* Kon Tum: Nguy cơ tắc đường, sạt lở núi
|
Áp thấp nhiệt đới gây mưa vừa đến mưa to từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên |
Chiều 18.10, tin từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, trong suốt từ tối 17 và ngày 18-10, trên hầu hết các địa bàn ở miền Trung đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 – 250mm. Vì vậy, lũ trên các sông ở miền Trung đang lên nhanh và ở mức cao. Lũ trên hầu hết các đang ở mức báo động 2, có nơi trên báo động 2, như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế. Lũ dâng cao đã làm cho hàng ngàn hộ dân ở các vùng hạ lưu bị ngập chìm trong nước.
Như vậy, trong vòng chưa đầy 20 ngày, người dân các tỉnh miền Trung lại một lần nữa gồng mình chống chọi với lũ lụt.
Cùng ngày, các địa phương từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã thông báo, hướng dẫn cho 2.804 tàu/18.946 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đối để chủ động phòng tránh. Trong đó, hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có 149 tàu/2.304 lao động. Hoạt động ven bờ và trên các vùng biển khác có 2.655 tàu/16.642 lao động.
Mực nước lũ trên các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu (Thừa Thiên - Huế) đến đầu giờ chiều 18.10 đều xấp xỉ mức báo động 2, gây ngập úng trở lại một số vùng trũng ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền.
Tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch và phương án di dời khoảng 21 ngàn hộ dân với 89 ngàn nhân khẩu ở khu vực nguy hiểm vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, khu vực miền núi, vùng có nguy cơ lũ quét, vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn khi nước lũ tại các triền sông đạt và vượt mức báo động 3, đặc biệt là những hộ dân thiệt hại nặng trong bão số 9 còn đang triển khai khắc phục.
Mưa lớn kéo dài từ 17.10 đến nay nên nhiều tuyến đường tại thành phố Quảng Ngãi đã bị ngập sâu trên 0,5m. Các tuyến đường như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu… bị nước lũ phong tỏa.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nước lũ ngập đến cả mét tại các lối ra vào nên việc chuyển bệnh nhân vào viện cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn. Hiện mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi đều vượt mức báo động 2 và đang tiếp tục lên. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tăng cường lực lượng chủ động ứng phó với đợt lũ mới.
Tại Phú Yên, mưa lớn cũng gây ngập lũ tại một số nơi, đặc biệt là tại huyện Tuy An, nhiều khu vực ven sông An Định, sông An Thái đã bị lũ chia cắt. Theo Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện vẫn còn 276 tàu/1.745 lao động trong tỉnh đang hoạt động ngoài khơi. Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tiếp tục giữ liên lạc, thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới cho các phương tiện đang hoạt động ngoài khơi vào nơi trú tránh an toàn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa to, mực nước trên các sông Pô Kô, Sê San, Đăk Bla, Đăk Snghé… tiếp tục dâng cao trở lại. Đến nay, ảnh hưởng cơn bão số 9 chưa khắc phục được nên nguy cơ sạt lở ở tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận các huyện Đăk Glei, Đăk Tô tiếp tục phát sinh, dễ xảy ra tình trạng tắc đường.
Trên đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum hiện có 12 điểm dễ xảy ra nguy cơ sạt lở cao do nước sông ăn sát vào lề đường. Bên cạnh đó, nước sông Đăk Snghé dâng cao, cây cầu phao bắt tạm qua sông này trên tuyến quốc lộ 24 phải tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn nên giao thông trên tuyến quốc lộ 24 bị gián đoạn. Ngoài ra, do mưa lớn nên nguy cơ sạt lở núi ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei cũng rất dễ xảy ra.
* Trong khi đó, ở ngoài khơi Philippines, vùng ATNĐ đã mạnh lên thành “siêu bão” với tên quốc tế là Lupit. Theo dự báo của Đài khí tượng Mỹ, tối qua (18.10), tâm bão Lupit đang ở 17,6 độ vĩ Bắc và 134,5 độ kinh Đông, với sức gió thổi mạnh tới 130-160km/giờ.
Trong vài ngày tới, bão Lupit nhiều khả năng sẽ tiến vào biển Đông, hướng vào các tỉnh miền Trung nước ta.
. Theo SGGP |