|
Thị trường xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động của giá thế giới |
Giá xăng dầu thế giới lại tăng liên tục trong 10 ngày qua. Người dân nín thở trước khả năng giá xăng dầu có thể sẽ lại tăng sau khi vừa giảm nhẹ 500 đồng/lít.
Dầu diesel lại lỗ
Chiều hôm qua, 19.10, hầu hết, các công ty đầu mối xăng dầu đều đưa ra nhận định với VietNamNet: giá xăng dầu thành phẩm đang tăng lên và tình hình kinh doanh tiếp tục khó khăn. Riêng với mặt hàng dầu diesel, đồng loạt các doanh nghiệp đều khẳng định đang trong tình trạng lỗ nặng.
Đại diện của Công ty xăng dầu Petec cho hay, với đà tăng của giá thế giới hiện nay, so với giá bán lẻ hiện tại, mặt hàng dầu diesel của doanh nghiệp này lỗ nặng nhất, 1.000đồng/lít. Xăng cũng có không lãi.
Với Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp, mức lỗ của dầu diesel hiện nay cũng vào khoảng 400đồng/lít.
Phía công ty xăng dầu lớn nhất Việt Nam là Petrolimex cũng xác nhận, dầu diesel đang là mặt hàng “âm” hiện nay và xăng thì cũng không khá hơn.
Lẽ dĩ nhiên, lý do chủ yếu vẫn là sự leo thang trở lại của giá xăng dầu thành phẩm thế giới. Đây là yếu tố chiếm tới 63% trong kết cấu giá thành xăng dầu trong nước.
Phân tích của các doanh nghiệp trên cho thấy, mặt bằng giá xăng dầu chỉ dịu đi trong tháng 9 và duy trì được thêm 5 ngày đầu của tháng 10. Từ ngày 6.10 trở lại đây, giá xăng và dầu thành phẩm liên tục có chiều hướng đi lên.
Đối với mặt hàng xăng A92, tại thị trường Singapore, phiên giao dịch gần đây nhất là thứ 6 tuần trước, ngày 16.10, giá đã tăng lên mức 77.76USD/thùng, tăng lên là 8,09USD/thùng (11%) so với 10 ngày trước đó.
Dầu diesel 0,25S đã vọt lên mức 82,72USD/thùng, tăng lên 10USD/thùng so với 10 ngày trước, với tỷ lệ tăng là 13%. Đây là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 10 ngày qua. Đại diện công ty Đồng Tháp nói, đặc biệt trong 5 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, giá dầu diesel tăng gần 2USD, tương đương mỗi lít dầu tăng thêm 200đồng/phiên giao dịch.
Công ty này tính toán, nếu nhập xăng dầu với mức giá trên, giá thành nhập kho của xăng sẽ là 15.500đồng/lít, nghĩa là cao hơn 300đồng/lít so với giá bán lẻ hiện nay (15.200đồng/lít). Giá thành của dầu diesel nhập tới kho sẽ là 13.700đ, sẽ lỗ 900đồng/lít so với mức giá bán lẻ hiện nay l(12.800đồng/lít).
Còn nếu cộng tiếp mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý bán lẻ, thấp nhất là 400đồng/lít xăng và 500đồng/lít dầu thì các doanh nghiệp sẽ còn lỗ hơn nữa… Tất nhiên, đó mới chỉ là bài toán lỗ trên cơ sở giá nhập hôm nay.
Chưa đủ thời gian để xin tăng giá
Có thể thấy, chỉ khoảng 5 ngày sau khi Bộ Tài chính có quyết định giảm giá xăng dầu xuống 500đồng/lít thì giá thế giới của mặt hàng này lại bắt đầu một chu kỳ nhích lên.
Đại diện các công ty xăng dầu cho rằng, các quyết định của Bộ Tài chính thường có độ trễ nhất định so với biến động của giá thế giới.
Tuy nhiên, một tín hiệu khác biệt so với trước đây là, các doanh nghiệp xăng dầu tuy kêu lỗ nhưng tỏ ra thận trọng hơn khi nói tới chuyện “sẽ xin tăng giá”.
Trao đổi với VietNamNet, một doanh nghiệp phía Nam đã cho biết, sẽ tính chuyện sẽ phải xin tăng giá vì hiện nay, đồng loạt 2 mặt hàng xăng và dầu đều âm.
“Sẽ chờ nốt phiên giao dịch đầu tuần này, có thể, trong ngày thứ 20 của chu kỳ này, tức ngày 20.10, chúng tôi sẽ gửi đề xuất tăng giá các mặt hàng xăng dầu lên Liên Bộ Tài chính- Công Thương, với mức tăng tối thiểu là 500đồng/lít”, vị trưởng phòng phòng kinh doanh của doanh nghiệp này khẳng định.
Trong cơ cấu 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thì đơn vị này cũng chỉ chiếm chưa đầy 4% thị phần xăng dầu cả nước.
Khá cân nhắc khi nói tới câu chuyện về giá xăng dầu, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolime bày tỏ: “Việc tăng giá trở lại chỉ mới diễn ra trong độ 10 ngày qua, chưa đủ thời gian biến động là 20 ngày. Sẽ không vì thế mà chúng tôi vội vàng xin tăng giá ngay. Xăng dầu vẫn là mặt hàng dự báo phức tạp nhất, không thể nói trước được điều gì. Chúng tôi sẽ chờ thêm thời gian và sẽ có quyết định sau.”
Ông Dũng cũng cho rằng, còn quá sớm để nói chuyện khả năng giá xăng dầu thế giới có tăng tiếp nữa hay không? Cũng có thể hiểu, đơn vị lớn nhất của ngành xăng dầu Việt Nam rất e ngại dư luận khi sợ xin tăng giá nhưng sau đó, giá thế giới lại đảo theo chiều ngược lại.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam, chiếm 10% thị phần xăng dầu cả nước chỉ khẳng định, về lý thuyết, nếu giá thế giới tiếp tục tăng và mặt hàng bán ra lỗ thì đơn vị sẽ phải xin điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, lý do cơ bản là biến động giá xăng tính theo mức trung bình 16 ngày qua chưa hẳn đã mạnh như khá nhiều doanh nghiệp kêu than.
Từ 1.10 đến ngày 16.10, giá bình quân của dầu DO 0,25S thành phẩm là 76,16USD. Mức giá này chỉ nhỉnh hơn chưa đến 1USD/thùng so với giá bình quân chu kỳ 20 ngày trước (từ 18.9 đến ngày 28.9) là 75,305USD/thùng. Còn nếu so với mức giá trung bình của cả tháng 9 là 76,722USD/thùng thì mức giá bình quân hiện nay của mặt hàng này vẫn thấp hơn 42xu/thùng.
Tương tự, đối với mặt hàng xăng A92, mức giá bình quân 16 ngày qua là 72,61USD/thùng. Mức này vẫn thấp hơn 2USD/thùng so với giá bình quân của chu kỳ 20 ngày trước và thấp hơn 4USD/thùng so với giá trung bình toàn tháng 9.
So sánh trên cho thấy, giá xăng dầu dù có tăng lên trong 10 ngày qua nhưng chưa đủ để kéo mức giá bình quân cao hơn hẳn so với chu kỳ dự trữ lưu thông trước.
Bên cạnh đó, đại diện công ty dầu khí Đồng Tháp bình luận, nếu nhập hàng ở giai đoạn này và bán ra với mức giá hiện hành thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng như ước tính ở trên, nhất là nhập trong 5 ngày trở lại đây.
. Theo VNN |