Chiều 19.10, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức họp báo công bố nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Theo Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng, kỳ họp thứ 6 khai mạc sáng nay, 20.10 và dự kiến bế mạc vào ngày 27.11, với 32 ngày làm việc.
Về xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật. Đó là: Luật Người cao tuổi; Luật Khám chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 10 dự án luật khác, đáng lưu ý có Luật Thuế nhà, đất; Luật An toàn thực phẩm; Luật Các tổ chức tín dụng...
Quốc hội cũng sẽ dành thời lượng thích đáng để nghe báo cáo về tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia như nhà máy lọc dầu Dung Quất, thủy điện Sơn La; báo cáo kết quả việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh liên quan; đồng thời, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...
Hoạt động giám sát được đặc biệt chú trọng tại kỳ họp này (dự kiến được dành tới 10 phiên họp toàn thể, chiếm hơn 22% thời lượng làm việc của kỳ họp), trong đó nội dung giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được truyền hình trực tiếp để nhân dân tiện theo dõi.
Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn nhấn mạnh, xu hướng chung tại kỳ họp lần này là giảm tham luận, giảm đọc báo cáo và tăng tranh luận. Cũng theo Chủ nhiệm VPQH, khác với các kỳ họp trước, lần này, VPQH sẽ tổ chức tập huấn, giúp cho các đại biểu Quốc hội sử dụng hộp thư điện tử và máy tính xách tay. “Các phòng nghỉ đều có mạng không dây để các đại biểu có thể nghiên cứu tài liệu cả trong và ngoài phòng họp” – ông Trần Đình Đàn nói.
Theo thông tin từ VPQH, trong ngày làm việc đầu tiên, sau nghi thức khai mạc kỳ họp, QH sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và phương hướng, kế hoạch phấn đấu năm 2010.
Cụ thể, tổng hợp lại và đối chiếu với các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 được QH đề ra (bao gồm các chỉ tiêu QH đã cho phép điều chỉnh tại kỳ họp thứ 5), có 18/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra và 7 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Đáng lưu ý là chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2009 ước đạt 5,2% (chỉ tiêu là 5%); chỉ số tăng giá tiêu dùng ước khoảng 7% (kế hoạch: dưới 10%); bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 6,9% so với GDP (kế hoạch là dưới 7%).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp tăng trưởng khá thấp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất là (-4,4%) trong tháng 1, các tháng tiếp theo có tăng lên, nhất là từ giữa quý 3, nhưng tính bình quân cả năm vẫn ở mức thấp. Xuất khẩu giảm mạnh so với năm 2008 chủ yếu do yếu tố giảm giá, ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn cao, các chỉ tiêu tạo việc làm, xuất khẩu lao động và một số chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững (như tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng…) chưa đạt kế hoạch đề ra.
. Theo SGGP |