|
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải công khai chi phí đầu vào để mọi người giám sát. |
Phải minh bạch hóa chi phí đầu vào của xăng dầu. Chỉ trong thời hạn nhất định nào đó, giá đầu vào tăng nhưng chưa điều chỉnh giá tương ứng thì mới lấy quỹ bình ổn ra bù.
Theo Nghị định 84/CP của Chính phủ, từ ngày 15.12, doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ xăng dầu khi giá đầu vào biến động 7%-12%. Phóng viên Báo NLĐ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh xung quanh vấn đề này.
. Phóng viên: Thưa bộ trưởng, trước đây Chính phủ đã có các nghị định cho phép điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng sau đó không thực hiện được. Vậy theo Nghị định 84/CP, mức độ thị trường hóa của giá xăng dầu được thực hiện đến đâu?
- Bộ trưởng Võ Văn Ninh: Nghị định 84/CP có nhiều nội dung, trong đó quy định giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước, không phải thả nổi. Nghị định này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở phạm vi nhất định.
Ví dụ giá đầu vào tăng - giảm trong phạm vi bình thường thì doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá bán lẻ. Chỉ khi giá nhập khẩu tăng đột biến, Nhà nước mới can thiệp. Biện pháp can thiệp có thể là từ thuế, từ quỹ bình ổn giá và các biện pháp khác. Nếu giá xăng dầu thế giới biến động mạnh như năm 2007-2008, cần thiết phải giữ giá thì Nhà nước vẫn phải bù.
Lúc đầu, dự thảo nghị định đề nghị thời gian cách nhau của mỗi đợt điều chỉnh tăng - giảm là 20 ngày nhưng sau cùng, nghị định quy định 10 ngày. Đề xuất 20 ngày là căn cứ vào lượng dự trữ lưu thông bình quân của các doanh nghiệp, song điều chỉnh sớm hơn cũng được.
Cá nhân tôi nghĩ 20 ngày hợp lý hơn, vì khi hình thành được quỹ bình ổn giá, khoảng cách như vậy bảo đảm giá xăng dầu trên thị trường không phải điều chỉnh thường xuyên. Về nguyên tắc, đã là theo giá thị trường, có thể để giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh hằng ngày, cá biệt có nước điều chỉnh theo giờ. Tuy nhiên, ở VN chưa quen, thay đổi liên tục sẽ tác động đến tâm lý.
. Tại thời điểm này, giá xăng dầu thế giới đang biến động mạnh, thị trường đang đứng trước khả năng tăng giá mới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước nên ngừng trích quỹ bình ổn để tránh tăng giá. Ý kiến bộ trưởng thế nào?
- Ngừng trích quỹ thì sau này điều hành sẽ khó khăn hơn. Đã theo thị trường thì phải chấp nhận theo thị trường, biến động tăng - giảm phải điều chỉnh. Tuy nhiên, để theo thị trường mà Nhà nước vẫn quản lý được thì tất cả chi phí đầu vào phải rõ.
Trong đó, số tiền trích lập quỹ bình ổn doanh nghiệp không được sử dụng. Chỉ trong thời hạn nhất định nào đó, giá đầu vào tăng nhưng chưa điều chỉnh giá tương ứng thì lấy quỹ ra bù. Như vậy công tác điều hành cũng chủ động hơn.
. Có một mâu thuẫn là tính toán giá xăng dầu của các chuyên gia, của Bộ Công Thương luôn khác so với mức giá công bố của doanh nghiệp. Vậy khi hậu kiểm, cơ quan Nhà nước căn cứ vào yếu tố nào để biết giá xăng dầu có hợp lý hay không?
- Phải kiểm soát chi phí đầu vào. Tất cả chi phí này, theo Nghị định 84/CP, doanh nghiệp phải công khai để mọi người giám sát, không riêng gì cơ quan Nhà nước. Quan điểm của tôi là phải minh bạch và làm thế nào để thực sự cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chủ động, không quá phụ thuộc chờ đợi ý kiến Nhà nước.
. Theo NLĐ |