Giảm nhẹ rủi ro thiên tai để phát triển
10:20', 8/10/ 2009 (GMT+7)

* Hơn 215.000 tỷ đồng cho phòng chống thiên tai

Giao thông đường bộ bị tê liệt sau bão. (Ảnh: VNN)

Hôm qua (7.10), tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT đã tổ chức khai mạc Diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã tham dự.

Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát khẳng định: Trong năm 2009, các đợt thiên tai, thảm họa xảy ra khá nhiều. Bên cạnh hàng chục trận lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất… thì cho đến nay đã có 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông. Đặc biệt, cơn bão số 9 được coi là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, đã gây thiệt hại nặng nề cả người và của cho nhân dân ở miền Trung và Tây Nguyên.

Tổng thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân ước tính lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Còn nếu tính tổng thiệt hại do các đợt thiên tai, bão lũ suốt từ đầu năm 2009 đến nay thì đã có gần 300 người chết và mất tích, 963 người bị thương, thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 24.400 tỷ đồng. Tính trung bình 5 năm qua, mỗi năm thiên tai cướp đi gần 400 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm 1% - 1,5% GDP.

Điều đáng lo ngại là thành phần đang phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai thảm họa lại là nông dân và những người nghèo. Trong khi đó, diễn biến thiên nhiên ngày càng trở nên bất lợi, đặc biệt là về hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa nhiều quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam cũng đang được coi là một trong 5 quốc gia trên thế giới sẽ chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là công việc rất quan trọng, hiện đang đặt ra khẩn thiết.

“Quan điểm cũng như giải pháp ứng xử rõ ràng, phù hợp và mang tính tổng thể của Việt Nam trong quá trình thực hiện phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai là chủ động, phòng ngừa là chính, Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cũng như của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt là thúc đẩy thực hiện lồng ghép các hoạt động giảm nhẹ thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực, quốc gia” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ NN-PTNT, từ tháng 11.2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Hiện nay, các bộ cùng các địa phương đang nỗ lực xây dựng những hành động cụ thể phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương, khu vực. Trong đó, tại vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đề cao phương châm “phòng chống lũ triệt để”.

Khu vực duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và hải đảo là “chủ động phòng tránh nhưng thích nghi để phát triển”. Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long là “sống chung với lũ”. Riêng với khu vực miền núi và Tây Nguyên, phương châm đặt ra là “chủ động phòng tránh bão lũ”. Đây là những khu vực dễ xảy ra các rủi ro về thiên tai, thảm họa.

Giải pháp đặt ra là phải xây dựng được cả hệ thống bản đồ, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất, quy hoạch dân cư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng hệ thống cảnh báo, thông tin liên lạc đến cấp thôn, bản, khai thông các đường thoát lũ, phát triển hệ thống kênh, hồ kết hợp chống lũ, chống hạn…

Cũng tại Diễn đàn quốc gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Theo đó, chiến lược sẽ bao gồm 36 đề án trực thuộc được thực hiện trong 2 giai đoạn: từ 2009 - 2015 và 2016 - 2020, với tổng kinh phí lên tới hơn 215.000 tỷ đồng. Trong đó, ngoài việc cụ thể hóa từng hành động của chiến lược và các nhiệm vụ ưu tiên thì một trong những mục tiêu quan trọng là nhằm phát huy vai trò tham gia của cả cộng đồng trong việc thực hiện giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt là nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các thiên tai, thảm họa thông qua vai trò của Bộ GD-ĐT.

Trong thời gian tới, kiến thức về phòng chống lụt bão, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được biên soạn thành giáo trình đưa vào giảng dạy tại nhà trường.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ ngày 10.10: Tổng kiểm soát xe ô tô khách trên địa bàn cả nước  (08/10/2009)
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững của mỗi quốc gia  (08/10/2009)
Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân vùng bị bão lụt  (07/10/2009)
Đỉnh dịch cúm A (H1N1) tại VN sẽ vào tháng 11  (07/10/2009)
Lũ quét kinh hoàng ở Bình Thuận  (07/10/2009)
Bão số 9 mạnh nhất trong 40 năm qua  (07/10/2009)
Việt Nam tăng 5 bậc về chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin toàn cầu  (07/10/2009)
Đề nghị tiếp tục giãn thuế thu nhập doanh nghiệp  (06/10/2009)
Váy đồng phục của nữ sinh phải dài trùm quá gối  (06/10/2009)
Bão Melor cấp 17 "bắt tay" bão số 10, nguy hiểm khó lường  (06/10/2009)
Chỉ số HDI của VN xếp thứ 116/182 nước  (06/10/2009)
Sản lượng dầu thô cao nhưng giá trị giảm  (06/10/2009)
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là thể hiện lòng yêu nước  (05/10/2009)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng  (05/10/2009)
Hàng Nhật nhiều hơn nhưng khó rẻ hơn  (05/10/2009)