|
Cầu Cần Thơ tại điểm hợp long |
Sáng nay 12.10, lễ hoàn thành thi công dầm hộp thép cầu Cần Thơ sẽ được tổ chức, sự kiện này chính thức công bố việc hợp long, nối liền nhịp hai đầu cầu Cần Thơ.
Từ mấy ngày trước, việc lắp ghép đốt dầm hộp thép cuối cùng (dài 6m, rộng 24m, nặng 750 tấn) đã hoàn tất. Người dân đi qua phà Cần Thơ có thể thấy cây cầu sừng sững bắc qua sông Hậu liền nhịp. Như vậy là sau hơn 5 năm kể từ ngày khởi công (25.9.2004), công trình cầu Cần Thơ đã đạt một cột mốc quan trọng đánh dấu ngày 7 tỉnh ở phía nam ĐBSCL với trên 10 triệu dân đã được kết nối đường bộ với phần còn lại của cả nước. Đây là cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, hiện thực hóa ước mơ không bị cách trở từ bao đời của người dân vùng châu thổ Cửu Long.
Theo thiết kế, toàn tuyến dự án cầu Cần Thơ có chiều dài 15,85 km. Khởi điểm từ huyện Bình Minh (Vĩnh Long), đi tránh quốc lộ (QL) 1 và TP Cần Thơ, vượt sông Hậu để nối trở lại với QL 1 tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Dự án được chia thành 3 gói thầu. Gói thầu 1: đoạn 5,41 km đường dẫn phía Vĩnh Long; trong đó có 4 cầu. Gói thầu số 2 là gói thầu chính gồm cầu dẫn bờ Bắc bằng dầm Super T dài 520m; cầu chính kết cấu dây văng dài 1.010m bố trí nhịp 2x40 + 150 + 550 + 150 + 2x40, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; cầu dẫn bờ Nam bằng dầm Super T dài 880m; cầu dầm liên tục đúc hẫng vượt nhánh sông Hậu dài 340m. Tổng chiều dài cầu chính là 2,75 km. Cầu rộng 23,1m, có 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề cho người đi bộ, mỗi lề 2,75m. Gói thầu 3 là đường dẫn phía bờ Cần Thơ dài 7,69 km, trong đó có 4 cầu qua các kênh Cái Tắc, Cái Da, Ấp Mỹ và Cái Nai, cầu vượt QL 91B và cầu qua sông Cái Răng. Tốc độ thiết kế 80 km/giờ, qua khu dân cư 60 km/giờ.
Hiện gói thầu số 2 đã được khoảng 96% khối lượng. Phần việc còn lại là lắp ghép lan can, hệ thống nước, chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông và thảm mặt đường. Gói thầu số 1 cũng đã đạt 96% khối lượng. Riêng gói thầu số 3 trước đây do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc đảm nhiệm chỉ mới đạt 75,4% khối lượng và Bộ GTVT đã chỉ định đơn vị khác thay thế để sớm đưa công trình kịp với tiến độ.
Rút ngắn 32 phút
Theo ước tính, một chuyến vượt sông Hậu bằng cầu sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng cho mỗi ô tô, giảm mất giá trị hàng hóa cho mỗi ô tô là 12.394 đồng, thời gian rút ngắn 32 phút so với qua phà.
Theo thống kê của đơn vị quản lý phà Cần Thơ, hiện mỗi ngày (bình thường) có từ 50.000 - 55.000 khách, 25.000 - 27.000 xe gắn máy, từ 7.000 - 7.500 ô tô qua phà vượt sông Hậu. Để chuyên chở một lượng người, xe cộ, hàng hóa khổng lồ này, mỗi ngày 13 chiếc phà (loại 100 và 200 tấn) phải luân phiên từ 900 đến 1.000 lượt vượt sông. Tuy nhiên, vào những ngày cao điểm, giờ cao điểm, những chuyến phà này không thể cùng một lúc kham nổi nên thường xảy ra tình trạng xe cộ xếp hàng rồng rắn chờ nhiều giờ mới được qua sông. Chưa kể, nếu tính lượng người và xe qua phà tăng trung bình 15%/năm, thì khi cầu hoàn thành sẽ tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi ngày.
Cầu Cần Thơ hợp long, vào tháng 3.2010 sẽ thông xe là niềm vui lớn của người dân ĐBSCL, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông, thủy sản.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty chế biến và xuất nhập khẩu thủy hải sản Ngọc Sinh (Cà Mau) mừng rỡ khi biết rằng những chuyến hàng của ông phải vượt trên 350 km để xuất khẩu qua các cảng ở TP.HCM sẽ thoát cảnh "nằm" chờ phà.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu, bày tỏ: "Thủy sản khu vực ĐBSCL chiếm trên 70% tỷ trọng của cả nước. Cơ sở hạ tầng hạn chế lâu nay đã gây những thiệt hại khó tính toán hết. Việc xây dựng, hoàn thành cầu Cần Thơ sẽ là một bước quan trọng để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho cả vùng".
Ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phấn khởi: "Cà Mau là tỉnh xa nhất, khi cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng cách đường bộ với các địa phương khác, đặc biệt là với trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP.HCM. Cà Mau sẽ có thêm lợi thế để thu hút đầu tư vào tỉnh".
Và có lẽ, phấn khởi nhất khi đón nhận tin vui này là TP Cần Thơ, trung tâm của khu vực ĐBSCL nằm ngay bên bờ sông Hậu. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: "Cùng với cầu Cần Thơ, các công trình lớn của Trung ương đã và đang xây dựng như đường Nam sông Hậu, nâng cấp QL1A, nâng cấp QL91... đã giúp giao thông của Cần Thơ thêm thuận tiện. Cùng với sân bay Cần Thơ, cảng Cần Thơ đã đi vào hoạt động, thành phố trung tâm khu vực ĐBSCL này đang dần trở thành đầu mối giao thông quan trọng cho cả khu vực".
Để cầu Cần Thơ chính thức được thông xe, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa từ nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương… UBND địa phương phải hết sức tích cực và đảm bảo dứt điểm, không để vướng mắc giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thường xuyên kiểm tra thực tế, họp giao ban ngay trên công trình, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Sắp tới cần được phát huy và quyết liệt hơn nữa để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào ngày 30.3.2010 - Ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) |
. Theo TNO |