng góp cho hòa bình và phát triển chung trên thế giới của UNESCO, đồng thời cam kết tích cực tham gia những chương trình lớn mà UNESCO và Việt Nam cùng quan tâm”.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thông báo sự kiện Việt Nam sẽ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm tới. Đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa, đánh dấu sự phát triển của một trung tâm chính trị của Việt Nam 1000 năm qua).

. Theo VOV News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân vùng bị bão lụt  (07/10/2009)
Đỉnh dịch cúm A (H1N1) tại VN sẽ vào tháng 11  (07/10/2009)
Lũ quét kinh hoàng ở Bình Thuận  (07/10/2009)
Bão số 9 mạnh nhất trong 40 năm qua  (07/10/2009)
Việt Nam tăng 5 bậc về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin toàn cầu  (07/10/2009)
Đề nghị tiếp tục giãn thuế thu nhập doanh nghiệp  (06/10/2009)
Váy đồng phục của nữ sinh phải dài trùm quá gối  (06/10/2009)
Bão Melor cấp 17 "bắt tay" bão số 10, nguy hiểm khó lường  (06/10/2009)
Chỉ số HDI của VN xếp thứ 116/182 nước  (06/10/2009)
Sản lượng dầu thô cao nhưng giá trị giảm  (06/10/2009)
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là thể hiện lòng yêu nước  (05/10/2009)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng  (05/10/2009)
Hàng Nhật nhiều hơn nhưng khó rẻ hơn  (05/10/2009)
Nhập quốc tịch Việt Nam phải đủ 3 điều kiện  (05/10/2009)
Siêu bão Parma đi vào biển Đông  (05/10/2009)