Sáng nay, 23.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách tài chính tiền tệ năm 2009 của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được những mục tiêu chủ yếu được QH quyết định. Tuy nhiên, các ĐBQH bày tỏ băn khoăn về độ chính xác trong những tính toán, dự báo về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước.
|
ĐBQH Trần Du Lịch, đoàn TP Hồ Chí Minh |
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) chỉ ra rằng, trong khi thu ngân sách năm 2009 dự kiến giảm từ 30.000 đến 60.000 tỷ đồng (từ đó cho phép tăng bội chi lên 7%) thì thực tế thu ngân sách đến thời điểm hiện tại đã vượt 750 tỷ đồng, dự kiến cả năm có thể vượt hàng ngàn tỷ đồng. “Và trong khi không hụt thu mà vẫn bội chi đến 6,9% thì cần nghiêm túc đặt vấn đề về kỷ luật ngân sách”, ông Lịch phát biểu.
Các ĐB Trần Du Lịch, Lê Thành Tâm (TPHCM) thống nhất với nhận định mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu trong báo cáo thẩm tra về việc xây dựng phương án thu chưa tích cực, chưa đánh giá hết cũng như chưa có giải pháp động viên để huy động hết các nguồn thu.
ĐB Trần Du Lịch đặt câu hỏi: “Chính phủ dự kiến thu không đủ chi, xin phát hành thêm trái phiếu nhưng rốt cuộc phát hành trái phiếu không thành công mà vẫn có tiền đầu tư. Vậy thì tại sao phải xin phát hành? Rót mạnh vốn công cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội để kích thích kinh tế là đúng nhưng giải ngân quá chậm làm mất đi ý nghĩa ngăn chặn suy giảm”.
Cụ thể hóa thêm nhận định “thu chưa quyết liệt”, ĐB Thào Hồng Sơn (Hà Giang) cho biết, cử tri quan tâm, phản ánh về tình trạng doanh nghiệp mua bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp, gian lận trốn thuế, chuyển nhượng đất đai, nhà cửa “chui”… ĐB Sơn cũng tỏ ý phân vân về sự không thống nhất giữa một số số liệu quan trọng về chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách của QH.
Liên quan đến kế hoạch ngân sách năm 2010, đa số ý kiến cho rằng mức bội chi 6,5% là cao, không phù hợp với tinh thần nghị quyết của QH về giảm bội chi. Thậm chí, ĐB Lê Thành Tâm còn cho rằng, chỉ nên cho phép mức bội chi ngân sách khoảng 5,5% GDP. “Nếu không liệu cơm gắp mắm thì thế hệ con cháu của chúng ta sẽ phải trả nợ”, ông nói.
. Theo SGGP
|