Tối 10.10, hàng nghìn người đã đổ về Hồ Hoàn Kiếm theo dõi lễ kỷ niệm quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ký ức Hà Nội xưa với mái ngói rêu phong, gánh hàng hoa, hát ca trù và giai nhân áo dài... được tái hiện sinh động.
Quảng trường Lý Thái Tổ được bố trí làm sân khấu lớn, đằng sau tượng vua Lý là một chiếc thuyền rồng bề thế cũng là tầng 2 của sân khấu. Phía bên trái là Khuê Văn Các, đối diện là 4 ngôi nhà cổ lô nhô, mái ngói rêu phong được dựng lên bằng gỗ và xốp. Bao quanh sân khấu là những dãy tường thành được sao chép khá giống thành cổ gợi nhớ một Hà Nội xưa.
|
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận lá cờ Năm quốc gia du lịch từ Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
|
Chương trình có sự góp mặt của gần 2.000 khách mời ở phía trước quảng trường và hàng nghìn người dân Hà Nội theo dõi qua 3 màn hình lớn xung quanh Hồ Gươm.
Lễ kỷ niệm khai mạc với bài phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo. Ông đã gợi lại lịch sử khi vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội luôn là nơi hội tụ của các anh tài, nghĩa sĩ, tạo dựng được sứ mệnh lịch sử là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não về kinh tế, văn hóa giáo dục, giao lưu quốc tế, tượng trưng của hào khí sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố đã nhận cờ đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2010 do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao tặng.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Năm du lịch quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào dịp nghìn năm tuổi sẽ tạo dấu ấn cho bạn bè năm châu về một thủ đô giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây sẽ là vận hội mới cho thủ đô đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân cả nước, để Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới.
Mở màn cho đêm hội "Thăng Long Hà Nội - hội tụ ngàn năm" là chương Thăng Long mở hội thái bình với màn trống hội hoành tráng của hơn 30 nghệ sĩ, xen lẫn là các tiết mục múa sanh tiền, múa rồng tạo bầu không khí sôi động. Một làn Quan họ mượt mà cất lên cũng là lúc hàng chục diễn viên múa bước ra sân khấu trong vai các liền anh liền chị tái hiện các cảnh hội hè, hát quan họ trên sông nơi vùng kinh bắc.
Sân khấu bỗng sinh động với một đêm trung thu của Hà Nội xưa, với sự xuất hiện của các hàng quán, nơi túm tụm chọi gà, nặn tò he, gánh hàng hoa, nơi tấp nập cho chữ, bóng dáng người mù hát sẩm, văng vẳng lời rao xôi nóng, bánh rán... Trên tầng hai của một ngôi nhà cổ xuất hiện đám ca trù với những lời hát da diết mà sâu lắng. Chương Giai nhân Hà Thành tiếp nối với hàng chục người mẫu trong trang phục áo dài truyền thống, thướt tha trong dáng giai nhân.
Chương Tài tử bốn phương rộn ràng với liên tiếp các tiết mục biểu diễn võ thuật, biểu diễn khí công của hàng chục võ sư từ các miền đất võ. Tiếng tù và nổi lên cùng đàn đá, trống chiêng và nhạc khí bằng tre gợi nhớ mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Diễn viên trong trang phục các dân tộc cùng múa hát thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc. Đặc biệt, những màn nhảy hiphop của các nam thanh, nữ tú Hà thành với “váy ngắn” cũng được đưa lên sân khấu, thể hiện cho một mảng Hà Nội thời hiện đại.
|
Các tiết mục văn nghệ xen cùng các tiểu cảnh sống động mô phỏng sinh hoạt của đất kinh kỳ xưa.
|
Không gian Huế tràn ngập với các thiếu nữ áo dài tím vừa múa vừa gõ sênh tiền, mở đầu chương Rước nàng về dinh. Đám rước xưa tưng bừng với lọng vàng, mâm lợn quay, hũ rượu, hai chú ngỗng thắt nơ đỏ. Một lễ rước dâu theo nghi lễ cung đình đã được tái hiện lại. Kết thúc đêm hội là màn pháo bông rực rỡ được bắn lên bầu trời phía sau tượng đài Lý Thái Tổ.
Lễ kỷ niệm được tổ chức quy mô đã để lại nhiều dư âm trong lòng người xem. Theo dõi đến phút cuối cùng, anh Phạm Minh, khách mời từ Vĩnh Phúc, nhận xét, ấn tượng nhất là các tiết mục khá hoành tráng, giàu tính nghệ thuật, khơi gợi đậm nét các đặc điểm văn hóa Thăng Long xưa. Tuy nhiên, theo anh Minh, vẫn có một số hạt sạn như tiết mục hip hop của giới trẻ hơi lạc điệu khi đưa vào bối cảnh tiết mục về văn hóa truyền thống vùng miền.
Đặc biệt, một số tiết mục ca múa trong đêm Thăng Long – Hội tụ ngàn năm cũng đã được dàn dựng trùng với Lễ kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa dịp Tết Kỷ Sửu...
Hồ Hoàn Kiếm tối qua trở thành điểm đến của hàng nghìn người dân Hà Nội, làm tắc nghẽn nhiều tuyến phố lân cận.
. Theo VnExpress |